Báo Công An Đà Nẵng

Hợp thức hóa công trình trái phép cầu đáy kính khổng lồ ở Thung lũng tình yêu?

Thứ ba, 15/12/2020 17:53

Tháng 7-2019, khi tỉnh Lâm Đồng mới chỉ đồng ý chủ trương thì Công ty Thành Thành Công Đà Lạt đã xây dựng công trình cầu đáy kính khổng lồ ngay bên trong danh thắng Thung lũng tình yêu. Thay vì xử lý sai phạm nghiêm trọng này thì UBND tỉnh Lâm Đồng lại đưa ra chủ trương điều chỉnh quy hoạch tổng thể khu vực có công trình sai phạm.

Một diện tích rừng thông bên trong danh thắng thung lũng Tình Yêu đã bị đốn hạ để làm cầu đáy kính...

Công trình xâm hại rừng cảnh quan

Tính đến nay (tháng 12-2020), công trình này vẫn chưa được cấp phép. Đáng nói, trong chủ trương đầu tư UBND tỉnh Lâm Đồng đưa ra, doanh nghiệp thực hiện công trình không được thay đổi diện tích rừng, tuy nhiên Công ty Thành Thành Công trong quá trình xây dựng đã đốn hạ cây rừng.

Tổng cộng có 27 người lao động Trung Quốc làm việc không phép tại công trình. Tháng 1-2020, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thì các lao động Trung Quốc đã về nước. Đến thời điểm bị phát hiện, cơ quan chức năng chưa cấp phép sử dụng lao động Trung Quốc cho Công ty Thành Thành Công.

Trong báo cáo gửi đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, UBND tỉnh Lâm Đồng lý giải sai phạm của Công ty Thành Thành Công Đà Lạt là “do nôn nóng muốn có sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách trong dịp lễ, Tết nên Công ty cổ phần du lịch Thành Thành Công Lâm Đồng vừa lập hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch dự án vừa tiến hành thi công công trình khi chưa hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục pháp lý”.

Sau đó, UBND TP Đà Lạt cho biết đã ra quyết định tạm đình chỉ thi công đối với công trình. Cũng với quyết định tạm đình chỉ thi công là quyết định xử phạt hành chính Công ty Thành Thành Công số tiền 40 triệu đồng về hành vi xây dựng cầu đáy kính khi chưa có giấy phép. UBND TP Đà Lạt yêu cầu chủ đầu tư lập thủ tục đề nghị cấp giấy phép xây dựng theo quy định. Trong thời hạn 60 ngày, nếu chủ đầu tư không xuất trình giấy phép xây dựng thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình.

Không có chuyên gia nên không tháo dỡ

Sau 60 ngày, ông Trần Mến – Chủ tịch HĐQT Công ty Công ty Thành Thành Công – không xuất trình được giấy phép xây dựng nhưng cũng không tháo dỡ. UBND TP Đà Lạt cũng không cưỡng chế tháo dỡ (trong 15 ngày kể từ khi hết thời hạn chờ xuất trình giấy phép xây dựng). Lý do được Công ty Thành Thành Công và UBND TP Đà Lạt cùng thống nhất: “Công trình sử dụng kỹ thuật xây dựng, công nghệ nước ngoài và phải có đội ngũ thi công, giám sát trình độ cao để thực hiện”.

Từ lý do này, TP Đà Lạt cho doanh nghiệp ngừng tháo dỡ. Đáng nói, UBND TP Đà Lạt cho tạm dừng cũng như gia hạn thời gian tháo dỡ nhưng không có thời gian chấm dứt gia hạn (trong văn bản được ký ngày 1-4-2020). Và chỉ 15 ngày sau quyết định cho hoãn tháo dỡ, ông Phan Văn Đa – phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng – gửi văn bản đến Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về việc thỏa thuận điều chỉnh quy hoạch cục bộ Thung lũng tình yêu, bổ sung cầu đáy kính – công trình được xác định là công trình trái phép trên đất rừng thuộc danh thắng cấp quốc gia – vào phần điều chỉnh của quy hoạch.

 và cầu đáy kính khổng lồ xây dựng trái phép vẫn còn nguyên sau khi bị phát hiện gần 1 năm (ảnh chụp ngày 11-12). Ảnh: Đ.T

Điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa công trình sai phạm?

Từ các văn bản của UBND TP Đà Lạt và UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Thành Thành Công đã không tháo dỡ các công trình sai phạm gồm công trình cầu đáy kính khổng lồ và các hạng mục khác liên quan dù đã gần 1 năm trôi qua từ khi sai phạm bị phát hiện.

Tháng 11-2020, ông Phạm S- Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu các sở ngành phối hợp với Công ty Thành Thành Công đưa ra phương án để tỉnh trình Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch điều chỉnh quy hoạch tại danh thắng Thung lũng tình yêu.

Khi các sai phạm chưa được xử lý dứt điểm, Công ty Thành Thành Công Lâm Đồng phối hợp với UBND TP Đà Lạt trưng cầu ý dân việc điều chỉnh quy hoạch. Việc trưng cầu diễn ra đến ngày 10-1-2021. Trong phương án điều chỉnh quy hoạch do ông Trần Đức Lộc, nguyên trưởng Phòng quy hoạch & kiến trúc (Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng) thực hiện, cầu đáy kính và nhà đa năng là chủ thể chính của việc điều chỉnh.

Xâm phạm sự tôn nghiêm của pháp luật

Tính từ thời điểm công trình này khởi công đến khi bị đình chỉ là 6 tháng, một thời gian quá dài để có thể phát hiện sai phạm nhưng chủ đầu tư đã qua mặt cơ quan chức năng địa phương TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng lẫn đơn vị quản lý danh thắng quốc gia là Bộ VH-TT&DL. Trong quá trình xây dựng công trình trái phép này, Công ty Thành Thành Công Lâm Đồng đã liên tục sai phạm khi phá rừng và sử dụng lao động Trung Quốc trái phép.

Theo Nghị định 139 năm 2017 về xử lý sai phạm trong lĩnh vực xây dựng, chủ đầu tư phải tháo dỡ trong vòng 15 ngày kể từ khi hết hạn xuất trình giấy phép xây dựng (60 ngày) bên cạnh các hình phạt bổ sung. UBND TP Đà Lạt cũng ra quyết định với nội dung như trên vào ngày 15-1, tuy nhiên đến nay sau gần một năm, công ty vẫn không tháo dỡ công trình trái phép cũng như không xuất trình được giấy tờ.

Đáng nói hơn, tỉnh Lâm Đồng đã có những văn bản gửi Bộ VH-TT&DL đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ Thung lũng tình yêu với nhiều nội dung nhằm giữ nguyên vẹn công trình trái phép này. Việc điều chỉnh đã được tiến hành, doanh nghiệp và UBND TP Đà Lạt đã phối hợp để lấy ý kiến nhân dân. Đây là quy trình ngược. Thay vì đúng luật: đánh giá tác động môi trường – điều chỉnh quy hoạch – xây dựng thì mọi việc lại diễn ra theo chiều hướng ngược lại nhằm hợp thức hóa cái sai. Nếu điều này diễn ra, tiền lệ xấu sẽ được xác lập. Hàng trăm nghìn công trình trái phép sẽ tiếp tục xuất hiện, tàn phá cảnh quan, danh thắng, di sản. Chủ đầu tư thay vì thượng tôn pháp luật thì nghĩ đến ngoại lệ và tin rằng”cứ làm, sai thì hợp thực hóa”. 

Đ.T