Báo Công An Đà Nẵng

Họp báo quốc tế lần thứ 4 về tình hình Biển Đông: Trung Quốc đã làm tình hình trên Biển Đông ngày càng căng thẳng

Thứ năm, 05/06/2014 23:30

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-6, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế lần thứ 4 về tình hình Biển Đông kể từ khi Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Hàng loạt câu hỏi nóng bỏng của các phóng viên trong nước và quốc tế liên quan tới những diễn tiến mới ở Hoàng Sa đã được đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Biên giới Quốc gia, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Cục Kiểm ngư... trả lời rõ.

Trước câu hỏi về những thông tin sai trái, vu khống mà Trung Quốc đưa ra thời gian qua nhằm che đậy âm mưu độc chiếm Biển Đông, đánh lừa dư luận, ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia cho rằng: Hình ảnh thể hiện đều là Trung Quốc ngang ngược đâm tàu Việt Nam chứ phía Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh nào chứng minh việc ngược lại. Các hình ảnh tàu Trung Quốc hung hăng cũng được đăng tải trên chính các phương tiện truyền thông, mạng truyền thông Trung Quốc.

Trả lời câu hỏi về quyền biểu tình của người dân, ông Lê Hải Bình - quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định: Việt Nam trân trọng mọi sự biểu thị tình cảm yêu nước của người dân Việt Nam. Trong suốt 1 tháng qua người dân trong và ngoài nước đã có nhiều hình thức biểu thị tình cảm của mình nhưng phải đúng pháp luật. Việc biểu tình của người Việt ở nước ngoài cũng phải thực hiện theo đúng quy định của nước sở tại như đăng ký, tổ chức trong an ninh, hòa bình.

Trả lời câu hỏi về phản ứng của các nước G7 liên quan đến sự việc diễn ra trên Biển Đông của phóng viên Kyodo News, ông Lê Hải Bình nói: Việt Nam hoan nghênh công bố của lãnh đạo G7 bày tỏ sự lo ngại về an ninh trong khu vực, phản đối hành vi của Trung Quốc và kêu gọi duy trì hòa bình trong khu vực.

Đặt câu hỏi với đại diện Cảnh sát biển, một phóng viên đặt vấn đề: Việc Trung Quốc truy đuổi tàu các lực lượng chấp pháp phải chăng cho thấy Cảnh sát biển, Kiểm ngư Việt Nam yếu thế? Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, đáp: Ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt Nam, các lực lượng chấp pháp đã kịp thời có mặt để ngăn chặn và thực thi pháp luật trên khu vực, bảo vệ tàu ngư dân Việt Nam. Dù các tàu Trung Quốc sử dụng phương tiện tấn công tàu Việt Nam, làm kiểm ngư viên Việt Nam bị thương nhưng Việt Nam vẫn kiềm chế vì muốn giải quyết vấn đề bằng phương pháp hòa bình. Chính sự kiềm chế đó là thực hiện chủ trương và mục đích của Việt Nam.

Một phóng viên đặt câu hỏi: Trung Quốc không hề có dấu hiệu xuống thang căng thẳng, Việt Nam cần phải tiến hành thêm giải pháp gì để đấu tranh? Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ý kiến của Hiệp hội nghề cá Đà Nẵng sẽ kiện tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam ra tòa quốc tế? Trả lời câu hỏi này, ông Trần Duy Hải nhấn mạnh: Trong hơn 1 tháng qua Việt Nam đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông nhưng đến nay Trung Quốc vẫn bất chấp tất cả. Việt Nam sẽ kiên trì đấu tranh thông qua biện pháp hòa bình.

Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao hơn nữa với Trung Quốc để giải quyết vấn đề, đồng thời cân nhắc đến giải pháp tiếp theo để giải quyết vấn đề. Vừa qua cộng đồng quốc tế đã có phản ứng mạnh mẽ đối với Trung Quốc, lần đầu tiên trong nhiều năm qua và chắc chắn sẽ có tác dụng ngăn chặn những hành động nguy hiểm của Trung Quốc. Về việc kiện tàu Trung Quốc, ông Hải cho rằng, các vụ kiện quốc tế đều rất phức tạp. Việc Hiệp hội nghề cá kiện thì chỉ mang tính dân sự nhưng hành vi của Trung Quốc liên quan đến việc vi phạm chủ quyền nên không thể giải quyết trong một vụ kiện dân sự đơn thuần như thế nên các phương án đều được tính đến nhưng làm như thế nào để có hiệu quả nhất.

Một phóng viên Mỹ đặt câu hỏi: Việt Nam có kỳ vọng gì ở Mỹ trong vấn đề trên biển của Việt Nam? Người phát ngôn Lê Hải Bình đáp: Việc duy trì an ninh trên biển là trách nhiệm của mọi quốc gia. Hoa Kỳ là một nước lớn trên thế giới và trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Việt Nam mong muốn Hoa Kỳ có những tiếng nói mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề ở khu vực thông qua luật pháp quốc tế.

P.V (lược ghi)