Báo Công An Đà Nẵng

Huawei trở thành “cơn ác mộng an ninh” của Mỹ và các đồng minh, vì sao?

Thứ hai, 10/12/2018 09:40

Việc bà Mạnh Vãn Chu - Giám đốc tài chính (CFO) của gã khổng lồ công nghệ Huawei bị bắt tại Canada và phải đối mặt với nguy cơ bị dẫn độ sang Mỹ càng “đổ thêm dầu” vào “chảo lửa” thương chiến Mỹ - Trung.

Một cửa hàng bán lẻ của Huawei ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AP

Trong ngày 7-12, bà Mạnh có mặt tại phiên tòa bảo lãnh ở thành phố Vancouver của Canada. Theo hồ sơ vụ việc được trình bày tại phiên tòa, bà Mạnh bị Mỹ buộc tội âm mưu lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều cơ quan tài chính. Bà cũng bị cáo buộc lừa đảo nhằm né tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Cáo buộc này liên quan đến việc Huawei sử dụng Skycom Tech, một Cty giao dịch với các Cty viễn thông Iran, để bán thiết bị cho Iran từ năm 2009 đến 2014. CFO của Huawei sẽ phải đối mặt với bản án lên đến 30 năm tù đối với mỗi cáo buộc của Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc nói rằng việc bà Mạnh bị giam giữ là vi phạm nhân quyền và đang yêu cầu trả tự do nhanh chóng. Cuối ngày 8-12, Trung Quốc triệu Đại sứ Canada để phản đối vụ việc, đồng thời gọi đây là hành động “cực kỳ bẩn thỉu”.

Tuy nhiên, đằng sau “bộ phim” rất công khai này là “cảnh hậu trường” kéo dài, tập trung vào các cơ quan tình báo phương Tây: đó là nỗi sợ tình báo an ninh từ Huawei của Mỹ và các đồng minh. Có nhiều nguyên nhân để dẫn đến “cơn ác mộng an ninh” này.

Công nghệ tuyệt vời trong các thiết bị của Huawei

Huawei là nhà sản xuất lớn nhất thế giới về những thiết bị như trạm gốc và ăng-ten mà các nhà khai thác di động sử dụng để chạy mạng không dây. Và những mạng lưới này có công nghệ “Kill switches” (thiết bị có khả năng vô hiệu hóa điện thoại từ xa nếu bị đánh cắp), và chứa dữ liệu có thể giúp kiểm soát lưới điện, thị trường tài chính, hệ thống giao thông và các bộ phận, cơ sở hạ tầng quan trọng khác của các quốc gia.

Vì vậy, điều mà Mỹ và các đồng minh lo sợ là cơ quan tình báo của Trung Quốc có thể cài phần mềm hoặc phần cứng trong các thiết bị của Huawei, để làm giảm hoặc vô hiệu hóa các mạng không dây nước ngoài trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Đó là lý do mà Mỹ và một số nước đồng minh quyết định cấm chính phủ mua thiết bị của Huawei. Các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc Huawei có liên quan tới chính phủ Trung Quốc và những thiết bị của Cty này có thể chứa đựng “yếu tố ngầm” để gián điệp sử dụng, mặc dù không có bằng chứng nào được công bố và Huawei bác bỏ cáo buộc.

Kể từ năm 2010, Anh điều hành một trung tâm đặc biệt, bao gồm các thành viên của Cơ quan tình báo tín hiệu (GCHQ), để kiểm tra thiết bị của Huawei trước khi triển khai. Vào đầu năm nay, GCHQ đã cảnh báo rằng họ chỉ có một số thiết bị của Huawei không tạo ra mối đe dọa an ninh. Theo các báo cáo, trung tâm đã phát hiện một số mã của Huawei hoạt động khác nhau trên các mạng thực tế so với cách mà nó đã được thử nghiệm. Và một số nhà cung cấp phần mềm của Huawei phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt.

Đào bới dữ liệu từ “cửa sau”

Huawei tuyên bố thiết bị của họ giúp kết nối hơn 1/3 dân số thế giới, xử lý một lượng lớn dữ liệu cho các doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao giới tình báo phương Tây lo sợ, Huawei có “cửa sau” trong các thiết bị để truy cập vào thông tin nhạy cảm. Huawei không chỉ chế tạo thiết bị mà có thể kết nối không dây để phát hành các bản nâng cấp và bản vá để sửa lỗi. Có mối lo, kết nối từ xa này có thể bị các gián điệp mạng Trung Quốc khai thác. Cty này cũng là một trong những nhà sản xuất điện thoại thông minh và thiết bị tiêu dùng lớn nhất thế giới, điều này đã làm tăng triển vọng, Trung Quốc có thể khai thác các sản phẩm này để làm gián điệp. Hồi tháng 5, Bộ Quốc phòng Mỹ ra lệnh cho các cửa hàng bán lẻ trên các căn cứ quân sự của Mỹ ngừng bán điện thoại của Huawei và ZTE, một đại gia công nghệ lớn khác của Trung Quốc, vì lo ngại họ có thể bị tấn công địa điểm và các chuyển động của quân nhân Mỹ.

Mối lo mạng 5G

Các Cty viễn thông trên toàn thế giới sắp tung ra thế hệ không dây tiếp theo, được gọi là 5G. Cùng với việc tăng tốc độ truyền dữ liệu, mạng 5G sẽ cho phép các xe tự lái tương tác với nhau và tương tác với những thiết bị như đèn giao thông thông minh. Chúng cũng giúp kết nối và điều khiển một số lượng lớn robot trong các nhà máy và các địa điểm khác. Và quân đội cũng sẽ sử dụng chúng cho tất cả các loại ứng dụng. Điều này sẽ mở rộng đáng kể số lượng thiết bị được kết nối, và sự hỗn loạn có thể xảy ra nếu các mạng hỗ trợ bị tin tặc tấn công. Nó cũng sẽ tăng số lượng dữ liệu của Cty và các dữ liệu khác mà tin tặc có thể nhắm mục tiêu. Cả Australia và New Zealand gần đây đã cấm sử dụng thiết bị Huawei trong cơ sở hạ tầng không dây 5G mới.

Huawei có “liên hệ mật thiết” với chính phủ Trung Quốc?

Huawei đã nhiều lần nhấn mạnh, họ là một Cty tư nhân, hàm ý là không chịu sự ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc trong mọi hoạt động. Trong tuyên bố hôm 7-12, Huawei tiếp tục khẳng định chưa từng được bất cứ chính phủ nước nào đề nghị tiến hành các vụ bí mật xâm nhập hệ thống mạng bằng “cửa sau”. Tuy nhiên, Mỹ và các đồng minh vẫn nghi ngờ điều này.

KHẢ ANH