Báo Công An Đà Nẵng

Hướng đi mới cho Làng mộc Kim Bồng

Thứ ba, 03/01/2023 23:54
Làng Mộc Kim Bồng.

Theo dòng lịch sử, làng mộc Kim Bồng trong quá khứ là một làng nghề sầm uất, trên bến dưới thuyền tấp nập giao thương. Làng mộc Kim Bồng được xây dựng từ những năm cuối thế kỷ XV. Ngày nay, khung cảnh đó chỉ còn lại trong ký ức của những nghệ nhân cao tuổi, những vết tích thăng trầm lưu dấu thời hoàng kim. Làng Kim Bồng vẫn còn giữ được nghề mộc và cảnh quan làng nghề mang đậm nét thanh bình. Người dân làng Kim Bồng vẫn bảo tồn được nghề truyền thống và quảng bá rộng rãi tới khách du lịch trong nước và quốc tế.

Đến tham quan nơi đây, du khách được xem nghệ nhân mộc biểu diễn những nét chạm trổ tài hoa đã thổi hồn cho tác phẩm thêm phần sống động, hoặc tự tay lựa chọn những món hàng lưu niệm sản phẩm làng nghề. Mỗi ngày, những âm thanh tiếng đục đẽo của những người làm nghề mộc truyền thống đã trở nên một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân bao đời nơi đây. Làng hiện có hơn 1.000 hộ dân, phần lớn sinh sống bằng nghề chạm khắc gỗ, đóng đồ gỗ dân dụng, làm nhà; đan chiếu, đan thúng chai, tráng bánh, làm lồng đèn... Tại Làng Kim Bồng hiện còn các ngôi đình, nhà thờ và khoảng 10 ngôi nhà cổ còn lưu giữ, thể hiện được nét tinh hoa của nghề mộc xưa. Làng nghề mộc Kim Bồng còn được bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và tiếp tục sản xuất nhưng thực tế vẫn nằm trong tình trạng hoạt động cung cấp sản phẩm trong phạm vi địa phương, chưa khai thác phát huy hết được những tiềm năng vốn có của làng nghề....

Vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam vừa có công văn số 8279 gửi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về việc đề xuất mô hình thí điểm thuộc Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại Làng mộc Kim Bồng. Căn cứ mục tiêu, yêu cầu xây dựng mô hình của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên triển khai tại Làng mộc Kim Bồng và vùng phụ cận, thời gian thực hiện từ năm 2023-2025.

Sản phẩm mộc Kim Bồng.

Dự kiến kinh phí triển khai mô hình là 5 tỉ đồng, trong đó đề xuất hỗ trợ từ Ngân sách Nhà nước 4 tỉ đồng, số còn lại sẽ huy động từ tổ chức kinh tế, cộng đồng...

Mô hình khi đi vào triển khai, dự kiến tạo thu nhập cho khoảng 100 hộ dân tại khu vực; mỗi năm thu hút khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch ước đạt 2 tỷ đồng. Mô hình thực hiện từ năm 2023 đến 2025 tại làng mộc Kim Bồng và vùng phụ cận hướng đến mục tiêu cải thiện sinh kế người dân thông qua phát triển du lịch nông thôn bền vững dựa trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa truyền thống và tài nguyên thiên nhiên. Qua đó góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương; bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và tài nguyên thiên nhiên. Việc triển khai phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đối với tỉnh Quảng Nam là hết sức cần thiết, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng về du lịch cộng đồng sẵn có của các địa phương, đặc biệt là những nơi có tiềm năng về du lịch nông nghiệp, nông thôn, miền núi, làng quê, làng nghề, tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia trực tiếp vào quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi từ hoạt động du lịch cộng đồng, góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, chất lượng và bền vững. Vì vậy, Làng mộc Kim Bồng là làng nghề thủ công được “ưu tiên” đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Về sản phẩm du lịch, làng mộc Kim Bồng đang được chính quyền địa phương quan tâm đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề như: trải nghiệm làng nghề mộc và các nghề khác như làm chiếu, tráng bánh, lồng đèn, đan thúng, nấu rượu; thưởng thức ẩm thực đặc trưng như cao lầu, mì Quảng. Đồng thời qua đó các nghệ nhân tiếp tục phát huy được tiềm năng trong phát triển các sản phẩm OCOP, các sản phẩm điêu khắc làm quà tặng lưu niệm du lịch.

Với những tiềm năng, lợi thế của Làng mộc Kim Bồng, việc xây dựng mô hình thí điểm thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới là phù hợp với định hướng, mục tiêu và yêu cầu của chương trình nhằm liên kết điểm đến, hình thành các tour du lịch gắn với sản xuất nông nghiệp, làng nghề, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, phục hồi phát triển du lịch. Hy vọng trong thời gian đến, Làng nghề mộc Kim Bồng tiếp tục được bảo tồn, lưu truyền kỹ thuật và tiếp tục lan tỏa truyền nghề từ thế hệ này sang thế hệ khác. Trong từng nét chạm khắc tinh hoa ấy vẫn chứa đựng biết bao nhiêu giọt mồ hôi, sự nhẫn nại và lòng yêu nghề của các nghệ nhân. Để tạo ra sản phẩm độc đáo. Cộng đồng cư dân vẫn tiếp tục vun vén những nét đẹp bình dị của làng quê Kim Bồng thanh bình, sẽ là điểm đến thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm những giá trị văn hóa riêng có độc đáo nơi đây...

Quyên Quyên