Báo Công An Đà Nẵng

Huawei - Câu chuyện về một Cty gây tranh cãi (Kỳ 2: Tỷ phú Nhậm Chính Phi và đế chế Huawei)

Thứ hai, 18/03/2019 12:27

"Khi mới bắt đầu lập nghiệp 30 năm trước, tôi thực sự không có bất kỳ điện thoại nào. Những chiếc điện thoại duy nhất tôi có lúc đó là những chiếc điện thoại cầm tay cũ kỹ mà bạn thấy trong các bộ phim thời Thế chiến II. Thật sự, chúng tôi không có gì phát triển”, người sáng lập và Chủ tịch của Huawei, ông Nhậm Chính Phi, hồi tưởng về thời kỳ lập nghiệp với Cty viễn thông khổng lồ này, khi ngồi trong trụ sở Huawei ở Thâm Quyến.



Tỷ phú Nhậm Chính Phi và trụ sở Huawei ở Thâm Quyến.   Ảnh: BBC

“Thung lũng Silicon” ở Trung Quốc

Trụ sở Huawei ở Thâm Quyến được xem biểu tượng cho sự thành công mà ông Nhậm Chính Phi đã dành cả đời cống hiến.

Ở đây, có một cầu thang dài bằng đá cẩm thạch, được trải thảm đỏ sang trọng, chào đón khi bạn bước vào. Ở đầu cầu thang, một bức tranh khổng lồ mô tả khung cảnh năm mới truyền thống của Trung Quốc. Cách đó vài ki-lô-mét ở Đông Quan, khuôn viên mới nhất của Huawei, mọi cảnh vật còn bắt mắt hơn. Khu vực này - được thiết kế với sức chứa 25.000 nhân viên - bao gồm 12 ngôi làng, mỗi nơi tái tạo kiến trúc của một thành phố Châu Âu khác nhau, trong đó có Paris, Bologna và Granada... Nó giống như Thung lũng Silicon mà Walt Disney đã vẽ lại trong phim. Hành lang dài có các trụ cột La Mã và các quán cà-phê Pháp đẹp như tranh vẽ, tô điểm cho khuôn viên, với một chuyến tàu nối các khu vực khác nhau, chạy qua những khu vườn được cắt tỉa cẩn thận và qua một hồ nước nhân tạo. Ở đây còn có phòng thí nghiệm được mô phỏng như Nhà Trắng.

Tuy nhiên, có lẽ điều gây tò mò nhất chính là ba con thiên nga đen bơi quanh hồ nhân tạo này. Nhiều người cho biết, đối với ông Nhậm, loài chim này mang ý nghĩa như một lời nhắc nhở rằng nên tránh sự tự mãn và luôn sẵn sàng cho những cuộc khủng hoảng có thể đến bất kỳ lúc nào.

Tất cả đều là một thế giới khác với môi trường mà ông Nhậm Chính Phi từng bước vào khi mới thành lập Cty vào năm 1987. “Tôi đã thành lập Huawei khi Trung Quốc bắt đầu thực hiện cải cách và chính sách mở cửa”, ông nói. Vào thời điểm đó, Trung Quốc đang chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường. Không chỉ những người như tôi, mà ngay cả những quan chức cao cấp nhất của chính phủ, cũng vẫn còn rất mơ hồ về nền kinh tế thị trường. Có vẻ như rất khó để sống sót”, ông cho biết thêm.

Đi lên từ con số 0

Ông Nhậm Chính Phi, sinh năm 1944 tại miền nam Trung Quốc - một nơi hỗn loạn và một trong những vùng nghèo nhất ở nước này lúc đó. Trong một thời gian dài, ông từng trải qua vô vàn khó khăn. Ông sinh ra trong một gia đình có 7 người con, rất nghèo.

Để thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ và vất vả đó, ông Nhậm Chính Phi đã làm những gì mà nhiều thanh niên Trung Quốc thời đó đã làm. Ông gia nhập quân đội. “Tôi là một sĩ quan cấp thấp trong Quân đội Giải phóng Nhân dân”, ông Nhậm cho biết và nói thêm: “Lúc đó, tôi là kỹ thuật viên của một Cty trong quân đội, và sau đó trở thành kỹ sư”. Ông rời quân đội năm 1983 khi Trung Quốc bắt đầu tinh giản lực lượng và bắt đầu với công việc kinh doanh điện tử. Ban đầu, ông hứng chịu thất bại: “Tôi cũng chịu tổn thất, tôi cũng bị lừa”.

Nhưng ông đã nhanh chóng đứng dậy và bắt đầu lao vào nghiên cứu về nền kinh tế thị trường. “Tôi đọc sách về luật pháp, bao gồm cả những cuốn sách về luật pháp Châu Âu và Mỹ. Vào thời điểm đó, có rất ít cuốn sách về luật pháp Trung Quốc và tôi phải đọc những cuốn sách về luật pháp Châu Âu và Mỹ. 5 năm sau, ông thành lập Huawei - cái tên có thể được dịch là “thành tựu tuyệt vời” - để bán thiết bị viễn thông đơn giản cho thị trường nông thôn Trung Quốc. Trong vài năm, Huawei đã tự mình phát triển và sản xuất thiết bị. Thỉnh thoảng vào đầu những năm 1990, Huawei giành được hợp đồng của chính phủ để cung cấp thiết bị viễn thông cho Quân đội Giải phóng Nhân dân. Đến năm 1995, Cty đã tạo ra doanh số khoảng 220.000 USD, chủ yếu bán cho thị trường nông thôn.

Năm 1996, Huawei được trao danh hiệu “nhà vô địch quốc gia” của người Trung Quốc. Trên thực tế, điều này có nghĩa là chính phủ đóng cửa thị trường với cạnh tranh nước ngoài. Vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng trung bình 10% mỗi năm, đây là lợi thế không nhỏ. Nhưng chỉ đến khi Huawei bắt đầu mở rộng ra nước ngoài vào năm 2000, họ mới thực sự thấy doanh số tăng vọt. Cty đã mạo hiểm bước vào thị trường quốc tế từ những năm 2000, với thiết bị viễn thông có giá thành phải chăng hơn những đối thủ như Cisco System. Sau đó, Huawei thừa nhận đã sao chép một phần nhỏ mã bộ định tuyến từ Cisco và đồng ý xóa mã nhiễm độc theo một thỏa thuận. Kể từ đó, ông chủ Huawei  đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Cty.

Năm 2002, Huawei kiếm được 552 triệu USD từ doanh số bán hàng trên thị trường quốc tế. Vào năm 2005, lần đầu tiên các hợp đồng thị trường quốc tế của họ đã vượt quá doanh nghiệp trong nước. Cho đến nay, dù không được truyền thông nhắc đến nhiều như Alibaba hay Baidu nhưng doanh thu của Huawei vào năm 2017 cao hơn tất cả những gã khổng lồ trên cộng lại.

KHẢ ANH (còn nữa)