Hướng người về nẻo thiện
Như nhiều tỉnh, thành phố đông dân khác, Đà Nẵng cũng đã và đang phải đối mặt với tình trạng số đối tượng vi phạm pháp luật bị truy cứu trách nhiệm hình sự, số người chấp hành xong án phạt tù, số được đặc xá tha tù về địa phương… ngày càng nhiều. Để có biện pháp quản lý giáo dục và tạo điều kiện cho số đối tượng này sớm ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, cả hệ thống chính trị thành phố đã vào cuộc với nhiều cách làm hay, sáng tạo, đặc biệt là tập trung thực hiện tốt Nghị định 80/2011 của Chính phủ. Để rõ hơn về kết quả đạt được, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Lê Quốc Dân- Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Thi hành án hình sự (THAHS) CATP Đà Nẵng.
Đại tá Lê Quốc Dân |
P.V: Xin Đại tá cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định các biện pháp bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố?
Đại tá Lê Quốc Dân: Để công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù được thực hiện có hiệu quả, ngày 16-9-2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2011/NĐ-CP quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Có thể khẳng định, đây là chủ trương thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, và là nét đẹp truyền thống "tương thân, tương ái", bao dung của dân tộc ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa đối với người phạm tội khi họ đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Bên cạnh đó, chính sách này cũng giúp khuyến khích người sắp chấp hành xong hình phạt tù tích cực học tập, lao động cải tạo tốt để được hưởng khoan hồng của Nhà nước, sớm trở về địa phương để phấn đấu, rèn luyện trở thành người có ích cho xã hội, góp phần tích cực phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
P.V: CATP Đà Nẵng đã cụ thể hóa việc thực hiện Nghị định 80 bằng những giải pháp nào và kết quả đạt được ra sao?
Đại tá Lê Quốc Dân: Là lực lượng nòng cốt trong thực thi Nghị định này tại Đà Nẵng, thời gian qua, CATP đã chủ động tham mưu cho UBND TP Đà Nẵng ban hành các chủ trương, chính sách nhằm chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, đơn vị, địa phương trong toàn thành phố tổ chức thực hiện tốt Nghị định 80. Cụ thể, đã tham mưu cho UBND TP ban hành Kế hoạch số 8433 ngày 12-10-2012 phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội, UBND các quận, huyện trên địa bàn thực hiện việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; thường xuyên theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội giúp đỡ vốn sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người chấp hành xong án phạt tù sớm ổn định cuộc sống; tham mưu cho UBND TP tổ chức hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng; phối hợp tốt với các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể, đơn vị, địa phương huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhằm tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tái hòa nhập cộng đồng đối với số người đã chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn thành phố đạt hiệu quả thiết thực...
Từ năm 2011 đến nay TP Đà Nẵng đã tiếp nhận 1.945 người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương. Tất cả các đối tượng này khi đến trình diện tại CA phường, xã đều được cán bộ phụ trách công tác này tiến hành lập hồ sơ quản lý theo đúng quy định, qua đó tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng người để có cách thức tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ và đề xuất các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp. Cũng thời gian này, đã giải quyết cho vay được 351 hộ gia đình có đối tượng chấp hành xong án phạt tù về địa phương với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng, giúp họ có điều kiện tìm kiếm việc làm, có vốn làm ăn ổn định cuộc sống.
P.V: Để thực hiện tốt Nghị định 80 trên địa bàn thành phố, thời gian tới sẽ phải làm gì và làm như thế nào?
Đại tá Lê Quốc Dân: Thời gian tới, để thực hiện tốt Nghị định 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, trước hết cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền đối với công tác này. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, cải tạo phạm nhân; công tác xét giảm án, đặc xá phải được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật; cần thông báo kịp thời danh sách người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương để thực hiện công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ, cảm hóa, tạo công ăn việc làm ổn định... để họ không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Ngoài ra, chú trọng công tác nhân rộng các mô hình, cá nhân điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng; đồng thời nghiên cứu xây dựng các mô hình mới phù hợp với tình hình thực tế từng địa bàn, từng thời điểm và từng nhóm đối tượng cụ thể. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, đánh giá hiệu quả của các mô hình để có giải pháp chỉ đạo phù hợp...
P.V: Xin cảm ơn Đại tá về cuộc trao đổi này!
Doãn Nguyên Hưng
(thực hiện)