Báo Công An Đà Nẵng

Hồng Kông và Đài Loan - thách thức lớn của Trung Quốc

Thứ tư, 03/12/2014 09:51

(Cadn.com.vn) - Một thất bại thảm hại cho đảng nắm quyền ở Đài Loan cùng những diễn biến chưa có hồi kết của biểu tình tại Hồng Kông đang đặt ra nhiều thách thức cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Mục tiêu hàng đầu của Chủ tịch Tập Cận Bình - phát triển nền kinh tế đang chững lại - xem ra đang bị chệch hướng do làn gió chính trị từ Đài Loan và Hồng Kông.

Trong khi bài toán khủng hoảng biểu tình ở Hồng Kông chưa thể có lời giải thỏa đáng, cuộc bầu cử địa phương ở Đài Loan đã lấy đi những số ghế quan trọng của Quốc dân đảng (KMT) cầm quyền vốn có chủ trương thắt chặt quan hệ với Đại lục. Tất cả đang đặt ra những thách thức lớn nhất trong nhiều năm qua đối với chính quyền trung ương Bắc Kinh.

HỒNG KÔNG VẪN BẤT ỔN

Dù một nhóm khởi xướng phong trào “Chiếm Trung tâm” ở Hồng Kông quyết định tự thú vào hôm nay (3-12), nhưng tình hình vẫn còn nóng bỏng do người biểu tình tiếp tục gây sức ép lên chính quyền đặc khu Hồng Kông  đòi hỏi phải ngồi vào bàn đối thoại.

Trưởng Đặc khu Lương Chấn Anh ngay lập tức bác bỏ đề nghị đòi tổ chức vòng đàm phán khác về việc cải cách chính trị của các sinh viên. Phát biểu trước thềm cuộc họp chính quyền, ông Lương Chấn Anh thậm chí khuyên các các sinh viên hãy chú ý chăm sóc bản thân, đặc biệt là trong thời tiết lạnh như thế này.

Theo ông, việc tiếp tục muốn đạt được hình thức phổ thông đầu phiếu trong cuộc bầu cử năm 2017 sẽ không thể thực hiện thông qua đấu tranh... mà duy nhất chỉ có thể được thực hiện theo các điều khoản trong Luật Cơ bản và quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc.

Người biểu tình Hồng Kông xuống đường để buộc chính quyền đáp ứng các yêu sách về bầu cử tự do tại đặc khu này vào năm 2017. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng cắm trại ra trên xa lộ 8 làn xe ở quận Admiralty, chính quyền Hồng Kông vẫn chưa cho thấy bất kỳ khả năng sẵn sàng nhượng bộ nào mà thậm chí còn đang dần chìa ra bàn tay cứng rắn hơn.

Khủng hoảng biểu tình ở Hồng Kông luôn diễn biến khó đoán. Ảnh: EFE

ĐÀI LOAN BẾ TẮC

Mặc dù các cuộc biểu tình Hồng Kông chắc chắn sẽ không dẫn đến cuộc khủng hoảng tương tự ở Đài Loan nhưng người ta lo sợ, một chính quyền không phải của KMT sẽ khiến mối quan hệ hai bờ eo biển rơi vào băng giá.

Hôm 1-12, nội các 81 thành viên của Đài Loan đồng loạt từ chức sau thất bại của KMT để chờ nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu lựa chọn người đứng đầu Cơ quan lập pháp thay thế ông Giang Nghi Hoa cũng như đề cử đội ngũ mới. Giới phân tích cho rằng, đây có thể là một quá trình không kéo dài nhưng khá rắc rối. Mọi việc sẽ tồi tệ hơn khi tại phiên họp Ban Chấp hành Trung ương vào hôm nay (3-12), ông Mã Anh Cửu - nhà lãnh đạo  luôn hướng về Bắc Kinh - tuyên bố từ chức Chủ tịch KMT để chịu trách  nhiệm về thất bại của đảng cầm quyền.

Hồng Kông về với Trung Quốc năm 1997 theo chính sách “một quốc gia, hai chế độ”. Đài Loan cũng là một phần lãnh thổ của Trung Quốc và chính quyền ông Tập đang nỗ lực thúc đẩy chính sách “một quốc gia, hai chế độ” trong cách tiếp cận với hòn đảo này. Chủ tịch Trung Quốc trong thời gian qua đang nỗ lực thúc đẩy quyền lực mềm trong chính sách đối ngoại khi xoa dịu những lo ngại về nỗ lực phát triển sức mạnh quân sự của Bắc Kinh. Nhưng dù chú trọng đối ngoại, ông Tập cũng không thể lơ là đối nội, trong đó có vấn đề của Đài Loan và Hồng Kông hiện nay, đặc biệt là trong quan hệ với “đứa con khó bảo” Đài Bắc.

Kể từ năm 2008, Đài Loan và Đại lục ký kết 21 thỏa thuận thương mại, quá cảnh và đầu tư. Nhưng vẫn còn đó là làn sóng biểu tình âm ỉ phản đối việc phê chuẩn một thỏa thuận tự do hóa thương mại với Bắc Kinh. Đó là khúc mắc mà ông Tập cần tìm cách hóa giải.

Khả Anh