Báo Công An Đà Nẵng

Hướng tín ngưỡng vào phát triển du lịch

Thứ bảy, 10/08/2019 12:17

 “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12-2016. Đầu tháng 8-2019, Bảo tàng Văn hóa Huế có Không gian trưng bày chuyên đề “Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế” để giới thiệu cho người dân và du khách những đặc trưng của tín ngưỡng này trên mảnh đất Cố đô Huế.

Hoạt động tín ngưỡng thờ Mẫu tại Huế.

Thừa Thiên - Huế từng là một bộ phận của vương quốc Chămpa, sau được sát nhập vào lãnh thổ Đại Việt, rồi trở thành thủ phủ và kinh đô của ba thế lực phong kiến Việt Nam (Chúa Nguyễn, Tây Sơn và triều Nguyễn). Chính bối cảnh đặc biệt đó đã sản sinh những nét đặc trưng về văn hóa trên mảnh đất này. Vào thuở ban đầu, tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng đất Thừa Thiên Huế suy tôn Thánh Mẫu Thiên Y A Na, nguyên là nữ thần Po Nagar (Nữ Thần Mẹ xứ sở) của người Chăm. Dân gian quen gọi bà chúa Ngọc, bà chúa Xứ, ngắn gọn là Mẫu. Năm Nhâm Tuất 1802, ngay sau khi lên ngôi, vua Gia Long nhà Nguyễn đã tấn phong cho Mẫu danh hiệu “Thiên Y A Na Diễn Ngọc Phi”.

Song hành với đó, Hội Sơn Nam, là những người dân từ Nam Định di cư vào Huế từ thời tiền Nguyễn, đã có một tín ngưỡng đặc trưng là tín ngưỡng thờ Mẫu kết hợp với việc thờ Đạo giáo đã thoái hóa (không thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thái Thượng, Huyền Thiên, Xương Văn, Thái Ất). Hội Sơn Nam là tổ chức đảm trách việc lễ nghi ở Điện Huệ Nam sau khi nhà Nguyễn cáo chung. Trước đó, vào năm 1886, vua Ðồng Khánh cho xây lại điện thờ trên núi Ngọc Trản thuộc địa phận P. Hương Hồ, thị xã Hương Trà ngày nay và đổi tên là “Huệ Nam Điện” để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu Thiên Y A Na đã cho mình làm vua. Vua đã đưa cuộc lễ hằng năm tại đây vào hàng quốc lễ, tự nhận mình là đồ đệ của Thánh Mẫu. Điều này trái với nguyên tắc xưa, khi vua đứng trên các thánh thần trong cả nước. Vào thời nhà Nguyễn, ngoài thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Điện Huệ Nam còn thờ Phật, thờ Thánh Quan Công và hơn 100 đồ đệ của các thánh thần nói trên. Đến năm 1953, Đức Từ Cung, mẹ cựu hoàng Bảo Đại, lúc bấy giờ là Hội trưởng Hội quý tế Điện Huệ Nam, đã đưa Thánh Mẫu Vân Hương (Thánh Mẫu Liễu Hạnh) vào thờ trong Điện Huệ Nam.

Điện Huệ Nam là ngôi điện trang trí mỹ thuật đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ XIX và là 1 trong 16 công trình kiến trúc triều Nguyễn ở Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào tháng 12-1993. Ngôi điện ngoài giá trị phục vụ tín ngưỡng, tâm linh còn là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên – Huế, đã thu hút nhiều khách du lịch đến đây hằng năm. Có lẽ một phần du khách thích thú đến đây là do một giai thoại như sau: Đó là vua Minh Mạng thời nhà Nguyễn trong một lần lên Hương Uyển sơn đã đánh rơi một chén ngọc xuống dòng sông Hương, tưởng không cách gì lấy lại được thì bỗng nhiên một con rùa to bằng chiếc chiếu nổi lên ngậm chén ngọc trả lại cho nhà vua. Hương Uyển sơn sau đó có tên là núi Ngọc Trản (chén ngọc). Bởi vậy, thời vua Minh Mạng, ngôi điện đã được vua ưu ái cho tu sửa và mở rộng vào 3-1832 và hai năm sau đó lại được trùng tu. Điều thú vị là sau giai thoại về việc vua Minh Mạng đánh rơi chén ngọc và được rùa thần trả lại, ngôi điện thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na trên núi Ngọc Trản được dân gian gọi là Điện Hoàn Chén, và thường bị đọc không đúng là Điện Hòn Chén.

Dịp lễ hội Điện Huệ Nam vào tháng 3 và tháng 7 Âm lịch, lượng khách du lịch và các tín đồ tín ngưỡng đến tỉnh Thừa Thiên - Huế rất đông. Từ Tổng hội của những tín đồ theo tín ngưỡng thờ Mẫu (tọa lạc tại đường Chi Lăng, P. Phú Hậu, thành phố Huế), lễ rước Thánh Mẫu xuống những chiếc bằng trên sông Hương là hoạt động đầu tiên. Bằng là hai chíếc đò ghép lại với nhau từ những tấm ván lót nằm ngang, tạo nên một mặt bằng rộng rãi.Trước bằng, người ta treo biển đề tên am, tên phổ, chẳng hạn: Kim Đồng Tiên Nữ, Thiên Thai Thủy Cảnh, Đài Minh Cảnh, Linh Sơn Điện, Linh Dược Điện, Tân Đức Điện, Hoằng Hóa Điện, Sòng Sơn Vọng Từ... Trên đường từ Tổng hội tới Điện Huệ Nam, đoàn rước phải dừng lại ở chùa Thiên Mụ để cúng Thánh Mẫu. Bởi vì theo quan niệm dân gian Thánh Mẫu Thiên Y A Na cũng đã từng giáng ở đây. Đình làng Hải Cát cũng là một địa điểm quan trọng của tín ngưỡng. Địa điểm này nằm ven tả ngạn dòng Hương, cách Điện Huệ Nam chừng 2km về phía thượng nguồn. Vào dịp lễ, đình là nơi thỉnh Thánh Mẫu vào để tiến hành lễ tế, nguyện cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, nhà nhà sung túc. Suốt đêm, trên hàng chục bằng đỗ dài trước bến đình, các đồng cô bóng cậu lên đồng. Đến sáng mai, đoàn lại rước Thánh Mẫu trở về Điện Huệ Nam.

Lễ hội Điện Huệ Nam từng là một hoạt động chính của Chương trình Năm Du lịch Quốc gia Duyên hải Bắc Trung Bộ 2012. Và hằng năm, cứ vào dịp “xuân thu nhị kỳ”, lượng du khách thập phương đến tham quan và hoạt động tín ngưỡng tại lễ hội lên đến hàng ngàn lượt. Trên phương diện cả nước, lễ hội Phủ Dầy (Nam Định), lễ hội Đền Mẫu Đồng Đăng (Lạng Sơn), lễ hội rước Mẫu (Tuyên Quang), lễ hội Đền Lảnh Giang (Hà Nam)... gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu từ lâu đã là những lễ hội thu hút đông đảo khách du lịch và tín đồ tín ngưỡng, là “cú hích” vào nền kinh tế không khói của các địa phương nói trên. Bởi thế, thiết nghĩ, việc đẩy mạnh công tác bảo tồn Điện Huệ Nam cùng các địa điểm liên quan để giữ gìn và phát huy giá trị lễ hội của các tín đồ theo tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế, hướng lễ hội này vào lĩnh vực du lịch tâm linh hằng năm của tỉnh Thừa Thiên - Huế là rất cần thiết.

NGUYỄN VĂN TOÀN