Hủ tục & hệ lụy (3)
* Bài 3: Cuộc trốn thoát ngoạn mục
(Cadn.com.vn) - “Giữa ranh giới mong manh sống - chết, trong tôi có sự sợ hãi tột độ. Bị số đông người Cơ Tu truy sát, không thức ăn, không một tấc sắt trong tay, trên người chỉ độc chiếc quần đùi, tôi đã băng rừng, lội suối 5 ngày 4 đêm để tìm đường về xuôi trình báo với chính quyền. Khi đó tôi chạy trốn như kẻ mộng du, nỗi sợ bị bắt chặt đầu, lột da lớn hơn sự mệt nhọc. Và, khi đặt chân đến CAH Giằng, tôi kiệt sức hoàn toàn, mới tin là mình còn sống…” - nhân chứng sống duy nhất Nguyễn Văn Hòa kể lại vụ thảm sát cách đây 28 năm.
Ngày 13-10-1986, khoảng 17 giờ, cuộc trả nợ đầu tồi tệ đã xảy ra. Anh Hòa nhớ lại, khi đó trời đã ngả chiều, sau khi áp giải số phu vàng bị trói đến khu vực hiểm trở, phía trước là núi đứng 85 đến 90 độ dốc, hai bên tả hữu cũng núi dựng đứng, trước mặt là khe suối cạn nước, bất ngờ 3 người Cơ Tu cầm súng dẫn đầu ra hiệu cho cả đoàn dừng lại rồi đi vòng ra phía sau. Ngay lập tức, anh Hòa nghe 3 tiếng súng nổ từ đằng sau vọng tới. Biết có chuyện chẳng lành, anh vội nhanh chân nhảy sang bên phải, lăn vào bụi cây rồi chạy vòng ngược lại phía sau, nấp vào một bụi mây rừng rất lớn.
Một góc làng Tái định cư xã Tà Bhing. |
Từ khoảng cách 7m so với hiện trường, anh chứng kiến toàn bộ điều khủng khiếp xảy ra. Số người Cơ Tu sử dụng súng bắn các phu vàng bị trói đang cố gắng chạy về phía trước. Tiếng la hét kêu cứu thất thanh, tiếng van xin tha mạng, tiếng súng nổ chát chúa diễn ra trong tích tắc rồi rơi vào im lặng. Sau khi đã bắn hạ các phu vàng, đám người Cơ Tu sử dụng dao, mã tấu lấy thủ cấp. Cảnh tượng quá khủng khiếp khiến anh Hòa không đủ can đảm nhìn nữa, vội vã tìm cách chạy trốn càng nhanh càng tốt.
Với kinh nghiệm nhiều năm đi rừng và có hiểu biết về tập quán của người Cơ Tu, anh Hòa thừa biết rằng, nếu muốn chạy thoát thì không được để lại dấu vết. Mặc dù 2 tay bị trói tắc ké nhưng anh vẫn cố bám vào cây rừng rậm rạp, di chuyển trên cành cây khô và lá rừng, không để lại dấu chân trên mặt đất. Men theo sườn núi, anh vừa di chuyển vừa nghe ngóng động tĩnh. Có những lúc, anh cảm nhận được số người Cơ Tu truy đuổi đến nơi nhưng trong cuộc trốn tìm này, anh may mắn trốn thoát. Đi mãi, đi mãi, không nhớ là qua bao nhiêu ngọn núi, đến nửa đêm 13-10, anh mới dừng lại và tìm cách cởi trói. Cơ thể anh bị mất nước, các cơ nhão ra, dây trói nới lỏng, chỉ cần cởi chiếc áo mặc trên người là có thể tháo được dây.
Anh Nguyễn Văn Hòa: Nỗi ám ảnh về cuộc thảm sát không thể nào xóa bỏ được. |
Lúc này trên người anh Hòa chỉ độc chiếc quần đùi, không thức ăn, không nước uống, các ngả đường đều bị số người Cơ Tu bao vây truy sát. Để tồn tại và tìm đường về xuôi, ban ngày anh Hòa di chuyển theo sườn núi, buổi tối mới dám men bờ suối, đói ăn trái cây và lá chua, khát thì uống nước suối. Trong đầu anh luôn có ý niệm trăm suối đều đổ về sông, dù không định hướng được lối đi nhưng anh quyết định theo dòng suối, chắc chắn thể nào cũng tìm được sông lớn. Và anh hy vọng rằng, khi đã về đến sông thì sẽ gặp các phu vàng cứu giúp mình. Trên hành trình chạy trốn, điều đáng sợ nhất là ban ngày anh phát hiện số người truy đuổi đang chốt chặn ở các suối và gặp thú dữ như hổ, báo, rắn độc... Khi đêm xuống, anh di chuyển dưới lòng suối, chủ yếu bơi giữa dòng, vì đi theo bờ có thể gặp heo rừng xuống suối uống nước tấn công.
Đúng 5 ngày 4 đêm trốn chạy trong đói khát và sợ hãi, chiều 17-10-1986, anh Hòa đến khu vực sông Ốc và phát hiện một số phu vàng quê xã Tam Mỹ (TP Tam Kỳ). Anh Hòa quá mừng, chỉ kịp kể lại sơ bộ câu chuyện và nhờ đồng nghiệp giúp đỡ. Ngay lập tức, số phu vàng tại đây cõng anh Hòa trong tình trạng kiệt sức, trên người chỉ còn chiếc quần cộc rách te tua đến khu vực bãi gỗ, nơi có khá đông công nhân làm việc để di chuyển bằng xe đạp về CAH Giằng. Tại đây, anh Hòa được chăm sóc đặc biệt, sau đó đưa về TP Đà Nẵng điều trị để phục vụ công tác điều tra. Sau này, chính lời khai của anh Hòa là chứng cứ hết sức quan trọng để các bị cáo gây ra vụ thảm sát 18 phu vàng tâm phục khẩu phục nhận tội.
Phụ nữ Cơ Tu tại xã Tà Bhing với nghề truyền thống dệt thổ cẩm. |
Anh Hòa cho biết, tại phiên tòa xét xử lưu động vào tháng 4-1987, các bị cáo thừa nhận rằng, sau khi sát hại 18 phu vàng thì mới phát hiện thiếu 1 người. Vậy là họ tổ chức truy đuổi với ý định vừa trả thù vừa giết người bịt đầu mối. Quá trình truy sát, nhóm người Cơ Tu này tin rằng, nạn nhân Hòa không thể thoát được, chỉ có thể chết đói, chết khát trong rừng sâu hoặc đã làm mồi cho thú dữ. Vậy nên khi anh Hòa xuất hiện tại tòa, tất cả đều bất ngờ và không thể chối tội. Và điều đáng kinh ngạc là có bị cáo thừa nhận không chỉ sát hại 18 phu vàng mà theo luật tục, họ phải lấy đủ 100 cái đầu mới thôi. Nghĩa là nếu như anh Hòa không chạy thoát được, không trình báo chính quyền vào cuộc điều tra thì thảm án này chưa chắc đã dừng lại.
Sau lần thoát chết trong gang tất, sức khỏe anh Hòa bị giảm sút nghiêm trọng. Anh bị sốt xuất huyết và suy nhược cơ thể, phải điều trị tích cực thời gian dài mới lành bệnh. Vụ án khép lại, anh về quê lập gia đình, gắn bó với nghề nông và buôn bán nhỏ, từ bỏ hẳn nghề làm vàng may ít rủi nhiều. Anh Hòa bảo, bây giờ cuộc sống gia đình cơ bản ổn định nhưng di chứng về thảm án năm xưa vẫn không thể xóa được. Mỗi khi trái gió trở trời là cơ thể anh lại đau nhức, nhất là căn bệnh thoái hóa cột sống lại có dịp tái phát. Điều làm anh ám ảnh nhất là hình ảnh về cuộc thảm sát và những ngày trốn chạy trong rừng sâu, nó theo anh suốt cuộc đời.
Phóng sự điều tra: Nguyên Thảo
(còn nữa)