Báo Công An Đà Nẵng

Huawei tiếp tục “cuộc chiến” chống lệnh dẫn độ của Mỹ

Thứ ba, 29/09/2020 17:00

Ngày 28-9, Giám đốc Tài chính (CFO) của gã khổng lồ công nghệ Huawei, Trung Quốc, bà Mạnh Vãn Châu và các luật sư trở lại tòa án Canada để gây áp lực buộc nhà chức trách ở đây trả tự do, lập luận rằng, Mỹ đã đánh lừa Canada về những cáo buộc nhằm vào “công chúa Huawei” để đảm bảo việc giam giữ bà ở nước ngoài.

Ngày 28-9, bà Mạnh Vãn Châu và các luật sư đã trở lại tòa án Canada tiếp tục chống lệnh dẫn độ của Mỹ.   Ảnh: BBC

“Những cáo buộc sai sự thật”

Theo AFP, bà Mạnh và các luật sự đã có mặt tại tòa án tỉnh bang British Columbia của Canada vào ngày 28-9 để tiếp tục “cuộc chiến” chống lại lệnh dẫn độ của Mỹ.

Theo đó, đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Mạnh được cho là đưa ra lập luận rằng, Mỹ đã cung cấp cho Canada báo cáo sai lệch trong vụ bắt giữ bà tại thành phố Vancouver hồi tháng 12-2018, nhằm thuyết phục Thẩm phán Tòa án tối cao tỉnh bang British Columbia, Heather Holmes rằng, các quyền của bà bị vi phạm. Theo hồ sơ tòa án, bên bào chữa nói rằng, mấu chốt của cáo buộc Mỹ chống lại bà Mạnh - rằng, bà đã che giấu ngân hàng HSBC mối quan hệ của Huawei với Cty con Skycom ở Iran - là sai sự thật và thiếu bằng chứng. “Cần loại bỏ hồ sơ sai lệch và không đầy đủ như vậy trước khi tòa án tiếp tục các thủ tục này”, tài liệu cho biết.

CFO của Huawei cũng nhấn mạnh, các cơ quan chức năng của Canada và Mỹ vi phạm quá trình điều tra, chia sẻ thông tin từ các thiết bị điện tử của bà và thẩm vấn bà 3 giờ trước khi bà chính thức bị bắt giữ. Vụ việc đã khiến quan hệ Trung-Mỹ thêm căng thẳng và rạn nứt chưa từng có giữa Canada và Trung Quốc. Giới quan sát nhận định, các phiên tòa sắp tới khó có thể tác động tới Thẩm phán Heather Holmes, nhưng Bộ trưởng Tư pháp Canada sẽ phải đối mặt với sức ép lớn khi Bắc Kinh vẫn đang giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp. Chuyên gia Michael Byers thuộc Đại học British Columbia nhận định, kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có thể sẽ ảnh hưởng đến tiến trình xem xét dẫn độ bà Mạnh.

Mấu chốt Skycom

Bất chấp việc bùng phát dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn các phiên xét xử tại Tòa án Tối cao British Columbia, vụ việc của bà Mạnh được xử lý qua phiên tòa trực tuyến - mặc dù với tiến trình rất chậm. Tuy nhiên, tại phiên điều trần cuối cùng vào giữa tháng 8, các luật sư của bà Mạnh cho biết, họ mong đợi bà sẽ xuất hiện trực tiếp lần đầu tiên sau nhiều tháng trong phiên tòa ngày 28-9.

CFO của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc bị bắt theo lệnh của Mỹ vào tháng 12-2018 trong chuyến dừng chân ở Vancouver. Bà bị buộc tội gian lận ngân hàng liên quan đến vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và chiến đấu chống dẫn độ kể từ đó đến nay. Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng, Skycom thực chất là một Cty con của Huawei. Họ lưu ý, nhân viên của Skycom có địa chỉ email và huy hiệu của Huawei, và ban lãnh đạo của Skycom là nhân viên của Huawei - bao gồm cả bà Mạnh. Huawei cũng có thời điểm sở hữu cổ phần của Skycom nhưng đã bán cổ phần cho một Cty khác mà Washington cho biết cũng do Huawei kiểm soát.

Theo Washington, HSBC cũng như các ngân hàng khác bị rơi vào thế rủi ro, có nguy cơ bị truy tố và tổn thất về tài chính nếu tiếp tục cung cấp tài chính cho Huawei dựa trên những lời đảm bảo của bà Mạnh. Tuy nhiên, bà Mạnh quyết liệt bác bỏ cáo buộc này và cho rằng, Tổng thống Trump sử dụng bà để mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Con gái của người sáng lập Huawei đã nói rằng Skycom chỉ là một “đối tác kinh doanh” ở Iran và các giao dịch của Huawei ở đó không vi phạm các tiêu chuẩn toàn cầu hoặc luật pháp Mỹ. Huawei bác bỏ các cáo buộc là “vô căn cứ” và các cáo buộc bổ sung được đệ trình vào tháng 2 cho rằng, tập đoàn này ăn cắp công nghệ từ các Cty Mỹ. Các quan chức Mỹ cho rằng, Huawei gây ra rủi ro an ninh vì có liên hệ với chính phủ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cáo buộc Washington đang tìm cách đè bẹp Huawei.

Bà Mạnh vẫn bị quản thúc tại Vancouver trong khi vụ án dẫn độ, dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3 hoặc tháng 4-2021, được xét xử.

KHẢ ANH