Báo Công An Đà Nẵng

Huawei – câu chuyện về một Cty gây tranh cãi( Kỳ 1: Vụ tấn công mạng bí ẩn)

Thứ bảy, 16/03/2019 14:05

Trụ sở của Liên minh Châu Phi (AU) tại Addis Ababa là một cấu trúc giống như tàu vũ trụ sáng lấp lánh dưới ánh mặt trời buổi chiều. Cùng với tòa nhà chọc trời trong khuôn viên, nó nổi bật ở thủ đô của Ethiopia. Lời chào bằng tiếng Trung Quốc chào đón du khách khi họ bước vào thang máy, và những cây cọ nhựa mang logo của Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).

Trụ sở của Liên minh Châu Phi (AU) tại Addis Ababa.  Ảnh: BBC

Ở khắp mọi nơi, đều có những dấu hiệu nhỏ cho thấy, tòa nhà được xây dựng từ khoản tiền viện trợ tài chính từ Trung Quốc. Năm 2006, Bắc Kinh cam kết viện trợ 200 triệu USD xây dựng trụ sở. Tòa nhà hoàn thành vào năm 2012, mọi thứ đều được người Trung Quốc xây dựng - bao gồm cả hệ thống máy tính hiện đại. Trong nhiều năm, tòa nhà là minh chứng đáng tự hào cho mối quan hệ ngày càng thân thiết và gần gũi hơn giữa Trung Quốc và Châu Phi. Giao dịch thương mại đã tăng vọt trong 2 thập kỷ qua, tăng khoảng 20% mỗi năm, theo tư vấn quốc tế McKinsey.

Tin giật gân?

Trên thực tế, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn nhất của Châu Phi. Nhưng vào tháng 1-2018, tờ báo Le Monde Afrique của Pháp đã thả một "quả bom" làm chấn động mối quan hệ này.

Theo tờ báo, hệ thống máy tính của trụ sở AU đã bị xâm nhập. Tờ báo trích dẫn nhiều nguồn tin cho biết, trong thời gian 5 năm ( từ tháng 1-2012 đến tháng 1-2017) cứ từ nửa đêm đến 2 giờ sáng, dữ liệu từ các máy chủ của AU, đã được chuyển hơn 8.000km, đến các máy chủ ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trong 1.825 ngày liên tiếp, hành động này liên tục được lặp lại, một cáo buộc làm bùng lên nhiều tranh cãi.

Le Monde Afrique cho biết, vụ việc đã được đưa ra ánh sáng vào năm 2017, khi một nhà khoa học làm việc cho AU đã ghi lại một lượng hoạt động máy tính cao bất thường trên các máy chủ của mình trong nhiều giờ khi các văn phòng đóng cửa sau giờ làm việc. Le Monde cũng cho biết, Trung Quốc gắn "rệp" (các micro bí mật và thiết bị nghe lén) trên tường và trên bàn làm việc ở trụ sở trong suốt 5 năm. Vụ việc được phát hiện vào năm 2017 khi xảy ra một vụ tin tặc tấn công quy mô lớn khiến hệ thống công nghệ thông tin tại trụ sở AU được thay thế hoàn toàn. Trong quá trình dọn dẹp lắp đặt hệ thống mới, người ta phát hiện các micro được giấu kín trong các bàn và tường của tòa nhà.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc và AU nhanh chóng phủ nhận. Hai bên đều công khai lên án nội dung tờ báo là sai trái và giật gân câu khách - một phần trong nỗ lực của truyền thông phương Tây nhằm làm tổn hại mối quan hệ giữa một Trung Quốc quyết đoán hơn và một Châu Phi ngày càng độc lập. Đại sứ Trung Quốc tại AU, ông Khoáng Vĩ Lâm, gọi bài báo là "lố bịch và phi lý". Ông cho rằng, bài báo này có ý đồ xấu trong việc phá hoại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Châu Phi. Nhưng Le Monde Afrique nói rằng, các quan chức AU thực sự đã bày tỏ những lo ngại riêng về việc họ phụ thuộc vào viện trợ của Trung Quốc như thế nào - và hậu quả của việc đó có thể là gì.

Huawei - trung tâm của vấn đề

Nhưng ở trung tâm của vấn đề này, có một thực tế vẫn chưa được nói đến.

Đó là nhà cung cấp chính các hệ thống công nghệ thông tin và truyền thông cho trụ sở của AU là tập đoàn công nghệ khổng lồ và nổi tiếng nhất Trung Quốc - Huawei. Điều này không có nghĩa là Cty này đồng lõa trong bất kỳ hành vi trộm cắp dữ liệu nào, ông Danielle Cave thuộc Viện Chính sách chiến lược Australia đánh giá về vụ việc. Tuy nhiên, rất khó để nói rằng - với vai trò là nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ công nghệ thông tin quan trọng cho tòa nhà AU và đặc biệt là trung tâm dữ liệu của AU - Huawei hoàn toàn không biết về việc đánh cắp một lượng lớn dữ liệu mỗi ngày, trong 5 năm, như thế này.

Tuy nhiên, Huawei thật sự đã bác bỏ mọi liên quan. Người phát ngôn của Huawei đã khẳng định với BBC rằng: Nếu một vụ rò rỉ dữ liệu từ các máy tính tại trụ sở của AU ở Addis Ababa diễn ra trong thời gian dài, những rò rỉ dữ liệu này không bắt nguồn từ công nghệ do Huawei cung cấp cho AU. Những gì Huawei cung cấp cho dự án AU bao gồm các cơ sở trung tâm dữ liệu, nhưng các cơ sở đó không có bất kỳ chức năng lưu trữ hoặc truyền dữ liệu nào.

Không có bằng chứng nào cho thấy, thiết bị mạng viễn thông của Huawei mà từng được chính phủ Trung Quốc, hoặc bất kỳ quốc gia nào khác sử dụng, có quyền truy cập vào dữ liệu của khách hàng của họ. Huawei cũng chỉ là một trong số các nhà cung cấp hệ thống viễn thông cho tòa nhà của AU. Nhưng những thông tin của tờ Le Monde làm bùng nổ những nghi ngờ về Huawei - về khả năng gã khổng lồ công nghệ này chính phủ Trung Quốc gây ảnh hưởng quá mức.

KHẢ ANH (còn nữa)