Hướng dẫn lựa chọn điều khoản trọng tài để giải quyết tranh chấp
Phương thức này có quá trình hình thành và phát triển qua nhiều thế kỷ và phát triển mạnh ở các nước phương Tây, và đến nay đã tạo một cộng đồng rộng lớn với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của Công ước về Công nhận và Thi hành các quyết định trọng tài nước ngoài của Liên hợp quốc, được gọi tắt là Công ước New York 1958. Phán quyết trọng tài được các thành viên thuộc Công ước New York 1958 công nhận và thực thi, điều mà các bản án của tòa án Việt Nam không dễ làm được.
Các quốc gia khu vực Châu Á đã hình thành các tổ chức trọng tài mang tầm quốc tế như: Hiệp hội Trọng tài Nhật Bản, Trọng tài thuộc Phòng Thương mại Thái Lan, Trung tâm Trọng tài quốc tế Hồng Kông, Trung tâm Trọng tài Kualalumpur (Malaysia), Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, v.v… Việt Nam đã ban hành Luật TTTM năm 2010 và nhiều văn bản hướng dẫn đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của trọng tài, tạo sự hoà nhập với xu hướng phát triển chung của thế giới. Hiện nay, cả nước có khoảng 30 trung tâm TTTM, chủ yếu là ở 2 trung tâm kinh tế, tài chính lớn là TPHCM và Hà Nội, trong đó Trung tâm TTTM Miền Trung (MCAC) mới thành lập và đi vào hoạt động, góp phần đẩy mạnh phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại khu vực miền Trung Việt Nam.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật TTTM năm 2010 thì “tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài”. Như vậy thỏa thuận trọng tài là điều kiện để các bên trao quyền cho trọng tài giải quyết tranh chấp hợp đồng của mình. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Điều khoản trọng tài không bao giờ có khuôn mẫu thống nhất cho mọi công ty, tập đoàn với sự khác biệt về mô hình, quy mô, phạm vi hoạt động… Nên việc xây dựng điều khoản trọng tài đảm bảo được tính luật định và thoả thuận phù hợp với đặc thù của mỗi loại hình doanh nghiệp là rất quan trọng.
Hơn nữa, việc xây dựng điều khoản trọng tài là vấn đề quan trọng để tránh những hậu quả bất lợi khi tranh chấp phát sinh trong tương lai, đây thực sự là kỹ năng của các nhà tư vấn, luật sư, pháp chế nội bộ doanh nghiệp… bởi “những điều khoản này thường là “điều khoản lúc nửa đêm”, do thường là điều khoản cuối cùng được cân nhắc đến trong quá trình thương thảo hợp đồng, nên thường không được các bên suy nghĩ đầy đủ, dẫn đến những thỏa thuận không thỏa đáng và khó thực hiện (lựa chọn sai luật nội dung hoặc về địa điểm trọng tài...). Vì thế, chuyên mục kỳ này đưa ra một số vấn đề pháp lý liên quan và ví dụ minh hoạ để mọi người căn nhắc, rồi từ đó có một điều khoản trọng tài tương đối thỏa đáng nhất, phù hợp với đặc điểm của tổ chức mình cũng như đối tác ký kết hợp đồng.
Căn cứ theo quy định của pháp luật TTTM thì có 3 kiểu mà các bên có thể lựa chọn để xây dựng điều khoản trọng tài:
1. Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể để giải quyết tranh chấp.
2. Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể.
3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp.
1. Điều khoản trọng tài xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể giải quyết tranh chấp:
Đây là lựa chọn phổ biến và được các trung tâm trọng tài khuyến nghị trong điều khoản trọng tài mẫu của mình, ví dụ như: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài tại Trung tâm TTTM Miền Trung theo Quy tắc tố tụng trọng tài của Trung tâm này”. Đây là kiểu lựa chọn thuận lợi và hiệu quả nhất cho các bên trong hợp đồng, bởi khi đã xác định được tổ chức trọng tài cụ thể mà khi phát sinh tranh chấp thì bên khởi kiện có quyền gửi đơn kiện đến trung tâm trọng tài đã chọn mà không cần phải thoả thuận lại hay cần sự đồng ý của bị đơn.
Tuy nhiên việc xác định tổ chức trọng tài để giải quyết mà các bên đôi khi chưa có sự xem xét nghiêm túc đến điều kiện khoảng cách từ doanh nghiệp mình đến nơi tổ chức trọng tài giải quyết tranh chấp thì sẽ đối diện nhiều khó khăn khi tranh chấp phát sinh thực tế. Những vấn đề phát sinh liên quan cho tình huống ấy về chi phí, thời gian, di chuyển... của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp là khó tránh khỏi và khó tính được bằng tiền. Điều này thì quả là chẳng bên nào muốn cả. Những vấn đề ấy còn ảnh hưởng lớn đến quá trình thi hành phán quyết trọng tài, yêu cầu thi hành án… nếu ví dụ một bên yêu cầu có trụ sở ở TP Đà Nẵng mà quá trình giải quyết tranh chấp tại TPHCM.
2. Điều khoản trọng tài không xác định đích danh tổ chức trọng tài cụ thể:
Theo như hướng này thì nội dung thỏa thuận trọng tài thể hiện trong điều khoản trọng tài như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài”. Đây chính là điều khoản trọng tài mở, các bên chỉ xác định phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài mà chưa vội lựa chọn tổ chức trọng tài cụ thể. Bởi ngay trong điều khoản hợp đồng xác định tổ chức trọng tài ngay từ đầu và những vấn đề khác trong thỏa thuận trọng tài nếu không có sự tìm hiểu, chuẩn bị sẽ tiềm ẩn nhiều bất lợi trong tương lai đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn, đối tác có trụ sở khắp cả nước. Cố định một trung tâm trọng tài giữa khoảng 30 trung tâm TTTM với phần lớn trụ sở ở 2 TP lớn và hệ thống đối tác rộng lớn trong một điều khoản trọng tài khuôn mẫu quả là sự lựa chọn không dễ và đôi khi lại là sự trói buộc cho chính các công ty, tập đoàn thương mại.
Tuy nhiên, khi phát sinh tranh chấp các bên phải thỏa thuận lại về việc chọn tổ chức trọng tài cụ thể. Trường hợp không thoả thuận được tổ chức trọng tài cụ thể thì nguyên đơn có quyền chọn một trung tâm trọng tài cụ thể để đề nghị giải quyết. Việc thỏa thuận lại là bắt buộc, nhưng nguyên đơn cũng không cần phải có sự đồng ý của bị đơn mới được đưa vụ kiện ra giải quyết bằng trọng tài.
3. Điều khoản giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài, vừa chọn toà án để giải quyết vụ tranh chấp:
Không ít tổ chức, cá nhân muốn xây dựng một điều khoản trọng tài mà không muốn định danh tổ chức trọng tài cụ thể, và cũng không muốn chỉ khoanh vùng trong phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, mà họ muốn xây dựng điều khoản giải quyết tranh chấp mà có thể đưa vụ tranh chấp ra trọng tài hoặc tòa án khi phát sinh, tuỳ theo điều kiện thực tế. Theo như hướng này thì phần nội dung thỏa thuận thể hiện trong điều khoản giải quyết tranh chấp thể hiện như sau: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hoặc liên quan đến hợp đồng này sẽ được giải quyết bằng trọng tài hoặc tòa án theo quy định của pháp luật”. Như vậy, khi phát sinh tranh chấp thực tế, bên khởi kiện căn cứ vào điều kiện thuận lợi mà có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tại hoặc tòa án để gửi đơn kiện. Nếu bên khởi kiện đã yêu cầu trọng tài để giải quyết tranh chấp thì tòa án sẽ từ chối thụ lý, giải quyết.
Thoả thuận giải quyết tranh chấp vừa chọn trọng tài vừa chọn tòa án phù hợp đối với các tổ chức mà trong quan hệ giao dịch của có liên quan đến đến nhiều bên, như các tổ chức tài chính, ngân hàng, bất động sản… Bởi với thoả thuận “nước đôi” trên thì việc thỏa thuận trọng tài không làm mất đi quyền khởi kiện ra tòa án của các bên trong tranh chấp, và sẽ tạo thêm cho nhiều doanh nghiệp, tổ chức tài chính, ngân hàng (xưa nay thường chọn tòa án) một cơ hội để có quyền lựa chọn việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trong những trường hợp mà họ xác định việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ thuận lợi hơn.
Tóm lại, thỏa thuận trọng tài là điều kiện để một tranh chấp được giải quyết bằng trọng tài, là nội dung bắt buộc trong điều khoản trọng tài, nhưng cuộc sống thực tế vốn dĩ đa dạng, các tổ chức doanh nghiệp với nhiều loại hình, quy mô, nhiều bên trong mối quan hệ hợp tác... nên thỏa thuận trọng tài trong điều khoản trọng tài cũng tồn tại dưới nhiều cách khác nhau. Chuyên mục kỳ này đưa ra các kiểu mẫu như đã trình bày trên hy vọng sẽ gợi ý cho mỗi tổ chức, cá nhân với đặc điểm, đặc thù của mình để lựa chọn điều khoản trọng tài phù hợp nhất.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425