Họp Chính phủ thường kỳ tháng 9: Triển vọng vượt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2018
Chiều 1-10, kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018, đối với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ phấn đấu đạt cao hơn chỉ tiêu này.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. |
Đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao là 6,7%, Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ sẽ phấn đấu đạt cao hơn.
“Dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp...”
Giao những nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng chỉ đạo sản xuất nông nghiệp cần chú trọng khâu chế biến, xuất khẩu, xây dựng chuỗi giá trị. Bộ Công Thương tiếp tục các dự án lớn có sức lan tỏa. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chú trọng phát triển du lịch chất lượng cao, chú trọng chất lượng dịch vụ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công...
Nhấn mạnh mục tiêu của tái cơ cấu nền kinh tế là hướng đến giảm sự phụ thuộc vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, Thủ tướng lưu ý cần phải coi trọng hơn sức cầu trong nước. Do đó, cần có chính sách “dưỡng sức dân, dưỡng sức doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân”. Bên cạnh đó là phát triển năng lực cạnh tranh của các đô thị. Đưa khoa học công nghệ trở thành động lực tăng trưởng mới.
Thủ tướng cũng lưu ý Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý tăng sự kết nối giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước khi tổng kết 30 năm chiến lược thu hút đầu tư FDI. Nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn là cần thiết, Thủ tướng lưu ý có sự “chững lại” của một số cơ quan chức năng trong việc này và chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp sắp tới, khẩn trương cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết.
Phân tích sâu về những khó khăn mà nền kinh tế đang phải đối mặt, Thủ tướng cho rằng, hiện đang có những rủi ro về tỷ giá. Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt hơn, hạn chế nhập siêu; tiếp tục theo dõi tình hình quốc tế, có giải pháp kịp thời bảo đảm lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tránh đột biến.
Trước thực trạng vốn FDI giảm so với cùng kỳ, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương lưu ý điều này để có giải pháp hợp lý. Cùng với đó là đánh giá cơ hội để đón đầu các dự án đầu tư dịch chuyển sang Việt Nam.
Nhìn nhận về việc mặc dù 9 tháng đầu năm có hơn 96.600 doanh nghiệp thành lập mới, trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cải hiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng cao, Thủ tướng yêu cầu cần xác định nguyên nhân của tình trạng này và đặt câu hỏi: “Phải chăng khâu thực thi ở các cấp chưa hiệu quả?”. Thủ tướng lưu ý các địa phương, nhất là thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội cần đặc biệt chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Trăn trở trước tình trạng tín dụng đen và cho vay nặng lãi tiếp tục diễn tiến nghiêm trọng tại nhiều địa phương, tại phiên họp, Thủ tướng một lần nữa yêu cầu Bộ Công an tập trung xử lý tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhân dân, trong đó có việc một số băng nhóm xã hội. Nêu ví dụ điển hình về hoạt động của băng nhóm xã hội ở chợ Long Biên, Thủ tướng chỉ đạo “phải kiên quyết xử lý, trừng trị nghiêm khắc”.
Tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu hai tổ công tác của Thủ tướng đẩy mạnh kiểm tra thực tế và báo cáo Thủ tướng về những sai phạm của những đơn vị được kiểm tra và đề xuất giải pháp xử lý. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành chuẩn bị tốt các nội dung, nhiệm vụ được giao cho Hội nghị Trung ương 8 và kỳ họp Quốc hội sắp tới; “không để xảy ra tình trạng chậm trễ các văn bản được giao”, nhất là Luật Đầu tư công sửa đổi và Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Sẽ xóa độc quyền in sách giáo khoa
Chiều 1-10, trả lời báo chí tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9-2018 liên quan đến báo cáo của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội về tình trạng độc quyền sách giáo khoa nhiều năm nay gây nhiều hệ lụy, việc viết trực tiếp vào sách gây lãng phí lớn hàng năm cho ngân sách; trong khi Nhà xuất bản Giáo dục kêu lỗ mỗi năm 40 tỷ đồng nhưng vẫn giữ mức chiết khấu 25% tức khoảng 250 tỷ đồng/năm, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết, vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định chính thức giao cho 5 nhà xuất bản được in ấn sách giáo khoa.
Về chiết khấu, theo báo cáo của Nhà xuất bản Giáo dục, ban đầu mức chiết khấu có thể từ 20 đến 25%, đến nay, mức chiết khấu chính thức là từ 18 đến 20%. “Chiết khấu ấy chính là để thực hiện việc vận chuyển, phát hành sách từ nhà in thông qua các công ty sách, thiết bị trường học, từ đó vận chuyển đến cho các học sinh. Mức chiết khấu này so với tỉ lệ chiết khấu sách tham khảo, các sách khác là từ 30-40%. Mức chiết khấu này để trực tiếp thực hiện phục vụ cho công tác phát hành sách cho các học sinh”, ông Nguyễn Hữu Độ nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: “Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo giải trình, báo cáo với Chính phủ và yêu cầu có giải pháp khắc phục ngay liên quan đến vấn đề người dân, xã hội và đại biểu Quốc hội quan tâm; chỉ đạo việc in ấn, xuất bản sách giáo khoa phải minh bạch, công khai, làm tốt công tác xã hội hóa, tránh độc quyền, tránh lợi ích nhóm”.
Theo Bộ trưởng, việc biên soạn sách giáo khoa cũng phải xem xét lại, vì người dân, đại biểu Quốc hội cho rằng có việc làm bài tập vào sách giáo khoa. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường, yêu cầu phải tiết kiệm, phải làm bài tập ra ngoài sách giáo khoa... Tại phiên họp Chính phủ diễn ra cùng ngày, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ ràng, liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ phải làm tốt việc này, chuẩn bị trả lời chất vấn nếu Quốc hội quan tâm, đảm bảo thực thi minh bạch, công khai.
THU THỦY – TTXVN
--------------------------------------------------- THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN NGUYỄN VĂN SƠN: Khó chấp nhận vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1-10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội và lãnh đạo Bộ Công an đã có những trao đổi về vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo kiểm tra, rà soát vụ việc ở chợ Long Biên, dứt khoát xử lý nghiêm theo pháp luật, không có vùng cấm. "Nếu có cá nhân, tổ chức bảo kê, sẽ xử lý nghiêm minh". Theo ông Nguyễn Văn Sửu, trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 500 chợ, 112 siêu thị phục vụ thương mại, dịch vụ cho nhân dân và tạo điều kiện cho người dân kinh doanh. Thành phố đã chỉ đạo về trách nhiệm của các Ban Quản lý chợ, UBND các phường, Công an phường trong đảm bảo hoạt động bình thường ở các chợ. Chỗ nào để xảy ra tình hình như tại chợ Long Biên thì sẽ xử lý nghiêm", ông Nguyễn Văn Sửu khẳng định. Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh: Vụ việc xảy ra tại chợ Long Biên có thể nói là khó chấp nhận. Công an thành phố Hà Nội đã vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm, thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an là khẩn trương điều tra, xác minh, kết luận vụ án, đưa ra xử lý theo pháp luật. Hiện Công an thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án. "Nếu báo chí có thông tin đầy đủ, chính xác về việc bảo kê của các cơ quan, kể cả Công an, tôi đề nghị, phóng viên cung cấp cho Công an", Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị. Qua vụ việc này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn cảm ơn sự chủ động để có những thông tin hết sức quan trọng từ báo chí. Đây là luồng thông tin rất cần thiết trong tình hình phòng, chống tội phạm hiện nay. Về vụ việc, Bộ Công an sẽ tiếp nhận thông tin từ nhiều phía để chỉ đạo Công an Hà Nội kết luận vụ việc này sớm nhất và đúng quy định của pháp luật. --------------------------------------------------- |
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp Hàng loạt câu hỏi liên quan đến nhân sự và kiểm soát đối với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được báo giới đặt ra tại họp báo Chính phủ chiều 1-10. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Quang Mạnh cho biết, khi xây dựng đề án thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, mục tiêu của Chính phủ là để xóa bỏ tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, khi mà các bộ chuyên ngành vừa ban hành các chính sách trong lĩnh vực đó, đồng thời vừa trực tiếp quản lý các doanh nghiệp có vốn nhà nước. “Chúng ta xây dựng khung khổ pháp lý để tách quản lý nhà nước với chức năng sản xuất kinh doanh, đây là mục tiêu khi lập ra Ủy ban này”, ông nói. Thứ trưởng Lê Quang Mạnh khẳng định, Chính phủ có hướng rất rõ ràng cho hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong thời gian sắp tới. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Ủy ban thành cơ quan chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, tập trung vào việc giám sát chứ không phải là cơ quan hành chính. Trong thiết kế khung khổ pháp lý, có đưa các công cụ, nội dung để Ủy ban này có thể thực hiện công tác giám sát. “Hiện nay chúng ta biết là việc giám sát vốn tại các doanh nghiệp nhà nước được thực hiện không thường xuyên, không có các cơ quan chuyên trách thực hiện việc giám sát. Khi xây dựng Ủy ban này, chúng ta nhằm hướng đến việc hoạt động giám sát sẽ được thực hiện thường xuyên hơn, được “trông coi” kỹ càng, nếu có nguy cơ thất thoát, lãng phí hay tình trạng “sân trước, sân sau” thì Ủy ban sẽ có trách nhiệm giải quyết”, Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho hay. Cũng theo Thứ trưởng này, hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp hướng đến nâng cao trách nhiệm giải trình trong quá trình giám sát cũng như sử dụng vốn nhà nước, gắn trách nhiệm quản lý, bảo tồn tài sản nhà nước trong các doanh nghiệp này với các cá nhân cụ thể. Có như vậy mới bảo đảm nguồn vốn của đất nước không bị sử dụng lãng phí. --------------------------------------------------- |