Báo Công An Đà Nẵng

HTX Nông nghiệp Đại Hiệp sớm bàn giao lưới điện cho ngành điện

Thứ sáu, 11/10/2019 15:10

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, nhiều tháng qua, người dân tại xã Đại Hiệp (H. Đại Lộc, Quảng Nam) bất bình, phản ứng trước việc giá điện tăng bất thường. Theo nhiều người, tiền điện mà người dân Đại Hiệp phải thanh toán cho đơn vị bán điện là Hợp tác xã NN & KD tổng hợp Đại Hiệp (HTX NNĐH) chẳng khác cảnh “một cổ 2 tròng”.

Một số hóa đơn có số tiền phải thanh toán quá cao. 

Ông Lê Cao Quang (trú xã Đại Hiệp) bức xúc nói: Đã lâu, ngành Điện lực thực hiện việc bán điện trực tiếp cho người tiêu dùng. Chẳng hiểu vì sao, tại xã Đại Hiệp vẫn tồn tại việc mua đi, bán lại để lấy lãi. Việc các cơ quan chức năng cho phép HTX NNĐH được kinh doanh điện đã vô tình gây thiệt hại cho người dân. Ngoài ra, việc giám đốc HTX NNĐH cho rằng khi bàn giao lưới điện hạ áp nông thôn (LĐHANT) cho ngành Điện sẽ được bồi thường ít, ảnh hưởng đến quyền lợi của các cổ đông... là chưa thuyết phục và không đúng với chủ trương của Nhà nước.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thời gian qua tại xã Đại Hiệp có nhiều gia đình phải chịu cảnh tiền điện tăng cao một cách bất thường, như: Hộ ông Huỳnh Tân: hơn 2,1 triệu đồng; hộ ông Đinh Châu: gần 4,5 triệu đồng, hộ ông Huỳnh Văn Trường: hơn 3,1 triệu đồng... nên người dân gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trước thực trạng trên, ông Phạm Thành Sự - Giám đốc HTX NNĐH giải thích, do trời nắng nóng, người dân sử dụng nhiều thiết bị nên tiền điện tăng cao là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, theo chúng tôi lời giải thích trên chưa thật sự thuyết phục. Vì so sánh với các địa phương khác, nơi mà ngành điện bán trực tiếp cho người tiêu dùng thì mỗi gia đình sử dụng từng ấy thiết bị nhưng có giá thấp hơn nhiều. Nguyên nhân làm cho giá điện tại xã Đại Hiệp tăng cao là do lưới điện lâu ngày không được nâng cấp kịp thời, bị hao hụt nhiều và người tiêu dùng phải “gánh” thêm khoản lãi cho đơn vị kinh doanh là HTX NNĐH. “Là cổ đông của Hợp tác xã, mỗi năm tôi được chia hơn 200 ngàn đồng tiền lãi, nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu so với việc tiền điện tăng hàng tháng. Vì thế, kiến nghị với HTX NNĐH sớm bàn giao lưới điện về cho ngành Điện lực quản lý như các địa phương khác...” - một hộ dân nói.

Giải quyết kiến nghị này, ngày 27-9 vừa qua, Sở Công thương, Điện lực Quảng Nam cùng một số đơn vị liên quan đã có buổi làm việc cùng HTX NNĐH. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Điện lực Quảng Nam có ý kiến sẽ tiếp nhận LĐHANT nếu HTX NNĐH bàn giao trước năm 2020. Thế nhưng, lãnh đạo HTX NNĐH cho rằng HTX sẵn sàng bàn giao cho ngành điện quản lý nếu có chủ trương của Chính phủ và tỉnh Quảng Nam bắt buộc giao.

Với phát biểu trên, cho thấy lãnh đạo HTX NNĐH đang tìm mọi cách trì hoãn việc bàn giao LĐHANT, cố tình đi ngược với chủ trương của Nhà nước và xem nhẹ quyền lợi của người dân. Vì, theo quy định của Luật Điện lực năm 2004: việc sản xuất, bán buôn, bán lẻ điện thống nhất giao cho ngành điện quản lý. Thực hiện chủ trương này, ngày 10-7-2012, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 854 về việc Phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển ngành điện trong thời gian 5 năm (2011-2015). Tại điểm b, khoản 3, mục 4 của Quyết định 854 quy định: Tập đoàn Điện lực tổ chức thực hiện có hiệu quả và đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường và bán điện trực tiếp đến tất cả khách hàng.

Biên bản làm việc ngày 27-9 giữa các bên liên quan.

Bên cạnh đó, để dỡ bỏ những khó khăn trong việc bàn giao hệ thống LĐHANT do những HTX nông nghiệp quản lý về cho ngành Điện lực, ngày 4-12-2013 Bộ Công thương và Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 32 về việc Hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản LĐHANT. Cụ thể, các Cty Điện lực được sử dụng nguồn vốn trích khấu hao hàng năm để hoàn trả vốn cho bên giao hoặc UBND xã... Việc hoàn trả vốn được thực hiện tối đa là 36 tháng kể từ thời điểm Quyết định phê duyệt giá trị tài sản bàn giao. Về phương thức hoàn trả, căn cứ quyết định nhận bàn giao công trình LĐHANT nào thì thực hiện hoàn trả trực tiếp cho bên có công trình theo hồ sơ. 

Như vậy, nếu bàn giao lưới điện cho ngành Điện lực, HTX NNĐH sẽ được đền bù tương xứng với nguồn vốn đã đầu tư. Hơn nữa, việc một số địa phương vẫn cho phép các HTX Nông nghiệp kinh doanh điện dẫn đến nhiều bất cập và gây bức xúc cho người dân. Vì, đa số các HTX tham gia việc kinh doanh điện đều có bộ máy quản lý; nhân viên kỹ thuật vận hành chưa được đào tạo đầy đủ, các HTX chỉ chú trọng việc khai thác tối đa lưới điện sẵn có để hưởng chênh lệch giá điện, làm cho giá điện tăng cao, gây thiệt hại cho người mua...

Như vậy, căn cứ vào những quy định của pháp luật và thực tế kinh doanh mặt hàng điện, đề nghị HTX NNĐH cần sớm bàn giao việc mua bán điện cho ngành Điện lực Quảng Nam đảm nhận để tránh dư luận xấu như hiện nay.

M.T