Báo Công An Đà Nẵng

Hướng dẫn học sinh đăng ký môn thi tự chọn phù hợp với năng lực

Thứ sáu, 21/03/2014 11:44

(Cadn.com.vn) - Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT vẫn chưa có văn bản chính thức “chốt” lại các vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014.

Tuy nhiên, để tránh bị động trong công tác chuẩn bị, sau khi Bộ GD-ĐT công bố 4 môn thi chính thức của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng đã có buổi làm việc với Hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn để triển khai một số công việc nhằm “đón đầu” cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới...

ĐĂNG KÝ MÔN THI PHÙ HỢP VỚI LỰC HỌC

Trên cơ sở thống nhất chủ trương chung của Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các trường THPT triển khai công tác tư vấn, hướng dẫn cho HS lớp 12 nên đăng ký các môn thi tự chọn theo nguyện vọng, phù hợp với năng lực học tập của từng em gắn với các môn mà các em sẽ ĐKDT vào các trường ĐH, CĐ, tránh ép HS đăng ký các môn thi tự chọn theo ý chủ quan của nhà trường cũng như tránh việc đăng ký theo số đông, theo phong trào.

Theo đó, trong thời gian này, các trường THPT tiến hành công tác thăm dò nguyện vọng của HS. Sau khi có văn bản hướng dẫn chính thức từ Bộ, các trường sẽ “chốt” lại việc đăng ký các môn thi tự chọn gửi số liệu thống kê chính thức về Sở…

Đồng thời, tùy theo điều kiện của từng trường để linh hoạt trong việc tổ chức ôn tập cho HS theo hướng như sau: Đối với 2 môn thi bắt buộc là Văn, Toán, ôn tập như mọi năm. Riêng đối với các môn thi tự chọn, sẽ không ôn tập theo lớp mà phân theo nhóm, theo môn. Đặc biệt, GVCN và các GV bộ môn phải thường xuyên bám sát, cập nhật những đổi mới của Bộ GD-ĐT cũng như  chuẩn kiến thức để tổ chức hướng dẫn cho HS ôn tập đúng kế hoạch.

Bên cạnh đó, Sở GD-ĐT TP cũng đã chỉ đạo các trường THPT, không vì việc ôn thi tốt nghiệp mà cắt xén chương trình học… Ông Lê Trung Chinh–Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết: “Qua thăm dò nguyện vọng của HS, được biết, các môn thi tự chọn thuộc khối A như Lý, Hóa chiếm ưu thế nhiều hơn so với các môn thi thuộc khối C: Sử, Địa.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ mới là bước thăm dò. Để tránh tư tưởng lơ là các môn học không có trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, Sở cũng đã chỉ đạo cho các trường không được cắt xén chương trình, phải dạy xong hết chương trình 12. Tùy theo tình hình của mỗi trường mà có cách tổ chức ôn tập các môn thi tự chọn cho phù hợp…Đồng thời đề nghị các trường phối hợp cùng cha mẹ HS trong việc tư vấn, hướng dẫn các môn thi tự chọn cũng như ôn tập ở nhà cho các em...”.

Qua tìm hiểu, được biết, phần lớn các trường THPT trên địa bàn TPĐN cũng đã có kế hoạch riêng của mình nhằm đảm bảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm diễn ra suôn sẻ mà vẫn đảm bảo việc dạy hết chương trình chung của lớp 12.

Cô Lê Thị Tuyết Hồng-Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền- cho biết: “Để tránh hiện tượng HS lơ là, bỏ học các môn không có trong kỳ thi tốt nghiệp năm nay, hiện nhà trường vẫn chưa tiến hành cho HS đăng ký môn thi tự chọn mà chỉ lấy ý kiến thăm dò. Tuy nhiên, ngay từ đầu HKII, nhà trường cũng đã tiến hành cho học tăng giờ đối với 5 môn: Toán, Văn, Lý, Hóa và Ngoại ngữ. Đối với những môn như GD Công dân, CNTT…, thì cho học tăng giờ ở HKI, nhằm tạo điều kiện HKII tăng giờ cho 5 môn học kể trên. Nhà trường cũng đã tiến hành họp GVCN để quán triệt việc tư vấn, hướng dẫn HS đăng ký môn thi tự chọn phù hợp với năng lực học tập, phục vụ cho việc thi ĐH, CĐ sau đó. Đồng thời tổ chức gặp mặt toàn bộ HS lớp 12 để phổ biến, cập nhật cho em các thông tin liên quan đến việc đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phân tích cho các em biết mặt được, mặt chưa được của các môn thi trắc nghiệm, cung cấp cho các em số liệu thống kê điểm thi tốt nghiệp các môn của các anh chị lớp trước...”.

Cũng theo cô Tuyết Hồng, việc Bộ GD-ĐT chưa “chốt” lại các vấn đề liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng không có gì lạ. Bởi tính đến thời điểm này vẫn chưa kết thúc chương trình học của lớp 12.

Có lẽ, đây là mục đích của Bộ nhằm tránh hiện tượng “chạy” theo các môn thi tốt nghiệp mà bỏ bê hoặc cắt xén chương trình. Tuy nhiên, cũng có một số trường cho rằng, việc tổ chức ôn tập cho HS sẽ gặp không ít khó khăn do các môn thi tự chọn không ôn theo lớp mà ôn theo nhóm môn, nên dễ gây xáo trộn, khó quản lý HS nếu không có kế hoạch cụ thể, chi tiết và khoa học…

Các TS sau khi kết thúc môn thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

TRÁNH HIỆN TƯỢNG “CẤY”, “ĐẨY” ĐIỂM

Năm 2014 là năm đầu tiên, việc xét tốt nghiệp THPT dựa trên hai tiêu chí: điểm thi tốt nghiệp và kết quả học tập của HS. Đồng thời, sẽ có một số trường ĐH, CĐ  tuyển sinh riêng dựa trên kết quả học tập của các em. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng tiêu cực trong việc “chạy điểm” dẫn đến “cấy điểm”, “đẩy điểm” cho HS năm cuối cấp nếu như ngành GD-ĐT, đơn vị trường cũng như GVCN, GV bộ môn vì “chạy” theo thành tích, không chú ý đến chất lượng đào tạo.

Để tránh xảy ra hiện tượng tiêu cực này, Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Trung Chinh cho biết, bên cạnh việc lập đoàn kiểm tra về các trường để kiểm tra tính chính xác, hợp lệ của điểm số, ngành cũng đã có chủ trương cho các trường kiểm tra chéo với nhau và ngay trong  nội bộ của từng trường cũng tổ chức kiểm tra chéo giữa lớp này với lớp kia, giữa bộ môn này với bộ môn khác…

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Phan Văn Tánh- Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám-cho hay: “Không biết với các trường khác thì như thế nào, nhưng trường chúng tôi thì quán triệt quan điểm, không được “nâng” điểm, “đẩy” điểm, “cấy” điểm cho HS. Tuy nhiên, phải tạo điều kiện, cơ hội để HS phát huy ý thức học tập để cải thiện điểm số. Cụ thể ở đây là đối với các em có điểm kiểm tra không cao thì khuyến khích các em tích cực học bài, ôn bài cũ để được dò bài cộng điểm...Đây chính là cách để tạo động lực cho các em có ý thức hơn trong việc học tập...”.

Cũng đồng quan điểm đó, Hiệu trưởng Trường Nguyễn Hiền cho biết, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã đưa tiêu chí khống chế tỉ lệ yếu kém của HS vào trong thi đua của từng GV, mục đích không phải chạy theo thành tích mà để trên cơ sở đó, mỗi GV phải có ý thức hơn nữa trong việc đầu tư vào chất lượng bài giảng nhằm thu hút HS thích thú với môn học của mình, tự giác hơn trong học tập.

Hiệu trưởng Lê Thị Tuyết Hồng nói: “HS có thích học môn học đó hay không là phụ thuộc vào cách giảng dạy của từng GV. Theo đó, nếu GV nào dạy tốt, dạy hay, thì bất kể đó là môn học gì, các em cũng đều có hứng thú học. Ở trường chúng tôi, GV rất có ý thức trong vấn đề này. Họ quan điểm, nếu mình “cấy”, “nâng” điểm cho HS thì các em sẽ coi thường mình, coi thường môn học mình dạy nên họ rất thẳng tay trong việc đánh giá, xếp loại cả về học lực lẫn hạnh kiểm. Tuy nhiên, họ cũng có sự thay đổi trong cách đánh giá, tạo điều kiện cho HS tích cực hơn trong học tập bằng cách khuyến khích các em xung phong phát biểu, xung phong kiểm tra bài cũ…để được cộng điểm”…

Được biết, một trong những vấn đề được ngành GD-ĐT TP đặc biệt quan tâm, chú trọng trong công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014 là  khâu thống kê, kiểm dò số lượng HS đăng ký các môn thi tự chọn sao cho khoa học, tránh để xảy ra sai sót…

P.Thủy