Hương quế Trà Bồng
(Cadn.com.vn) - Cùng với 7 đặc sản khác của các vùng miền quê Việt Nam, vào tháng 11-2013 sản phẩm từ cây quế của đồng bào dân tộc thiểu số người Kor ở 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà (Quảng Ngãi) đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh là Kỷ lục Châu Á mới. Đây là niềm vui, và hơn hết là cơ hội vô cùng thuận lợi để những sản phẩm từ loại cây này đến với thị trường thế giới.
Từ bao đời nay, với đồng bào thiểu số người Kor miền núi phía tây bắc Quảng Ngãi, thuộc 2 huyện Trà Bồng và Tây Trà, thì quế vẫn là loại cây trồng chủ lực và là một trong những nguồn thu nhập chủ yếu. Thập kỷ 80-90 của thế kỷ trước được xem là thời “hoàng kim” của cây quế. Nhớ lại khoảng thời gian cây quế “cắm rễ” và phát triển ở vùng đất này, ông Hồ Văn Sin (64 tuổi), ở xã Trà Thủy, H. Trà Bồng vẫn phấn khích: “Gần như gia đình người Kor nào cũng trồng quế. Ít thì vài trăm, còn nhiều lên đến hàng trăm ngàn cây.
Quế được trồng trong vườn nhà, trên nương cao, dọc theo các triền núi, sông suối... Nhìn đâu cũng thấy quế. Vào mùa thu hoạch, hương quế ngào ngạt, thơm lừng theo gió bay đi xa hàng chục ki-lô-mét. Không chỉ có vậy, cùng với chiêng, ché, nồi đồng, quế còn được xem là tiêu chuẩn để đánh giá sự giàu nghèo của các gia đình trong bản làng; giữa vùng này với vùng khác. Và khi dựng vợ gả chồng, thì quế sẽ là một trong những thành phần làm “của hồi môn” không thể thiếu của các bậc cha mẹ dành cho con để làm vốn, tạo kế sinh nhai”.
Tuy nhiên, đến khoảng thời gian những năm 2000, do một số nguyên nhân và trước sự “tấn công” của những loại cây trồng khác, đặc biệt là cây keo, bạch đàn và mì (sắn), diện tích quế bị thu hẹp đáng kể, với con số ước chỉ còn 500-700ha, giảm gấp 2-4 lần so với trước đó. Và giá quế vỏ “rớt” thê thảm xuống chỉ còn từ 20 đến 26 ngàn đồng/kg khô, bằng khoảng 1/3 so với trước. “Mặc dù vậy, không có gia đình nào xóa bỏ hoàn toàn loại cây này. Bởi lẽ họ tin rằng, sẽ có một ngày nào đó quế sẽ được hồi sinh trở lại”, ông Hồ Văn Sin hồ hởi.
Các sản phẩm xuất khẩu được chế tác từ cây quế. |
Và niềm tin của những người trồng quế nơi đây đã trở thành hiện thực. Sau một thời gian dài “lận đận”, từ sự trợ giúp của các cấp ngành tỉnh Quảng Ngãi, ngày 31-8-2010, một sự kiện mang tính bước ngoặt cho cây quế là việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã chính thức công nhận “Nhãn hiệu tập thể quế Trà Bồng – Tây Trà” cho 196 thành viên, trong đó 115 thành viên ở Tây Trà và 81 thành viên ở Trà Bồng. Đây là những hộ sản xuất, kinh doanh mặt hàng quế, được bảo hộ tổng thể gồm: quế và quế sơ chế dùng để làm đồ gia vị; mua bán quế và sơ chế quế, trồng quế... Từ “cú hích” này mà diện tích cây quế đã được người dân khôi phục trở lại và không ngừng tăng lên.
Đến nay, theo thống kê ở huyện miền núi Trà Bồng thì diện tích quế đã gần 2.000ha và Tây Trà hơn 1.000ha. Và việc mua bán từ chỗ duy nhất chỉ là mặt hàng vỏ thô trước đây, thì đến nay, các sản phẩm từ quế đã được chế tác đa dạng và phong phú hơn như làm bình - ly uống nước, hộp đựng tăm... Thị trường tiêu thụ cũng vì thế không còn giới hạn ở trong tỉnh, trong nước, mà các sản phẩm của cây quế đã vươn ra các châu lục Á, Âu..., được các khách hàng quốc tế ưa chuộng.
Vị thế của cây quế một lần nữa được khẳng định khi tháng 11-2013 vừa qua, cùng với 7 đặc sản của các vùng miền quê khác ở Việt Nam, như Bánh đậu xanh Hải Dương, chè Thái Nguyên, sâm Ngọc Linh (Kon Tum), cà-phê Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc), bánh tráng phơi sương Trảng Bàng (Tây Ninh), bánh phồng sữa dừa (Bến Tre) và hạt tiêu Phú Quốc (Kiên Giang)... sản phẩm từ cây quế đã được Tổ chức Kỷ lục Châu Á vinh danh là Kỷ lục Châu Á mới. Nói về sự kiện trọng đại này, ông Nguyễn Xuân Bắc, Chủ tịch UBND H. Trà Bồng không khỏi vui mừng, tâm sự: “Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để khôi phục, phát triển và mở rộng đối với loại cây trồng truyền thống, vốn được xem là một biểu tượng của đất và người nơi đây; qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ trồng quế ở địa phương...”.
Trong tương lai gần, cây quế sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trong đó có lợi ích về kinh tế, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân. Rồi một khi ai đó xa quê hương, họ sẽ không quên về nguồn cội, về miền đất mà họ từng sinh ra, lớn lên cùng cây quế ân tình. Xin mượn lời kết của bài hát mà nhạc sỹ Đào Việt Hưng đã viết để làm câu kết cho bài viết này: “Cất tiếng hát ngợi ca, những con người đất Quảng/ Chắt chiu từng hạt thóc góp công xây đất nước/ Vẫn ngát hương thơm như hương quế!!! hương quế Trà Bồng”...
Doãn Nguyên Hưng