Hợp lòng dân
Nhân ngày giải phóng Đà Nẵng (29-3-1975 - 29-3-2018), sáng 29-3, UBND thành phố tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt thành Điện Hải và khởi công dự án giai đoạn 1 tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích này.
Nhà trưng bày Hoàng Sa tọa lạc trên đường Hoàng Sa, mặt tiền hướng ra biển Đông. |
Trước đó một ngày, 28-3, UBND H. Hoàng Sa, TP Đà Nẵng đã tổ chức lễ khánh thành công trình Nhà trưng bày Hoàng Sa, chính thức mở cửa đón người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu những bằng chứng lịch sử và pháp lý khẳng định quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của người Việt đối với quần đảo Hoàng Sa.
Đây là hai công trình mang dấu ấn về chủ quyền biển, đảo và quá trình chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung, của quân dân Đà Nẵng nói riêng.
Đối với thành Điện Hải, là đồn lũy có vị trí quân sự hết sức quan trọng dưới thời nhà Nguyễn. Gần 200 năm trước (1858 - 1860) tại vị trí thành Điện Hải, dưới sự chỉ huy của danh tướng tài ba Nguyễn Tri Phương, đội quân triều Nguyễn đã anh dũng đánh lui hàng chục đợt tấn công của thực dân Pháp, của liên quân Pháp - Tây Ban Nha ngay tại cửa sông Hàn.
Cũng từ đó, thành Điện Hải là một dấu ấn ghi nhớ truyền thống đấu tranh chống thực dân Pháp đầu tiên của nhân dân Đà Nẵng và nhân dân cả nước, quyết tâm giữ vững nền độc lập dân tộc, bảo vệ lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Để ghi nhớ công lao vị tướng tài ba, một tượng đài uy nghi của Tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây, để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố.
Tuy trước đây, thành Điện Hải đã được tu bổ, được công nhận là di tích cấp quốc gia, nhưng nhiều công trình phụ trợ xung quanh của di tích bị xâm hại nghiêm trọng. Hơn thế, lại ghép thêm một bảo tàng thành phố vào ngay trong khu vực thành. Việc làm đó đã phá đi tính nguyên vẹn của thành Điện Hải, làm mất giá trị của công trình với tầm vóc lớn lao của lịch sử cận đại, nơi khởi đầu cho cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược.
Do vậy, việc Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng quyết định di dời bảo tàng thành phố và cho giải tỏa các khu vực bị lấn chiếm để tiến hành tu bổ, phục hồi, tôn tạo di tích trả lại sự nguyên vẹn của thành Điện Hải là một việc làm tuy hơi muộn nhưng hòan toàn đúng đắn, hợp lòng dân.
Bởi như trên đã nói, đó là công trình mang tính lịch sử sâu sắc, nó phải được trân trọng, được tôn vinh để thành Điện Hải là nơi tham quan, giáo dục truyền thống dân tộc cho thế hệ trẻ; là nơi để bạn bè quốc tế đến chiêm nghiệm về bề dày lịch sử hào hùng đấu tranh dựng nước và bảo vệ nước của nhân dân Việt Nam.
Song song với việc trùng tu thành Điện Hải, Đảng bộ, chính quyền thành phố lại có một quyết định khác rất hợp lòng dân là chuyển bảo tàng thành phố về trụ sở UBND thành phố trước đây, sau khi đã có trung tâm hành chính.
Cách làm này đã đạt được hai mục đích: vừa tạo dựng nên một bảo tàng lịch sử của thành phố Đà Nẵng rộng, có quy mô lớn xứng tầm, ở vị trí đắc địa dễ thu hút người tham quan; vừa bảo vệ được toàn bộ khối kiến trúc cổ mang dấu ấn kiến trúc Pháp vốn nay còn sót lại rất ít trên địa bàn thành phố. Mặt khác, nó cũng xóa đi được mối nghi ngờ của dư luận bấy lâu nay là có lúc lãnh đạo thành phố định bán toàn bộ khu vực đó cho các nhà đầu tư để biến nơi đây thành khu dịch vụ nhà hàng, khách sạn...
Hai là, đối với Nhà trưng bày Hoàng Sa, tọa lạc trên đường Hoàng Sa (P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà). Đây là công trình đáp ứng lòng mong đợi bấy lâu nay, không chỉ của người Đà Nẵng, nhân dân cả nước mà cả bạn bè quốc tế yêu mến Việt Nam.
Việc Hoàng Sa của Đà Nẵng (Việt Nam) bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép, cũng như một số đảo khác của quần đảo Trường Sa và họ cũng đang có những hành động gây bất ổn ở Biển Đông đã và đang làm cho nhân dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại và phẫn nộ.
Do vậy, việc tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ và các tầng lớp nhân dân cũng như tiến hành cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng biển, đảo của Tổ quốc Việt Nam là nhiệm vụ hết sức nặng nề, quyết liệt và phức tạp nhưng phải kiên trì, khôn khéo.
Sự ra đời của Nhà trưng bày Hoàng Sa cũng đánh dấu một hướng đi hoàn toàn đúng đắn của Đảng bộ, chính quyền thành phố, để đó là nơi trưng bày một quá trình xác lập và bảo vệ chủ quyền từ rất sớm đối với quần đảo Hoàng Sa của dân tộc Việt Nam.
Cũng thông qua Nhà trưng bày Hoàng Sa, để bạn bè quốc tế đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu về biển, đảo góp phần cùng Việt Nam đấu tranh bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa.
Có thể nói rằng, đi đôi với việc xây dựng phát triển cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, thì việc bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử-văn hóa, nâng tầm nhận thức về truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là nhiệm vụ vô cùng cấp bách và lâu dài.
Do vậy, việc đầu tư nguồn lực cho các công trình văn hóa-lịch sử là không bao giờ thừa, mà trên một phương diện nào đó là vô giá vì nó tham gia đắc lực vào quá trình tái tạo tầng lịch sử-văn hóa trong nhận thức và hành động của các thế hệ người Việt Nam yêu nước, để chính họ tiếp tục phát huy và bảo vệ một cách tốt nhất truyền thống của cha ông ngàn đời nay tạo dựng nên.
Đấy cũng là cách làm luôn luôn hợp lòng dân!
Tuyết Minh
Ngày 29-3-2018