Hướng đi mới trong chăn nuôi của nông dân Hòa Vang
Ở Hòa Sơn, Hòa Vang, nói về mô hình nuôi chồn hương phải kể đến anh Phan Thanh Việt trú thôn Phú Hạ. Anh Việt hiện là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) nuôi cầy vòi hương và Kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hòa Sơn.
Anh Việt chia sẻ, anh biết đến mô hình nuôi chồn hương từ một kênh thông tin chuyên làm phóng sự về những người nông dân vươn lên lập nghiệp, khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Năm 2021, từ TP Hồ Chí Minh trở về quê nhà do dịch bệnh COVID-19, anh Việt bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin về loài chồn hương. Nhận thấy khả năng phát triển kinh tế từ loài vật nuôi này nên anh đã quyết tâm đầu tư để triển khai thực hiện mô hình nuôi chồn hương trên mảnh đất quê hương mình. Năm 2021, sau khi được cơ quan chức năng cấp phép cùng với sự hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện Hòa Vang và Quỹ hỗ trợ nông dân TP Đà Nẵng, anh đầu tư hơn 200 triệu đồng để xây dựng chuồng trại và mua con giống về thả nuôi. Thời gian đầu, khi mới bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Việt gặp không ít khó khăn do thiếu kinh nghiệm dẫn đến chồn hương không sinh sản, chậm lớn, hơn nữa kiến thức, kỹ thuật nuôi chồn hương hầu như chưa có gì. Nhưng thất bại không làm anh nản chí, anh mày mò nghiên cứu kiến thức từ sách vở, Internet..., rồi rà soát lại quy trình nuôi của mình để thay đổi cách nuôi cho phù hợp…
Cũng là hộ thực hiện thí điểm thành công mô hình nuôi chồn hương tại xã Hòa Sơn, chị Lê Thị Nguyệt cho biết, nuôi chồn hương không tốn nhiều thời gian chăm sóc như các con vật khác, mỗi ngày người nuôi chỉ dành khoảng hơn 1 giờ đồng hồ để cho ăn và vệ sinh chuồng trại. Thức ăn cho chồn chủ yếu là chuối chín và cháo nấu với cá tạp, đây là những loại thức ăn khá dễ mua mà giá thành lại rẻ. Một con chồn nuôi thuần dưỡng có thể đẻ 2 - 3 lứa/năm, mỗi lứa từ 1 đến 6 con. Chồn con nuôi 3 - 4 tháng là có thể xuất bán giống, sau 12 tháng có thể bán chồn sinh sản. Theo tính toán của anh Việt, chị Nguyệt, 1 con chồn hương nuôi trong vòng 5 tháng chi phí khoảng 300 nghìn đồng tiền thức ăn, đạt trọng lượng từ 3 đến 5kg, được bán với giá từ 1,2 đến 1,5 triệu đồng/kg. Chồn sinh sản đạt trọng lượng 4 - 5kg/con bán với giá 8 đến 12 triệu đồng/con. Nếu có vốn, tập trung nuôi từ 50 đến 60 con có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Để thực hiện hiệu quả của mô hình, bên cạnh hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi, việc đảm bảo môi trường xanh, sạch cho chồn sinh trưởng là điều đặc biệt quan trọng. Cụ thể, trong quá trình chăm sóc, chuồng trại nuôi chồn phải được dọn sạch sẽ, thường xuyên khử khuẩn, các loại chất thải được thu gom xử lý đúng cách, tuyệt đối giảm thiểu ô nhiễm môi trường…
Từ thực tế chăn nuôi của gia đình anh Việt cũng như chị Nguyệt có thể thấy, nuôi chồn hương là mô hình chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, không đòi hỏi diện tích đất sản xuất lớn. Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi và chăm sóc chồn hương đơn giản, không phải tốn nhiều công sức, nguồn thức ăn rất dễ tìm và giá rẻ. Hiện nay toàn xã Hòa Sơn có hơn 20 hộ gia đình đang nuôi thử nghiệm mô hình nuôi chồn hương này với tổng đàn lên đến hơn 2.000 con với đủ loại từ chồn giống cho đến chồn thương phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn cho biết, Hội Nông dân xã Hòa Sơn đã thành lập HTX nuôi cầy vòi hương và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp với 14 hộ nông dân tham gia, mục tiêu HTX đặt ra là nâng cao số lượng lẫn chất lượng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi sản xuất để cung cấp ra thị trường những sản phẩm tốt nhất, qua đó tạo việc làm kiếm thu nhập cho người nông dân trong HTX. Để thực hiện được mục tiêu, bà con nông dân trong HTX luôn nhận được sự hỗ trợ của chính quyền, ban ngành chức năng, đặc biệt là từ nguồn quỹ hỗ trợ nông dân, nhờ đó bà con nông dân có thể tái đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất.
Có thể thấy, mô hình nuôi chồn hương ở Hòa Sơn bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Đây là mô hình có thể nhân rộng để giúp người dân chuyển đổi phát triển kinh tế, chính vì vậy Hội Nông dân xã, Ngân hàng Chính sách - Xã hội Hòa Vang tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất thấp để hội viên có điều kiện mở rộng quy mô đầu tư chuồng trại, nhu cầu kỹ thuật để chăn nuôi. Bà Nguyễn Thị Vân- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết: Mô hình nuôi chồn hương ở Hòa Sơn bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, hiện nay Hội Nông dân huyện đã tổ chức các lớp tham quan, học tập kinh nghiệm cho các hội viên nông dân tại các địa phương khác trên địa bàn huyện đến để tiếp cận, học tập kỹ thuật về mô hình này, từ đó nhân rộng mô hình này, mở ra hướng đi phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân trên địa bàn huyện.
Hồng Thanh