Hợp tác kinh tế, thương mại với Hoa Kỳ trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi

Cùng dự có: Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình; các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Bùi Thanh Sơn, Nguyễn Chí Dũng, Mai Văn Chính; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Tục đối thoại chặt chẽ
Trước đó, sáng 3-4, ngay sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới, Thường trực Chính phủ đã triệu tập cuộc họp để đánh giá tình hình, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thích ứng. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt phản ứng nhanh do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm tổ trưởng để tập trung cho công tác này; đồng thời báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến chỉ đạo.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đánh giá tình hình thế giới sau khi Tổng thống Hoa Kỳ công bố chính sách thuế quan mới; tác động của chính sách thuế quan của Hoa Kỳ đối với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Các đại biểu cho biết, thời gian qua, Việt Nam đã rất thiện chí, chủ động, tích cực trong việc cân bằng thương mại với Hoa Kỳ; thúc đẩy nhiều cuộc tiếp xúc cấp cao và các cấp, trong đó có cử Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trực tiếp sang Hoa Kỳ để trao đổi về hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Lãnh đạo Chính phủ có các cuộc làm việc với các doanh nghiệp, chuyên gia Hoa Kỳ để lắng nghe và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các đề xuất của doanh nghiệp Hoa Kỳ; thúc đẩy triển khai các dự án của Hoa Kỳ tại Việt Nam; xúc tiến đàm phán nhập khẩu thêm nhiều hàng hóatừ Hoa Kỳ; điều chỉnh một số sắc thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Hoa Kỳ…
Cùng với tiếp tục các giải pháp trên, các đại biểu đề xuất tiếp tục đối thoại chặt chẽ, đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại và điều chỉnh chính sách thuế quan đối với Việt Nam. Các bộ, ngành đề xuất có các giải pháp, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp, ngành hàng trong trường hợp bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan của Hoa Kỳ; tăng cường chống gian lận thương mại, nhất là chống việc nhập khẩu hàng hóa từ nước thứ 3 để xuất khẩu sang Hoa Kỳ.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, những việc làm cụ thể, thiết thực của Việt Nam trong thời gian qua là rất tích cực, phù hợp, thể hiện thiện chí cao trong hợp tác kinh tế, thương mại cân bằng, bền vững với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tới đây nếu Hoa Kỳ thực hiện chính sách thuế quan mới có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế Việt Nam, do đó cần tiếp tục nỗ lực đàm phán để có tiếng nói chung.
Nêu các bài học trong việc ứng phó với các biến động, khó khăn, thách thức thời gian qua như đại dịch COVID-19, thiên tai, suy thoái kinh tế thế giới, các xung đột trên thế giới gây đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, chuỗi phân phối…, Thủ tướng chỉ rõ, chúng ta đã bình tĩnh, bản lĩnh, kiên trì, kiên định, không hoang mang dao động và chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả thích ứng tình hình; biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, vượt qua chính giới hạn của chính mình để vượt qua; thể hiện sự sáng suốt của Đảng, điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ và các cơ quan liên quan…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ là quan hệ đặc biệt, là hình mẫu trong quan hệ quốc tế. Việt Nam – Hoa Kỳ từ cựu thù trở thành đối tác hàng đầu của nhau, trong đó hợp tác kinh tế, thương mại là trụ cột quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai nước và nhân dân hai nước. Hai nền kinh tế có tính hỗ trợ, bổ trợ cho nhau, không cạnh tranh triệt tiêu nhau.
Nghiên cứu có chính sách giảm thuế, phí lệ phí hỗ trợ doanh nghiệp
Cho rằng, việc Hoa Kỳ thực hiện chính sách thuế quan mới sẽ ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của Việt Nam và một số thị trường chủ lực của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu, ASEAN… và ngay cả đối với người dân Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta phải kiên định, kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả các nước; bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu nắm chắc tình hình; có giải pháp thích ứng vừa trước mắt, vừa lâu dài; vừa trực tiếp, vừa gián tiếp; vừa tổng thể, chiến lược, vừa cụ thể; vừa trọng điểm, vừa toàn diện; cả bằng chính sách thuế quan và phi thuế quan; qua tất cả các kênh, bằng các giải pháp chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại; tính đến tổng thể chung của kinh tế đối ngoại Việt Nam và không ảnh hưởng tới các thị trường khác…
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng là đảm bảo ổn định đất nước, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới, vì sự phát triển của đất nước theo hướng phát triển kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, đủ sức chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài và để nhân dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc, tự do kinh doanh, được bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng. Trong đó, các bộ, ngành, địa phương phải triển khai thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa Nghị quyết 59, Kết luận 133 của Bộ Chính trị và bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về hội nhập quốc tế.
Lưu ý, phải biến khó khăn, thách thức thành cơ hội; cho rằng việc Hoa Kỳ áp dụng chính sách thuế quan mới cũng là cơ hội để Việt Nam đổi mới, bứt phá, vươn mình, phát triển, tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu sản phẩm, tái cơ cấu thị trường, tái cơ cấu chuỗi cung ứng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, không thay đổi mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực để đạt 2 con số trong những năm tiếp theo.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục xúc tiến các cuộc trao đổi, tiếp xúc với phía Hoa Kỳ trên tất cả các cấp, các kênh, giải quyết các quan tâm từ phía Hoa Kỳ, trên tinh thần 2 bên cùng có lợi; làm việc với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp Hoa Kỳ, thúc đẩy các dự án của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam; rà soát các mặt hàng, tăng cường nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ để cân bằng thương mại với Hoa Kỳ; tiếp tục nghiên cứu, xem xét điều chỉnh giảm thuế phù hợp một số mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.
Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc trong chuyến thăm, làm việc tại Hoa Kỳ ngay sau đây phải cùng với phía bạn tập trung triển khai, hiện thực hóa nội dung mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống D.Trump đã nhất trí trong cuộc điện đàm ngày 4-4; giao Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Tổ trưởng công tác đặc biệt phản ứng nhanh tiếp tục tập trung thực hiện và đề xuất thêm các giải pháp về hợp tác kinh tế, thương mại cân bằng, bền vững Việt Nam - Hoa Kỳ.
B.T – TTXVN
Có những giải pháp tích cực với phía Hoa Kỳ về thuế đối ứng Tại họp báo Chính phủ, chiều 6-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết mức thuế đối ứng 46% từ Mỹ sẽ tác động không tốt đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế, thu hút FDI, dịch vụ và lao động... Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Hoa Kỳ về thuế đối ứng. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, mức thuế 46% mà Hoa Kỳ mới áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 9-4 có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới; tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày…; phần sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu. “Nguyên nhân thì chúng ta thấy rất rõ, khi mà tăng thuế, giá cả hàng hóa của Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tăng lên thì mức độ cạnh tranh với hàng hóa nước khác sẽ kém đi. Thứ hai là sức mua của người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng suy giảm, cho nên hàng hóa Việt Nam sẽ giảm. Ở đây cũng liên quan đối tác hợp đồng chúng ta đã ký kết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ cũng sẽ xem xét với chính sách như thế này có tiếp tục hợp đồng hay không. Thứ hai, các hợp đồng mới sẽ tương đối khó khăn” – Thứ trưởng Bộ Công Thương phân tích. Hiện nay, Chính phủ đang có những giải pháp tích cực để tiếp xúc với phía Hoa Kỳ và có giải pháp hài hòa. Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp, tăng cường làm việc ở các cấp của Hoa Kỳ nhằm làm rõ quan điểm của Việt Nam. B.T |