Báo Công An Đà Nẵng

Hướng thoát nghèo cho nông dân miền biên viễn

Thứ hai, 02/05/2022 16:56
Hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, đưa người dân huyện Kỳ Sơn thoát nghèo.

Kỳ Sơn (Nghệ An) là huyện biên giới giáp Lào, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào trồng trọt, chăn nuôi. Trước đây, việc chăn nuôi trâu, bò chủ yếu được người dân phát triển ở quy mô nhỏ theo hộ gia đình, nguồn thức ăn dựa vào nguồn cỏ tự nhiên. Người dân chăn nuôi trâu bò chủ yếu tận dụng sức kéo chứ chưa phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, vì vậy quy mô rất hạn chế.

Để giúp người dân thoát nghèo, huyện Kỳ Sơn đã đưa chăn nuôi đại gia súc trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Theo đó, nhiều cơ chế chính sách, đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi hình thức chăn nuôi trâu, bò từ chăn thả tự do sang bán chăn thả cho phù hợp với điều kiện sản xuất. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, nay người dân đã biết đầu tư chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế giúp nhiều bà con thoát nghèo bền vững.

Ông Vừ Nhè Làu, bản Trung Tâm, xã Huổi Tụ, huyện Kỳ Sơn chia sẻ, từ khi nhà nước có lệnh cấm trồng cây thuốc phiện, người dân nơi đây đã chuyển đổi sang nuôi trâu bò và trồng các loại cây khác. Ban đầu việc chăn nuôi cũng hết sức khó khăn vì chưa có kỹ thuật chăm sóc. Sau đó, chúng tôi được chính quyền địa phương quan tâm hơn, công tác thú y cũng đã được hỗ trợ nhiều nên trâu bò ít mắc bệnh hơn.

“Gia đình tôi có hơn 2ha đất đồi đã được áp dụng hình thức chăn nuôi vỗ béo. Sau khi mua con giống khoảng hơn 1 năm tuổi và chăm sóc khoảng một năm thì bắt đầu xuất bán. Bây giờ, gia đình thu lãi từ 80-100 triệu đồng/năm, đủ để trang trải cuộc sống của cả gia đình. Tôi thấy chăn nuôi theo hình thức này đã giúp cuộc sống của bà con ngày càng ổn định hơn, giờ không còn ai trồng cây thuốc phiện nữa”, ông Làu cho biết.

Xã Huổi Tụ, huyện Kỳ Sơn có đến 95% dân số là đồng bào dân tộc Mông, đến nay, toàn xã đã hơn 3.500 con trâu bò, nhiều gia đình vươn lên khá giả nhờ nuôi trâu bò. Do diện tích các khu vực bãi chăn thả trâu bò ngày càng thu hẹp nên người dân đã thay đổi phương thức chăn nuôi. Diện tích đất nương rẫy nhiều nên hầu như bà con đã dành một phần để trồng cỏ voi, bổ sung thức ăn cho gia súc. Chính vì vậy, nguồn thực ăn dự trữ được đảm bảo, không cần phụ thuộc vào nguồn cỏ tự nhiên..

Là hộ gia đình có hình thức chăn nuôi chuồng trại, đến nay, anh Lô Văn Cáng, bản Cù, xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn đã sở hữu đàn gia súc với 10 con bò và 11 con dê. Trước đây, trâu bò chủ yếu thả rông, nguồn thức ăn từ tự nhiên nên về mùa đông trâu bò thường thiếu thức ăn hay mắc bệnh và chết rét. Những năm gần đây nhờ sự tuyên truyền của chính quyền địa phương mà người dân đã thay đổi phương thức sản xuất, chăn nuôi theo kiểu trang trại, bán chăn thả. Ngoài ra, những gia đình không có đất chăn thả thì trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn phục vụ nuôi nhốt, nuôi vỗ béo.

Theo thống kê ngành nông nghiệp, đến nay, tổng đàn trâu bò của huyện Kỳ Sơn đã có hơn 50 nghìn con. Hàng năm, số lượng trâu bò có sự tăng lên đáng kể. Mặc dù vậy, người dân vẫn nuôi theo kiểu tự phát chứ chưa có quy hoạch bài bản việc tiêu thụ trâu bò vẫn phụ thuộc, chưa có liên kết với các cơ sở chế biến.

Xã Huồi Tụ có truyền thống chăn nuôi từ lâu đời, người dân có nhiều kinh nghiệm nên xã đã xác định chăn nuôi đại gia súc là ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền người dân tiêm phòng cho gia súc, không thả rong vào mùa đông và đa dạng hoá các hình thức chăn nuôi, hàng năm từ các nguồn vốn phát triển, địa phương hỗ trợ người dân từ 20-30 con trâu bò.

Theo thông tin từ UBND huyện Kỳ Sơn, bên cạnh việc chăn thả tự do, người dân còn có nhiều hình thức chăn nuôi khác như nuôi nhốt, chăn nuôi vỗ béo rồi xuất bán mang lại hiệu quả kinh tế cao. Huyện Kỳ Sơn xác định chăn nuôi đại gia súc là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn nên đã có nhiều chính sách nhằm hỗ trợ người dân địa phương phát triển đàn gia súc cũng như tìm đầu ra trong tiêu thụ sản phẩm. Hiện huyện đang xúc tiến làm các sản phẩm OCOP như thịt lợn giàng, bò giàng… mang lại giá trị kinh tế cao.

Dương Hóa