Báo Công An Đà Nẵng

Hướng đến xây dựng Nhà nước pháp quyền, khắc phục bất cập trong công tác xét xử

Thứ hai, 01/02/2016 09:50

(Cadn.com.vn) - Bộ luật Tố tụng dân sự (LTTDS) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2016.  Bộ luật (sửa đổi) lần này có những điểm thay đổi quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, đồng thời khắc phục những bất cập trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự hiện nay.  PV Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với luật sư Văn Thành Trung để có thông tin về vấn đề mà bạn đọc đang quan tâm...

Luật sư Văn Thành Trung.

Phóng viên (P.V): Thưa luật sư, Bộ LTTDS  được thông qua có hiệu lực thi hành vào ngày 1-7-2016, xin luật sư cho biết những thay đổi quan trọng của Bộ LTTDS  lần này là gì ?

Luật sư Văn Thành Trung: Điểm thay đổi quan trọng trong Bộ luật là quy định Tòa án (TA) không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Đây là điểm mới quan trọng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền, phù hợp với quy định của Hiến pháp 2013, khắc phục bất cập trong thực tiễn xét xử án dân sự hiện nay. Bên cạnh đó, Bộ luật tiếp tục khẳng định Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan tiến hành tố tụng dân sự (TTDS) và đảm bảo cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong TTDS.

P.V:  Xin ông cho biết cụ thể về những thay đổi này?

Luật sư Văn Thành Trung: Cụ thể, TA không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.  Trong số vụ việc dân sự mới phát sinh có vụ đơn giản, có vụ phức tạp, có yếu tố nước ngoài, do đó quy định nguyên tắc chung như Điều 43 của dự thảo Bộ luật là phù hợp "Thẩm quyền của TA thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 35 đến Điều 41 của Bộ luật này".  Vụ việc sẽ được giao cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết hoặc giao cho Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này.  Việc xác định TA cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 4 của dự thảo Bộ luật căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014 và Bộ LTTDS. Về trách nhiệm, TA bảo đảm quyền được trợ giúp pháp lý của đương sự (Điều 48). TA có trách nhiệm liên hệ với trung tâm trợ giúp pháp lý để giúp đương sự trong trường hợp cần trợ giúp. Thẩm phán có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho  đương sự biết để có quyền yêu cầu trợ giúp theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Nội dung này được thể hiện cụ thể tại khoản 6 Điều 48 của dự thảo Bộ luật.

Về vai trò của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND), theo quy định tại khoản 1 Điều 107 của Hiến pháp năm 2013, VKSND thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của VKSND; nhiệm vụ, quyền hạn khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật được quy định tại Điều 4 và Điều 27 của Luật Tổ chức VKSND năm 2014.  Vì vậy, Bộ luật tiếp tục xác định VKSND là cơ quan tiến hành TTDS như quy định tại Điều 39 của Bộ LTTDS hiện hành và dự thảo Bộ LTTDS (sửa đổi), được thể hiện tại các điều 46, 57 và 58. Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của Luật Tổ chức VKSND, Luật Tổ chức TAND và quy định của Hiến pháp năm 2013, tại Điều 262 của Bộ luật quy định: "Sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, VKSND phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án, việc tuân theo pháp luật của thẩm phán, HĐXX, Thư ký TA và người tham gia TTDS trong khi giải quyết vụ án cho đến trước thời điểm HĐXX nghị án".   Theo đó, việc phát biểu quan điểm của VKSND tại phiên tòa, phiên họp căn cứ vào quyền hạn, nhiệm vụ của VKSND theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức VKSND năm 2014.

Về đảm bảo cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong TTDS, nhằm tránh những lạm dụng trong thực tiễn, Bộ luật quy định về áp dụng tập quán trong giải quyết các vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng.  Theo đó, TA được áp dụng tập quán để giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp các bên không có thỏa thuận và pháp luật không quy định. Tập quán không được trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Bộ luật Dân sự. Bên cạnh đó, Bộ luật đã cụ thể hóa nguyên tắc tranh tụng trong TTDS ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm và tái thẩm.  Theo đó, thể hiện nguyên tắc tranh tụng trong TTDS được thực hiện trong suốt quá trình giải quyết vụ án theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Các chủ thể trong quan hệ TTDS đều có quyền và nghĩa vụ thực hiện hoặc bảo đảm thực hiện tranh tụng.  Việc tranh tụng trong xét xử vụ án rút gọn được thực hiện như đối với vụ án thông thường.

Điều 24 quy định về nguyên tắc chung bảo đảm tranh tụng trong xét xử: TA có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thực hiện quyền tranh tụng, tranh luận trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự có quyền thu thập, giao nộp, cung cấp tài liệu, chứng cứ kể từ khi TA thụ lý vụ án dân sự và nghĩa vụ thông báo cho nhau các tài liệu, chứng cứ đã giao nộp; trình bày, đối đáp, phát biểu quan điểm, lập luận về đánh giá chứng cứ và pháp luật áp dụng để bảo vệ yêu cầu, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc bác bỏ yêu cầu của người khác. Trong quá trình xét xử, mọi tài liệu, chứng cứ phải được xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện, công khai. TA điều hành việc tranh tụng, hỏi những vấn đề chưa rõ và căn cứ vào kết quả tranh tụng để ra bản án, quyết định.

Về thủ tục rút gọn trong TTDS (từ Điều 316 đến 321), quy định những vụ án được lựa chọn để giải quyết theo thủ tục rút gọn phải bảo đảm được điều kiện là vụ án có tình tiết đơn giản, quan hệ pháp luật rõ ràng, đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, đủ cơ sở giải quyết, TA không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài, tài sản tranh chấp ở nước ngoài.

P.V:  Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi này.

Hiền Minh
(thực hiện)