Báo Công An Đà Nẵng

Họp về vụ cá biển chết hàng loạt từ Hà Tĩnh tới TT-Huế: Chưa xác định cụ thể độc tố làm cá chết

Thứ hai, 25/04/2016 10:56

(Cadn.com.vn) - Chiều 23- 4, tại TP Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám chủ trì cuộc họp với đại diện lãnh đạo 4 tỉnh có liên quan đến tình trạng cá chết hàng loạt ven biển từ Hà Tĩnh tới Thừa Thiên Huế trong thời gian vừa qua. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cùng nhiều cơ quan chuyên môn liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Cá chết do độc tố

Mở đầu cuộc họp, ông Như Văn Cẩn- Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thủy sản (Tổng cục thủy sản) điểm lại tình hình vụ việc. Theo đó, tình trạng cá chết được ngư dân phát hiện tại vùng biển một số xã thuộc Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vào ngày 6-4. Ngày 11- 4, hiện tượng trên tiếp diễn tại vùng biển Quảng Bình và Quảng Trị. Ngày 15- 4 thì xuất hiện tại TT-Huế. Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc (Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1) đã vào cuộc lấy mẫu để phân tích, cho thấy: các thông số môi trường phân tích như: nhiệt độ, PH, độ mối, độ kiềm, chất rắn lơ lửng, tổng coliform, phốt pho, thủy ngân, mangan, sắt tổng số, tổng dầu mỡ đều nằm trong ngưỡng cho phép. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Kết quả phân tích 18 mẫu vi rút gây hoại tử thần kinh không phải là tác nhân gây ra hiện tượng cá lồng nuôi chết hàng loạt. Theo nhận định của Trung tâm Quan trắc Môi trường và Bệnh thủy sản miền Bắc nguyên nhân gây cá chết hàng loạt là do yếu tố môi trường. Tuy nhiên, yếu tố độc gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt vẫn chưa xác định được cụ thể.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung- Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và phát triển nguồn thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết, sau khi sự việc xảy ra, Vụ Bảo tồn đã lập đoàn công tác có mặt tại các tỉnh TT-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh để khảo sát, thu mẫu phân tích. Bước đầu cho thấy cá chết đều sống ở tầng đáy, không phát hiện mẫu bệnh, nhận định ban đầu là do yếu tố độc gây nên. Tuy nhiên, theo bà Dung thì, loại độc tố gì gây nên cá chết nhanh như vậy cần phải có thêm thời gian để kiểm tra. Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết, có thể khẳng định cá chết là do độc tố, nhưng để xác định độc tố là gì thì Hà Tĩnh không có đủ điều kiện để giám định, cần các bộ ngành liên quan vào cuộc. Hiện người dân gặp rất nhiều khó khăn sau khi cá nuôi, cá tự nhiên chết đồng loạt. Đại diện Sở NN&PTNT Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế cũng cho rằng tuy chưa thống kê cụ thể mức độ thiệt hại nhưng sự việc ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế- xã hội của tỉnh. Hiện tại hầu như các chợ việc kinh doanh về thủy hải sản bị ngưng trệ. Một số tàu biển đánh bắt xa bờ sau khi đánh bắt về không thể bán.

Ông Nguyễn Viết Nghĩa- Phó viện trưởng Viện nghiên cứu hải sản cho biết, qua nhận định ban đầu, nguyên nhân độc chất mạnh gần như là chắc chắn, song chưa biết nơi nào phát tán. "Tôi đề nghị các địa phương tạm dừng khai thác ven bờ. Còn các tàu cá khai thác xa bờ cần phân nhóm ra", ông Nghĩa nói. Theo vị này, việc tác động độc chất đối với cá ở tầng nổi là ít hơn so với tầng đáy. Các địa phương nên khuyến cáo bà con khi khai thác cá ở mặt đáy cần đánh bắt xa hơn khu vực ảnh hưởng của độc tố.

Đại diện Phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y) tán đồng với kết luận sơ bộ và cho biết đang phân tích mẫu cụ thể từ bùn, nước, cá chết... Kết luận cụ thể sẽ có trong thời gian tới.

Đường ống xả thải Formosa được cấp phép   

Ông Võ Tuấn Nhân- Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, Bộ đang phối hợp với nhiều bộ ngành kiểm tra, xác định nguyên nhân cá chết. Còn việc trước mắt là tập trung xử lý cá chết và xử lý môi trường, song song đó xác định nguyên nhân nguồn độc chất ở đâu ra. Đơn vị nào xả thải gây ô nhiễm sẽ bị xử lý nghiêm. Ông Nhân cho hay, hiện chưa đủ để kết luận nguyên nhân nên chưa cho phép công bố. Việc này không thể vội vàng. Về đường ống xả thải ở khu công nghiệp Formosa mà một số cơ quan báo chí quy kết là nguyên nhân gây ra vụ cá chết hàng loạt, ông Nhân cho hay, đây là đường ống xả thải công khai, đã được Bộ TN&MT thẩm định cấp phép, nước thải đã được xử lý theo chuẩn mới được xả ra biển. "Việc làm đường ống ngầm xả nước thải đã qua xử lý là hết sức bình thường. Quy trình xử lý này đã có máy giám sát tự động", ông Nhân nói. Tuy nhiên, ông Nhân cũng cho rằng không loại trừ nguyên nhân độc chất được phát tán từ đất liền. Việc này sẽ được điều tra làm rõ trong thời gian tới.

Chốt lại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhìn nhận, đây là vấn đề mới và phức tạp. Ban đầu cơ quan chức năng có sự lúng túng nhưng khi vào cuộc đã "rất quyết liệt", có sự chủ động, nhưng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân. Các cơ quan chuyên môn Bộ NN&PTNT đã làm việc hết mình, loại bỏ do dịch bệnh nguy hiểm gây ra. Các chỉ số thông thường trong môi trường nước không có gì bất thường. Nguyên nhân xác định đó là khả năng độc tố gây ra. Tuy nhiên, độc tố sinh học do tảo, hay độc tố hóa học ciannua và các chất khác gây ra vẫn đang được các cơ quan chức năng liên quan xác minh làm rõ.

X.S

* Chiều tối 23-4, người dân thôn Cự Lại (xã Phú Hải, H. Phú Vang, TT-Huế) phát hiện 1 con cá voi khoảng 100kg kiệt sức, nằm bất động ở khu vực gần bờ biển của thôn. Ngư dân đẩy cá ra biển, hy vọng cứu sống nhưng 1 giờ sau thì con cá voi đã chết và dạt vào bờ biển ở xã Phú Hải cách đó khoảng 1 km và người dân địa phương đã tiến hành chôn cất. Một ngư dân cho biết: Trước đây, thỉnh thoảng ngư dân trong làng cũng phát hiện cá voi chết trôi dạt vào bờ biển tuy nhiên hầu hết là cá có trọng lượng lớn, đã sống lâu năm nên chết. Còn đối với con cá voi này, trọng lượng chỉ 100 kg mà chết là rất lạ, chưa từng thấy.

Cá voi có trọng lượng 100 kg chết dạt vào bãi biển xã Phú Hải (H.Phú Vang, TT-Huế)
là hiện tượng bất thường.

H.Lan

* Tại Quảng Trị, hiện tượng cá chết ghi nhận đầu tiên tại biển Vĩnh Thái (H.Vĩnh Linh), sau lan xuống Cửa Tùng, Cửa Việt đến biển Triệu Phong. Ngoài Cửa Tùng, Cửa Việt là hai địa điểm du lịch nổi tiếng lâu nay thì Vĩnh Thái và Triệu Lăng là những điểm đến hấp dẫn du khách hơn 2 năm lại đây, hứa hẹn mở ra cơ hội phát triển cho địa phương. Tuy nhiên, từ khi xảy ra hiện tượng cá mực chết, hoạt động dịch vụ, du lịch chưa bao giờ thảm như lúc này. "Nhà hàng linh động thay đổi thực đơn phục vụ khách nhưng oái oăm là không có người về tắm dù bây chừ là nắng nóng. Một phần thiếu đặc sản của biển, nhưng trên hết họ nghĩ tới cảnh cá chết la liệt, sợ nước cũng bẩn, sợ yếu tố chất độc nên ngại ngần tắm biển", tiểu thương quán Hương tại biển Cửa Việt lo lắng.

Cá chết bất thường đã kéo theo nhiều thiệt hại, hệ lụy, hoạt động đời sống, kinh doanh đang xáo trộn nghiêm trọng. Dưới đây là hình ảnh phản ánh tình hình tại Quảng Trị.

Quán xá tại bãi tắm Cửa Việt không một bóng người.

Bảo Hà