Báo Công An Đà Nẵng

Hương Tết quê Mẹ

Thứ ba, 04/02/2020 17:36

Sinh ra, lớn lên, rồi đi xa nhưng hương Tết quê Mẹ vẫn theo tôi, quấn lấy chân tôi, chiếm trọn tâm trí tôi những khi năm hết Tết đến.

Quê nhà lo Tết.

Trong ký ức tuổi thơ của tôi về quê ngoại là nơi mà mỗi khi Tết đến Mẹ thường dẫn chúng tôi về một dãy nhà ngói xưa, thấp cũ rêu phong, nhìn ra cánh đồng lúa để đốt nhang cho ông bà. Trước nhà là một con đường nhỏ nối nhau từng góc vườn nhà, cách một bờ giậu là nhà cậu tôi, mà mỗi lần về ngoại Mẹ thường dắt anh chị em tôi đến đây và không biết có phải Mẹ tôi lớn lên ở ngôi nhà này, bởi đời mẹ quá truân chuyên, chìm nổi theo dòng đời. Tôi chưa có một dịp hỏi thì cha mẹ đã mãi mãi đi xa, điều đơn giản nhưng thật phi lý này làm tôi day dứt mãi chưa thôi.

Và cứ đến những ngày cuối năm, sự vô tâm ấy lại làm tôi giật mình, lục tìm lại ký ức đã xa như bao người con xa xứ khác. Dẫu biết rằng, mỗi phận người có những khoảng trời riêng cho số phận, người tha phương cầu thực, người làm dâu xứ lạ, người bỏ quê mà đi... Nhưng dù số phận có xô đẩy đến đâu thì cái hương Tết quê Mẹ vẫn nuôi dưỡng tâm hồn và nghị lực để những người con vào đời, vượt qua những ngã rẽ xô bồ của cuộc sống. Nhớ những điều chỉ còn thấp thoáng trong vời vợi của thời gian như căn nhà tranh nho nhỏ của ngoại. Nhớ nỗi nhớ quê của Mẹ trong mùi hương của Tết khi cuộc sống còn quá cơ cực, chiến tranh triền miên, đến khi thong thả đôi chút thì tuổi đã xế chiều, đành lòng ngồi nhớ cố hương.

Nghe kể rằng: Sau cách mạng tháng 8, cha tôi là anh cán bộ nho nhỏ vào Tam Kỳ công tác rồi gặp và nên duyên với cô thôn nữ mồ côi. Theo chồng về Quế Sơn làm dâu năm 18 tuổi, rồi sinh chúng tôi khi đất nước triền miên trong khói lửa. Vào những ngày giỗ Tết, mẹ tôi thường nhắc: “Mấy con về trong kia chưa?”, nhưng dường như nhận ra đường từ Quế Sơn đi Tam Kỳ, lên tận Kỳ Bích vùng núi Phú Ninh là chặng đường gian nan nên sau lời nhắc, mẹ tôi lại phảng phất một nỗi buồn, đưa mắt nhìn về nơi xa xăm.

Hồi còn nhỏ mỗi lần về thăm ngoại, thăm quê ngoại thôi chứ ông bà ngoại qua đời khi mẹ tôi còn rất nhỏ, tuổi thơ của mẹ là những ngày cơ cực lam lũ. Mỗi lần về, Mẹ thường dắt chúng tôi về một căn nhà tranh nho nhỏ, có cái sân gạch và một hồ chứa nước trời, trên góc bàn thờ hương khói đơn sơ, ngôi nhà như cô tịch, quạnh hiu. Mẹ tôi nhìn lên bàn thờ mà ứa nước mắt, Mẹ khấn vái điều gì không rõ nhưng có lẽ bà than thở: Đời con, làm dâu nơi xa, cuộc sống còn quá khó khăn nên cha mẹ rủ lòng thương! Tôi đoán vậy, mà thương lắm phận đời của Mẹ.

Chiến tranh triền miên, hàng chục năm bom rơi đạn nổ cách trở đôi đường. Hòa bình trở lại thì cái đói, cái nghèo lại bủa vây. Cả tuổi thơ chúng tôi lăn lộn với nắng gió ngoài đồng, ngoài sông để kiếm cái ăn, cái mặc. Chỉ có dịp cuối năm, đến ngày Tết, cha mẹ hụp lặn đồng sâu, chạy quanh trong vườn nhà tìm quả cau, nải chuối để cúng ông bà. Mẹ thì góp nhặt cây nhà lá vườn mang ra chợ bán cho bữa Tết được tươm tất... dư dả đôi chút mua nhang đèn cúng ông bà, sắm cho con chiếc áo mới.

Tháng ngày vất vả, côi cút, mẹ vẫn cố cất giấu nỗi lòng ấy cho riêng mình, mà để vui vầy cùng con cháu là vậy. Nhưng chiều ba mươi Tết, thi thoảng bà lại nhắc “Năm nay có đứa mô về trong kia chưa?”, có lẽ đó là những phút giây Mẹ lại nhớ quê, nhớ Tết quê Ngoại, nhớ cái hương của ruột rà trong ngày Tết ở nơi chôn nhau cắt rốn của Mẹ.

Không biết số phận đưa đẩy thế nào, tôi lại bén duyên ở vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, làm rể ở miệt Tiền Giang, có dòng sông Tiền, có vùng cây trái quanh năm tươi tốt. Vùng đất Nam Bộ trù phú, con người hào sảng, nhưng từ khi làm rể ở vùng đất này tôi chưa có dịp ăn Tết mà chỉ thưởng thức được cái không khí những ngày cận Tết. Mà chỉ với không khí những ngày cận Tết thôi cũng đủ thấy người dân nơi đây đón Tết ấm cúng lạ thường, tình làng nghĩa xóm vui vầy.

Hầu hết người Nam Bộ, chủ yếu sống bằng nghề làm ruộng (trồng lúa), nên Tết là dịp để người ta thể hiện cách đối đãi tử tế với những người phụ trợ việc đồng áng trên mảnh đất ruộng của mình. Những người không có đất đai để trồng lúa và chăn nuôi thì chọn việc làm thuê trên phần đất người khác để tìm kế sinh nhai, thế nhưng trả công không chỉ quy thành tiền sòng phẳng mà đong, đếm bằng tình nghĩa. Họ đa số là những người nghèo cho nên tiền công dù hậu hỉ thế nào cũng chẳng đủ lấp vô “nhà trống”! Thế là những cái liếp quanh vườn trồng rau, rạch cá... trở thành “nồi cơm” chung. “Chú hai ơi, bữa nay cho con chài mớ cá kho tiêu ăn nghen”, “thím hai ơi cho con xin mớ rau muống...”, hỏi chỉ là cái lệ, cá chài được bao nhiêu, rau hái được bao nhiêu, họ cứ đem về mà ăn...

So với nhiều vùng miền khác, cái không khí Tết của Nam Bộ có nhiều thú vị hơn. Nhất là khi bắt đầu những cơn gió nhẹ, nắng hanh vàng, mai vàng bắt đầu khoe sắc vàng nơi góc sân nhà, mùi hương Tết bắt đầu tỏa ra khắp thôn xóm: Quết bánh phồng, nướng bánh bông lan, sên mứt sừa, kẹo chuối, kho thịt, nấu bánh tét, rồi làm khô với đủ loại như cá lóc, cá kèo, tôm khô, tôm lụi... tạo nên cái hương Tết ấm áp trong các mái ấm gia đình.

Riêng gia đình vợ, những năm tháng còn trẻ mẹ vợ thường quấn chiếc khăn rằn, bận rộn với những món quà quê để con gái về làm dâu bên chồng. Cái hương Tết của Mẹ vẫn còn theo mãi trong gia đình tôi. Tôi ứa nước mắt khi bà chống chiếc gậy dò bước ra đầu ngõ để dặn dò con gái: Con về miền Trung đón Tết, ra ngoài đó lạnh lắm đó nghen con. Móc trong bọc ra mấy đồng tiền lẻ mẹ dúi vội vào tay con gái: “Lì xì giùm mấy thằng nhóc cho Mẹ nghen, nói tụi nó Ngoại chúc học giỏi và ngoan nghen!”.

Bây giờ mẹ đã già, nhớ trước quên sau, nhưng cái hương Tết quê Mẹ vẫn níu kéo, khắc sâu trong tâm khảm con cháu. Thương mẹ mình mà nghĩ về phận làm dâu của vợ. Chiều cuối năm, không biết vợ tôi có nhớ cái hương Tết quê Mẹ ở tận tít miền Nam hay không, dù đôi lần bắt gặp mắt vợ ngấn lệ quay đi khi có ai đó vô tình hỏi: Tết có về ngoại không? Cảm xúc vậy thôi, nhưng vẫn ấm nồng, không như phận cánh cò của Mẹ ruột tôi, dù cách quê nhà chưa đầy năm mươi cây số, sao mà lênh đênh cả một đời.

Hơn hai mươi năm đi xa, nhìn về quê mà mơ thấy Mẹ tóc bạc phơ, nghe phảng phất cái hương vị Tết quê nhà mà chan chứa bao nỗi niềm. Quê nhà tôi ở ngã ba Hương An, không biết cái ngã ba đường buồn tẻ đó có gì đặc biệt mà người phương xa nào cũng biết. Có chăng là nơi đã chứng kiến bao cuộc hội ngộ, rồi chia ly của những đứa con xa xứ vì cuộc sống mưu sinh. Mỗi lần Tết đi qua, kẻ đi người ở, cảnh đưa tiễn nhau buồn đến nao lòng. Người đi, kẻ ở đều vấn vương cái hương của Tết, của Mẹ mà ra đi trong sụt sùi nước mắt, có người đi biền biệt bao năm dài đằng đẵng, vì không phải ai cũng có điều kiện trở lại quê nhà mỗi năm để đoàn viên trong ngày Tết, nhưng dù đi đâu làm gì họ vẫn sống trọn nghĩa, trọn tình, vẫn giữ tấm lòng thơm thảo với Mẹ và quê hương.

Nhà tôi ở Gò Vấp, cạnh phi trường Tân Sơn Nhất, mỗi buổi sáng tôi thường thức dậy lên trên tầng cao để hít thở khí trời! Những ngày cuối năm, nhìn những chiếc máy bay, bay đi muôn phương tôi cứ dõi nhìn về một phương, đó là quê Mẹ, nơi ấy đang đầy ắp hương Tết, đang thôi thúc tôi tìm về.

MAI PHÚC