Báo Công An Đà Nẵng

Hủ tục & hệ lụy (4)

Thứ hai, 21/07/2014 07:52

* BÀI 4: Chết xấu và cầm đồ thuốc độc

(Cadn.com.vn) - Không chỉ có hủ tục trả nợ đầu và săn máu hết sức dã man, đời sống người Cơ Tu, Ca Dong ở miền núi Quảng Nam và Hrê ở Quảng Ngãi còn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi quan niệm chết xấu và cầm đồ thuốc độc. Đây là nguyên nhân tác động trực tiếp đến đời sống vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thiếu số, gây ra những hậu quả khó lường.

Người Cơ Tu quan niệm rằng, mỗi người có 2 hồn, một hồn tốt và một hồn xấu. Khi ai đó chết tự nhiên, hồn tốt sẽ còn lại, vì thế thi thể người chết sau khi được đặt vào quan tài sẽ mang vào trong rừng sâu. Khoảng 1 hoặc 2 năm sau, thi thể người chết sẽ được đưa vào nhà mồ của gia đình. Từ đó trở đi, hồn sẽ tiếp tục cuộc sống gia đình, sẽ thành thần tốt, không bị lãng quên. Nhưng bất hạnh thay cho những ai bị chết xấu, như bị rắn cắn, hổ vồ, lợn rừng húc, treo cổ tự vẫn... hồn ma của họ phải gia nhập đội ngũ đông đảo những hồn ma lang thang, làm tăng thêm lực lượng thần ác. Khi đó người sống phải bỏ nhà, bỏ làng, bỏ rẫy, tránh xa nơi họ chết. Xác họ bị chôn sâu trong một góc rừng tối tăm, đất sẽ đè nặng lên họ để chất độc ác trong thể xác không thể thoát ra được.

Hậu quả của nỗi sợ hãi “chết xấu” và “con ma xấu” là rất nặng nề. Đơn cử, mới đây, chỉ vì sợ “con ma xấu”, người dân thôn Bút Tưa (xã Sông Kôn, H. Đông Giang, Quảng Nam) đã tự tay đập phá hết nhà cửa, vứt bỏ tất cả mọi tài sản trâu bò, ruộng nương, gà lợn... chuyển đến lánh nạn trong các túp lều dựng tạm trên đất làng khác. Đi sâu tìm hiểu được biết, thôn Bút Tưa có tất cả 16 hộ với 59 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Cơ Tu.

Hầu hết nhà cửa của người dân trong làng đều được xây dựng kiên cố, đổ trụ bằng bê-tông cốt thép, có hộ bỏ ra số tiền hơn 500 triệu đồng để xây nhà mới. Sở dĩ người dân có tiền xây nhà kiên cố như vậy là nhờ có tiền đền bù từ Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện Sông Kôn. Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, chỉ trong vòng 1 tuần, ở tổ 2, thôn Bút Tưa liên tiếp xảy ra 2 vụ tự sát không rõ nguyên nhân. Đầu tiên là A Lăng Tròn rồi đến A Lăng Nghĩa đột nhiên treo cổ tự tử. Điều đáng nói là cả hai đều đang khỏe mạnh, nhưng sau khi uống rượu thì tự sát. Từ trước đến nay, ở Bút Tưa chưa từng xảy ra chuyện như vậy nên người dân tin là có “con ma xấu” về làng quậy phá, hại làng. Sợ bị ma hại chết nên người dân mới bỏ làng đi hết.



Sợ “con ma xấu”, người dân tổ 2, thôn Bút Tưa đập phá nhà cửa,
chuyển đến đất người quen dựng lều sống tạm bợ.

Ngày 14-2-2014, cuộc tháo chạy bắt đầu. Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày sau, gần 10 căn nhà được xây dựng kiên cố, khang trang trị giá hàng tỷ đồng bị chính chủ nhân của nó đập phá, tháo dỡ. Bỏ làng, hầu hết mọi người đến nhà người thân mượn đất dựng lều ở tạm. A Lăng Tạ, một trong số 10 hộ gia đình bỏ làng vì sợ “con ma xấu” cho biết: “Sợ quá nên mình cùng vợ con đập nhà, bỏ làng dọn về đất nhà người quen che lều ở tạm. Ở trên đó trước sau gì cũng chết. Sợ lắm. Cán bộ xã, huyện có xuống khuyên bảo ở lại làng nhưng vì sợ “con ma xấu” hại nên không ai trong làng dám ở lại. Chừ có cho gì mình cũng không trở về làng cũ nữa đâu”.

Trước khi xảy ra việc bỏ làng vì sợ “con ma xấu” ở tổ 2, thôn Bút Tưa chừng 10 ngày, tại thôn 3, xã Trà Tập, H. Nam Trà My, Quảng Nam cũng xảy ra một câu chuyện tương tự. Ngày 4-2, anh Nguyễn Ngọc Sơn (1972, người dân tộc Ca Dong) ở nóc Lép Loa 1 vào rừng săn được con khỉ mang về nhà làm mồi nhậu. Chiều cùng ngày, Sơn mời một số anh em trong gia đình về uống rượu. Sau khi uống hết 3 lít rượu thì tiệc tàn, mọi người ra về. Lúc này vợ chồng Sơn xảy ra cãi vã, xô xát. Trong lúc bị kích động bởi men rượu, không làm chủ bản thân, Sơn dùng dao đi săn đâm vợ là chị Hồ Thị Xoa (1979) tử vong.

Sau đó, Sơn cầm dao chạy trốn vào rừng, tự treo cổ kết liễu đời mình. Rõ ràng cái chết của vợ chồng Sơn có nguyên nhân từ mâu thuẫn cá nhân nhưng được người Ca Dong quan niệm là do “con ma ám” chứ không phải say rượu. Một khi “chết xấu” thì không nên để lại ngôi nhà và tài sản của “con ma xấu”. Người đã chết thì mang theo tất cả, nếu để lại con ma sẽ làm hại dân làng. Vậy là ngay lập tức nhà cửa, vật dụng, của cải của vợ chồng anh Sơn bao nhiêu năm tích góp đều bị đốt sạch, khiến 4 đứa con của anh lâm vào cảnh bơ vơ, mất cha mẹ, không nhà cửa...

10 ngôi nhà kiên cố trị giá hàng tỷ đồng tại thôn Bút Tưa đã bị đập phá vì sợ “con ma xấu”.

Nếu người Cơ Tu, Ca Dong có quan niệm về chết xấu, tác động tiêu cực đến đời sống vật chất của nhiều gia đình thì người Hrê ở Quảng Ngãi có hủ tục cầm đồ thuốc độc ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe người khác. Theo đồng bào Hrê, “đồ độc” ở đây chẳng có gì khác là những túi nhỏ đựng đất, chén bát mẻ, lông gia súc, gia cầm, rễ cây... Thế nhưng chúng rất nguy hiểm và linh thiêng, có thể gây chết người, hại mùa màng...

Mới đây, tại xã Sơn Ba, H. Sơn Hà, Quảng Ngãi, ông Đinh Văn Nương (trú thôn Gò Da) qua đời vì bệnh ung thư. Trong bệnh án bác sĩ đã có kết luận như vậy nhưng gia đình ông Nương nghi  bà Đinh Thị Na dùng thuốc độc rải ở nhà ông Nương hại người. Sau đó, Đinh Văn Hút - con trai ông Nương cùng bạn là Đinh Văn Bẻo đã ra tay tàn độc, giết chết bà Na. Đây không phải là trường hợp cá biệt, chỉ riêng tại H. Sơn Hà, từ năm 2010 đến nay đã xảy ra 22 vụ nghi kị “cầm đồ thuốc độc”, gây ra nhiều hậu quả thảm khốc.

Phóng sự điều tra: Nguyên Thảo (còn nữa)