Báo Công An Đà Nẵng

Huấn luyện viên Gong Oh-kyun và bóng đá đẹp

Thứ hai, 20/06/2022 14:57
Ông Gong Oh-kyun chọn bóng đá đẹp. Ảnh: Lâm Thoả/VFF

Sau hành trình tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 cùng U23 Việt Nam, huấn luyện viên Gong Oh-kyun được báo chí Việt Nam đặt câu hỏi chọn bóng đá đẹp hay bóng đá thắng? Ông nói rằng: “Chắc chắn là bóng đá đẹp. Nó quan trọng hơn bóng đá thắng. Nếu cứ quan tâm đến chiến thắng thì cầu thủ sẽ bị ảnh hưởng nhiều đến thái độ sống, nhân cách, đạo đức. Một khi chúng ta chơi đẹp thì kiểu gì cũng chiến thắng. Chiến thắng trong nhân cách là chiến thắng tột cùng”.

Thực tế, U23 Việt Nam dưới thời huấn luyện viên Gong Oh-kyun đã mang đến một diện mạo mới. Lối chơi mà các cầu thủ trình diễn tại vòng chung kết U23 châu Á 2022 có tính cống hiến và cởi mở. Ông Gong không ngần ngại tuyên bố muốn hướng đến lối chơi tấn công đẹp mắt. Bên cạnh đó, các cầu thủ cũng được sắp xếp chơi trái sở trường nhiều vị trí đã tạo thêm một dấu ấn mới.

Theo quan điểm của bình luận viên Quang Huy: “Tôi thích lối chơi mở của huấn luyện viên Gong Oh-kyun. Đây là lối chơi mà các cầu thủ có thể phải đá vị trí trái sở trường. Có cầu thủ trận thì đá trung vệ, trận thì đá tiền vệ, cũng có cầu thủ lúc thì đá cánh, lúc thì lên đá trung phong,... Thông thường, khi đá trái sở trường thì mọi người thường khá căng thẳng và cố gắng chơi tròn vai. Tuy nhiên, tôi cho rằng dưới thời ông Gong, mọi thứ vận hành khá trơn tru khi các cầu thủ vẫn luôn thả lỏng, thi đấu thăng hoa và coi việc phải đá trái sở trường là cơ hội để làm mới mình cũng như tích lũy thêm kinh nghiệm”.

Việc U23 Việt Nam lọt vào tứ kết được xem là thành tích chấp nhận được của huấn luyện viên Gong Oh-kyun trong lần đầu cầm quân. Điều đó cho thấy lối chơi mà ông đang xây dựng có thể tiếp tục được phát huy trong thời gian tới. Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là tính hiệu quả mang lại liệu có tạo ra sự bền vững về lâu dài?

Khi đến Việt Nam làm việc, huấn luyện viên Park Hang-seo đã đúc kết ra một vấn đề: “Người Việt Nam yêu bóng đá cuồng nhiệt nhưng đó là bóng đá chiến thắng”. Đó là những áp lực lớn mà những huấn luyện viên ngoại trước đây phải đối mặt. Bản thân ông Park hiểu điều này và xác định đó dường như là tôn chỉ trong công việc của mình.

Hướng đến bóng đá chiến thắng đồng nghĩa với việc phải xây dựng lối chơi mang tính thực dụng khi đội bóng của ông bước vào các giải đấu xác định tâm thế “cửa dưới”. Và đó cũng là công thức mang đến sự thành công cho ông Park trong thời gian 5 năm dẫn dắt U23 và đội tuyển quốc gia. Tâm thế phải thắng cũng dẫn đến tâm lý cầu toàn của ông Park. Vì thế mà có nhiều thời điểm, ông thầy người Hàn Quốc phải đứng trước cả áp lực “làm mới” đội bóng.

Tuy nhiên, cũng vì áp lực trước những trận đấu được đặt theo những kỳ vọng khác nhau, ông Park vẫn chấp nhận mang tiếng bảo thủ để có kết quả tốt. Đó cũng là vấn đề mà huấn luyện viên Gong Oh-kyun cần tham khảo.

Trong phát biểu mới đây của huấn luyện viên Shin Tae-yong sau về U23 Việt Nam sau khi giành chức vô địch SEA Games 31 đã gây chú ý và tranh cãi. Ông nói rằng: “Tôi chúc mừng U23 Việt Nam khi giành danh hiệu cao nhất mà không để thủng lưới bàn nào. Nhưng U23 Việt Nam thường thắng với tỷ số 1-0 theo kịch bản dựng xe buýt rồi ghi 1 bàn. Nếu tiếp tục như vậy, họ sẽ không thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển. U23 Việt Nam không nên chỉ biết phòng ngự mà còn cần phải tấn công nữa. Vừa phòng ngự chắc, vừa tấn công có bàn thắng là cách giúp Việt Nam phát triển bền vững”.

Với những người trong nghề nhận định, ở nhiều góc độ, đó là phát ngôn đáng để suy ngẫm. Nhưng với nhiều người thì dường như đó là chiêu tâm lý của ông Shin. Nhìn ở góc độ chuyên môn thì đó là nhận định có thể đúng với những thời điểm khác nhau. Bóng đá Việt Nam đang trong quá trình phát triển, do đó, mỗi huấn luyện viên sẽ có quan điểm chiến thuật cụ thể khác nhau.

Ông Gong Oh-kyun đến Việt Nam khi chúng ta đã có nền tảng thành công thời ông Park. Đây là giai đoạn cần đến sự đột phá. Thế nhưng, giữa bóng đá đẹp và bóng đá chiến thắng, nếu chỉ chọn 1, dường như sẽ không đủ để đi đến thành công.

H.H