Báo Công An Đà Nẵng

Hợp tác hạt nhân Nga - Mỹ “trật bánh”

Thứ ba, 05/08/2014 08:46

(Cadn.com.vn) - Các cuộc đối đầu giữa Washington và Moscow trong vấn đề Ukraine làm “trật bánh” hiệp định đầy hứa hẹn gần đây, được xem là sự hợp tác lớn nhất giữa các nhà khoa học hạt nhân hai nước.

11 tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ - Ernest J. Moniz, một cựu giáo sư MIT, người đấu tranh cho chương trình khoa học qua đó chôn vùi cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Nga -  đến Vienna để ký hợp đồng, dấu hiệu cho thấy chính quyền Obama tin tưởng vào cơ hội xây dựng mối quan hệ giữa Nga với phương Tây trong 1/4 thế kỷ qua.

Bắt tay và chúc mừng hợp tác với đối tác Nga Sergey V. Kirienko, hai bên đồng ý thỏa thuận cho phép các nhà khoa học Nga được đến trung tâm của khu phức hợp hạt nhân của Mỹ tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico, nơi mà quả bom nguyên tử đầu tiên được chế tạo cách đây 70 năm, cũng như hàng chục phòng thí nghiệm phục vụ cho các kho vũ khí hạt nhân (VKHN) của Washington.

Đổi lại, các nhà khoa học Mỹ sẽ được phép đi sâu vào các cơ sở hạt nhân của Nga, bao gồm cả nơi sản xuất bom của Liên Xô. Thỏa thuận của Bộ Năng lượng cũng nhấn mạnh khả năng “phòng thủ từ các tiểu hành tinh”, đề nghị tái chế đầu đạn có thể hủy diệt trái đất - âm mưu mà Hollywood tưởng tượng 15 năm trước trong hai bộ phim viễn tưởng “Armageddon” và “Deep Impact”.

Khu phức hợp hạt nhân tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico, Mỹ. Ảnh: NYT

20 năm hợp tác hạt nhân Nga - Mỹ

Trong 20 năm qua, Washington nỗ lực để được hợp tác hạt nhân với Moscow. Siegfried S. Hecker, cựu giám đốc phòng thí nghiệm vũ khí Los Alamos, người làm việc chặt chẽ với các nhà khoa học Nga, cho biết thỏa thuận giữa hai bên hứa hẹn một giai đoạn mới, giai đoạn làm việc theo nhóm và hợp tác kỹ thuật. “Đó là một nỗ lực để hợp tác khoa học rất tốt. Thật không may, những điều đó đã biến mất sau vụ Ukraine”, ông Hecker cho biết.

Theo ông Hecker, Mỹ-Nga vẫn đang làm việc cùng với nhau bởi Washington vẫn cần các tên lửa của Moscow để đưa các nhà du hành của mình lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS), và muốn tiếp tục mua động cơ của Nga cho các tên lửa của mình.

Mặc dù vậy, tại một thời điểm khi Nhà Trắng áp đặt biện pháp trừng phạt và nỗ lực chống lại dòng chảy vũ khí vào Ukraine, rất khó để các nhà khoa học hạt nhân phối hợp cùng nhau. “Ý tưởng quan hệ với các nhà khoa học hạt nhân của Nga là một ý tưởng tốt”, Graham Allison, một giáo sư đại học Harvard, người đàm phán một số chương trình vũ khí của Liên Xô dưới thời chính quyền Clinton, đỉnh cao của sự hợp tác giữa khoa học VKHN hai nước cho biết. 

Sau sự sụp đổ của Liên Xô, đây là một phần động lực khiến phương Tây tài trợ cho các dự án mới cho các nhà khoa học hạt nhân của Nga. Hợp tác hạt nhân Nga-Mỹ tiến thêm một bước xa vào năm ngoái, hứa hẹn sự hợp tác đỉnh cao hơn, cho phép người Nga tiếp cận các cơ sở hạt nhân phức tạp của Mỹ-gồm 137 cơ sở tại 15 địa điểm từ bờ biển này đến bờ biển, bao gồm các trung tâm thiết kế VKHN ở Los Alamos, Albuquerque và Livermore ở California.

Thỏa thuận cũng liệt kê 5 thiết bị tại Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven ở Long Island, trong đó có máy gia tốc hạt khổng lồ chạy qua đường hầm. Tại phòng thí nghiệm Livermore, người Nga được quyền tiếp cận một máy laser 5 tỷ USD có kích thước bằng sân vận động bóng đá.

Ngừng hợp tác

Trong tình hình hiện nay, Bộ Năng lượng Mỹ hủy bỏ dự định các cuộc họp, hội nghị chuyên đề và phòng thí nghiệm hạt nhân với Nga. Daniel B. Poneman, Phó Bộ trưởng Năng lượng, cho biết việc Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 3 là nguyên nhân “đóng băng” các dự định này. Tuy nhiên, Bộ Năng lượng tiếp tục phối hợp với Nga về sự an toàn của vật liệu nguyên tử.

Các quan chức và chuyên gia Mỹ nói rằng, quyết định này sẽ hạn chế khả năng hiểu biết và ý định của bên kia sau hơn 2 thập kỷ các nhà khoa học hạt nhân Mỹ và Nga làm việc cùng nhau. Những chương trình này cho phép hai đối thủ một thời không bị đẩy vào cuộc chạy đua vũ khí, làm sâu sắc thêm mối quan hệ và giảm nguy cơ xảy ra những tính toán sai lầm về công nghệ dẫn đến chết người. Hiện giờ, cả hai bên đều gợi nhớ về thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Các dự án nguyên tử chung giảm đáng kể. Tuần trước, Washington cáo buộc Moscow vi phạm hiệp ước vũ khí lớn về công nghệ tên lửa. Sau cuộc đàm phán về hiệp ước New Start trong năm 2010, tiến trình tiến tới cắt giảm đầu đạn hạt nhân khó có thể hồi sinh trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama.

An Bình

(Theo NYT)