Báo Công An Đà Nẵng

Hướng đến một "Huế- Kinh đô Áo dài"

Thứ hai, 22/06/2020 18:00

Ngày hội Áo dài Huế không chỉ là điểm nhấn cho Festival Huế 2020 diễn ra vào cuối tháng 8-2020, mà sẽ còn là chuỗi sự kiện xuyên suốt tại các kỳ lễ hội thường niên của tỉnh TT-Huế nói chung.

Lễ hội áo dài tại Festival Huế.

Điểm nhấn của Festival Huế

Thay vì chương trình Lễ hội Áo dài như mọi kỳ Festival trước, thì Festival Huế 2020 năm nay, UBND tỉnh TT-Huế sẽ đồng thời tổ chức nhiều hoạt động xuyên suốt được xây dựng từ đề án Ngày hội Áo dài Huế vừa được Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế phê duyệt. Ngày hội Áo dài Huế gồm 4 chuỗi sự kiện chính: Tri ân tiền nhân, Áo dài và di sản nghệ thuật, Áo dài nghệ thuật và Áo dài cộng đồng. Trong đó, chương trình Tri ân tiền nhân chúa Nguyễn Phúc Khoát và vua Minh Mạng, nhằm ghi nhớ người đã xây dựng và cải tổ triều phục, cải cách trang phục dân gian Đàng Trong, từ đó hình thành và phát huy giá trị Áo dài Việt. Chương trình Áo dài và di sản sẽ trình diễn các bộ sưu tập thời trang áo dài kết hợp những tiết mục ca nhạc, múa, hát tại di sản Huế; cùng với các yếu tố kiến trúc cảnh quan qua sự sắp đặt hoa, cây xanh; sắp đặt đuốc lửa, lồng đen tạo hiệu ứng ban đêm, tạo nên không gian nghệ thuật lung linh huyền ảo, tôn vinh vẻ đẹp áo dài và di sản Huế. Phần Áo dài nghệ thuật sẽ là hoạt động "đinh", với 3 chương trình trình diễn các bộ sưu tập thời trang với chủ đề Ký ức trường xưa, Vọng kinh kỳ và Huế luôn luôn mới. Các chương trình trình diễn nghệ thuật Áo dài được xây dựng kịch bản và tổ chức chuyên nghiệp, hướng đến mục tiêu nâng tầm thương hiệu Áo dài Huế, trở thành dịch vụ văn hóa du lịch đặc sắc...

Đối với chương trình Áo dài cộng đồng nhằm lan tỏa nét đẹp của Áo dài truyền thống trong đời sống cộng đồng dân cư địa phương. Ngoài việc phát động người dân tham gia mặc áo dài trong thời gian diễn ra Festival Huế 2020, UBND tỉnh TT-Huế và các sở, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn sẽ tổ chức nhiều chương trình cộng đồng như: Áo dài phụ nữ Huế, Áo dài học đường, Áo dài trong sinh hoạt đời thường, Áo dài trong lễ hội truyền thống và Áo dài trong lễ nghi gia tộc. "Chúng tôi sẽ đưa Ngày hội Áo dài Huế trở thành một hoạt động thường niên trong 4 mùa lễ hội của địa phương, chứ không chỉ tại Festival Huế 2020. Hình ảnh áo dài sẽ xuất hiện thường xuyên trong môi trường học đường, công sở và cả đời thường chứ không chỉ trong các dịp lễ. Từ đó, khơi dậy các giá trị văn hóa truyền thống qua trang phục Áo dài Huế, khẳng định thương hiệu của Áo dài Việt Nam trên thế giới", ông Phan Thanh Hải- Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế cho biết.

Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa

Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế từng phát động nhiều chương trình để lan tỏa nét đẹp văn hóa Huế qua trang phục áo dài truyền thống. Đó là thư ngỏ vận động cán bộ công sở, giáo viên, học sinh sinh viên trên toàn tỉnh cùng mặc áo dài ít nhất 2 ngày/tuần; miễn phí vé tham quan di sản Huế đối với phụ nữ mặc áo dài truyền thống nhất ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 và ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10...  Ông Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh: Áo dài truyền thống đã được phụ nữ Huế sử dụng như một trang phục thường xuyên, tôn lên vẻ đẹp riêng có của người con gái Huế. Những kỳ Festival Huế với sự kiện Lễ hội Áo dài đã "đánh thức" vẻ đẹp kiêu sa, đài các của phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung. Do đó, đề án Ngày hội Áo dài Huế nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Huế, là nội dung quan trọng của Festival Huế 2020 và cũng là cơ sở để tiến tới xây dựng đề án Huế- Kinh đô Áo dài.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế, việc tổ chức Ngày hội Áo dài Huế sắp tới phải hội tụ được những nhà thiết kế, nhà tạo mẫu, may mặc áo dài nổi tiếng trong nước; phải tôn vinh và nâng cao thương hiệu Áo dài nghệ thuật, Áo dài Việt Nam với không gian tự nhiên của Huế... Làm sao để khi nói đến may đo Áo dài thì người dân, du khách nghĩ ngay đến Huế; và đến Huế để may Áo dài. Huế là vùng đất hiện còn giữ lại những giá trị đặc trưng nhất của áo dài truyền thống, không bị các trào lưu cách tân, chạy theo thị hiếu hiện đại. "Việc tỉnh TT-Huế có chủ trương cho ngành văn hóa xây dựng đề án Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam sẽ là cơ hội để các nhà thiết kế Huế "cất cánh"; cũng như là tiền đề để mời gọi, hội tụ các nhà thiết kế giỏi và yêu Huế trở về Huế để phát triển. Chúng tôi hy vọng rằng, nếu làm tốt đề án Ngày hội Áo dài Huế và hướng đến xây dựng Huế- Kinh đô áo dài Việt Nam thì vị thế, thương hiệu của Áo dài Huế sẽ được khẳng định", Giám đốc Sở VH-TT tỉnh TT-Huế Phan Thanh Hải chia sẻ.

H.LAN-T.SƠN