Báo Công An Đà Nẵng

Hướng người học tự tin, làm chủ bản thân

Thứ tư, 14/11/2018 15:18

Mới đây, tình cờ gặp một số du học sinh về thăm quê hương, tôi hỏi thăm về tình hình học tập, về chương trình, phương pháp giảng dạy ở nước ngoài như thế nào và nhận được câu trả lời thẳng thắn rằng: Nếu không quyết liệt đổi mới chương trình, phương pháp dạy - học, nền giáo dục Việt Nam sẽ khó bắt kịp với các nước tiên tiến trên thế giới. Cũng theo các bạn du học sinh này, so với HS-SV nước ngoài, phần nhiều HS-SV Việt Nam còn khá thụ động, thiếu tự tin, ngại bày tỏ suy nghĩ, chính kiến, thiếu kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm. Nguyên nhân chính xuất phát từ nội dung chương trình, phương pháp dạy- học ở nước ta còn nhiều hạn chế bất cập, nặng lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu tư duy phản biện...

SV ĐH Đà Nẵng năng động, sáng tạo trong các cuộc thi. Ảnh: P.T

Không thể phủ nhận những nỗ lực đổi mới của ngành GD-ĐT Việt Nam thời gian qua, tuy nhiên nhìn nhận trên mặt bằng chung thì sự đổi mới này vẫn chưa thật sự quyết liệt trong mỗi đơn vị, trường học, trong bản thân của mỗi một người thầy lẫn người học. Nhiều giảng viên nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam đều có nhận xét HS-SV cần cù, chịu khó, thông minh, có tinh thần cầu thị nhưng phần nhiều còn thụ động, thiếu các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình,  giải quyết vấn đề…Và đấy cũng là nhận xét của các DN trong quá trình tuyển dụng lao động là SV mới tốt nghiệp. Tại nhiều diễn đàn thảo luận, không ít nhà quản lý, nhà giáo cho rằng, trong khi quy định soạn giảng thay đổi chóng mặt, nhưng nội dung chương trình, SGK mười mấy năm qua không thay đổi, vẫn nặng nề, ôm đồm, hàn lâm, thiếu giáo dục trải nghiệm. Ngành luôn đòi hỏi phải đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng cách kiểm tra, đánh giá lại không theo kịp đổi mới v.v. Chính những nguyên nhân đó đã tạo nên sự chồng chéo, bất cập, gây khó khăn và áp lực lớn đối với người dạy lẫn người học. Mặt khác, việc dạy - học ở nước ta chủ yếu phục vụ thi cử, chưa thật sự chú trọng đến việc xây dựng, hình thành thói quen, ý thức tự giác trong tự học, tự tìm tòi nghiên cứu; chưa khơi nguồn, kích thích khả năng sáng tạo cùng tư duy phản biện cho HS-SV. Trong khi đó, ở các nước tiên tiến trên thế giới, người thầy đóng vai trò của một "tổng đạo diễn" tổ chức, hướng dẫn, khơi nguồn cảm hứng để HS-SV tự tìm hiểu, tiếp cận và lĩnh hội kiến thức. Với cách giảng dạy đó buộc người học không thể thụ động. Với cách dạy đó giúp người học tự tin vào khả năng, năng lực của mình, làm chủ bản thân. 

Còn nhớ, tại buổi nói chuyện với tân SV khóa 2018, PGS.TS Đoàn Quang Vinh- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, ĐHĐN- cho rằng, bước vào môi trường ĐH, cách học sẽ không giống như thời phổ thông. Vì thế, bản thân các tân SV phải làm chủ được bản thân, làm chủ được thời gian, sống độc lập, tự học, tự nghiên cứu. Người thầy chỉ là người hướng dẫn giúp SV tìm tòi, sáng tạo trong quá trình học tập- nghiên cứu; khơi nguồn, phát hiện và phát triển năng lực trong mỗi SV; hướng dẫn cho SV các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, hợp tác, cách giải quyết vấn đề. Đồng thời động viên, kích thích tư duy và khả năng phản biện, mạnh dạn trình bày quan điểm, chính kiến cũng như khả năng thuyết phục người khác về các kế hoạch, ý tưởng của mình. Cũng theo PGST.TS Đoàn Quang Vinh, có tư duy phản biện, có sáng tạo thì xã hội mới phát triển.

Mới đây, trên diễn đàn một tờ báo, TS Phan Quốc Việt cho rằng (đại ý), ở nước ta, người thầy mới chỉ thiên về giảng kiến thức, kiểm soát xem học trò thuộc kiến thức đến đâu..., trong khi đó, người thầy ở các nước phương tây thì luôn quan tâm tìm cách động viên, khích lệ học trò sự tự tin, mạnh dạn nói lên chính kiến của mình. Vì thế, các giờ dạy của họ luôn hướng tới việc khơi nguồn cảm hứng, kích thích người học chủ động, sáng tạo; đồng thời giáo dục, hình thành cho người học ý thức, trách nhiệm với bản thân, với cộng đồng và xã hội. 

Vẫn biết đổi mới giáo dục không thể ngày một ngày hai là có thể đổi mới ngay được. Nhưng đã đổi mới thì phải đổi mới toàn diện, căn bản từ nội dung, chương trình đến phương pháp dạy-học theo hướng tích cực, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại và phải thực sự vì người học. Muốn thế cần sự quyết  tâm và quyết liệt từ trên xuống. Trong đó, chủ thể đóng vai trò quan trọng là người thầy phải làm sao khơi nguồn cảm hứng ham học hỏi, sáng tạo cùng sự tự tin làm chủ bản thân cho HS-SV và ý thức tự giác học tập-nghiên cứu của mỗi người học.

KHÁNH YÊN