Báo Công An Đà Nẵng

Hướng tới mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030 tại Việt Nam

Thứ hai, 28/11/2016 09:54

(Cadn.com.vn) - “Với bản thân chúng tôi, những người nhiễm HIV, hãy tự vươn lên, đấu tranh với chính mình để chiến thắng bệnh tật, hãy sống tích cực hơn nữa để xã hội nhìn vào chúng ta với ánh mắt khác, để hình ảnh người nhiễm HIV không còn là nỗi lo sợ của nhiều người, để mọi người nhìn nhận rằng người nhiễm HIV vẫn còn có ích cho xã hội chứ không phải là kẻ bỏ đi”..., đó là tâm sự, cũng là thông điệp của chị L.T.L (người bị nhiễm HIV) gửi gắm tại Lễ mít-tinh và diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2016 và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS 1-12 diễn ra tại Đà Nẵng ngày 27-11.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại buổi lễ.

Khoảng 40 triệu người đã tử vong do AIDS

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: Đại dịch HIV/AIDS vẫn đang tiếp tục là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người; ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, TTATXH và tương lai giống nòi của các dân tộc. Cho đến nay, thế giới vẫn còn hơn 36 triệu người nhiễm HIV đang sống và khoảng 40 triệu người đã tử vong do AIDS kể từ đầu vụ dịch.

“Việt Nam là quốc gia có số người nhiễm HIV đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Đến nay, toàn quốc đã có khoảng 230 ngàn trường hợp nhiễm HIV còn sống và tính từ đầu vụ dịch đến nay đã có xấp xỉ 90 ngàn người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Đứng trước thực trạng này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo đó, năm 2016 là năm thứ 9 dịch HIV/AIDS giảm cả 3 tiêu chí (số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS). Việt Nam đã triển khai toàn diện, có hiệu quả các dịch vụ can thiệp về dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều mô hình tốt trong các lĩnh vực khác nhau như các chương trình can thiệp giảm tác hại mà điển hình là điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng methadone, chương trình khuyến khích sử dụng bao cao su, trao đổi bơm kim tiêm sạch; mở rộng điều trị kháng virus cho người nhiễm HIV cho nhiều nhóm đối tượng; triển khai sáng kiến điều trị 2.0; cung cấp các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV tại cộng đồng...

“Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi thì vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình lây nhiễm HIV vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Mỗi năm nước ta vẫn có khoảng 10 ngàn trường hợp nhiễm mới được phát hiện, HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật và tài chính ở Việt Nam. Sự quay lại của đại dịch sẽ hiện hữu khi nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS đang giảm xuống, nhất là nguồn viện trợ quốc tế cắt giảm mạnh, khi độ bao phủ các dịch vụ vẫn còn hạn chế và các biện pháp can thiệp chưa được triển khai đủ mạnh; khi tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhìn nhận.

 Diễu hành tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tại Đà Nẵng.

Tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long, hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đã phát động trên toàn cầu (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus và 90% người nhiễm HIV đã được điều trị bằng thuốc kháng virus kiểm soát được số lượng virus ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền cho người khác), ngay từ năm 2014, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu này. Liên hợp quốc cũng đã khuyến cáo các quốc gia dồn tổng lực để đạt được các mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020, đó là cơ sở và điều kiện cần thiết để tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. “Mục tiêu này chỉ có thể được thực hiện nếu chúng ta cùng quyết tâm hành động và hành động ngay từ bây giờ”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Để thực hiện mục tiêu 90-90-90, Thứ trưởng Long đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt tất cả các giải pháp phòng, chống, trong đó tập trung khuyến khích xét nghiệm HIV để phát hiện tình trạng nhiễm, xét nghiệm sớm để được điều trị càng sớm càng tốt; kêu gọi người nhiễm tham gia điều trị, điều trị HIV/AIDS được miễn phí và tới đây sẽ do bảo hiểm y tế thanh toán. Đồng thời đề nghị các tỉnh, thành phố trọng điểm cần hướng tới mục tiêu “3 không” như Đà Nẵng (không còn người nhiễm mới, không còn người tử vong do HIV/AIDS và không còn phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS - PV).

Ông Ali Safarnejad, Cố vấn thông tin chiến lược - đại diện Nhóm phối hợp Liên hợp quốc về HIV khẳng định, đây là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam kỷ niệm Ngày thế giới phòng, chống AIDS với quyết tâm cao nhằm đạt được các mục tiêu 90-90-90, hướng tới kết thúc dịch AIDS vào năm 2030; đồng thời gửi lời chúc mừng, bày tỏ khâm phục và hết sức ấn tượng đối với ý chí và quyết tâm cao của Việt Nam trong việc giữ cam kết về phòng, chống AIDS.

Ông Ali Safarnejad cho rằng, để kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 là mục tiêu vô cùng to lớn, nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được. “Việt Nam có cam kết chính trị mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo. Việt Nam đã biết cần phải tập trung nhiều nhất vào can thiệp ở những địa bàn nào và cho những nhóm người dễ bị tổn thương nào. Việt Nam cũng đã có những tiến bộ khoa học, cùng các sáng kiến hay và những cách làm mới để giúp tiến tới kết thúc được dịch AIDS. Nhờ đó, AIDS sẽ không còn là mối nguy cho sức khỏe cộng đồng”, ông Ali Safarnejad nhìn nhận.

Nhắc lại quyết tâm của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS: “Chúng ta hãy chung tay nỗ lực thực hiện mục tiêu 90-90-90, với cam kết 100-100-100”, ông Ali Safarnejad tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt và sớm hơn các mục tiêu đã đề ra.

D.Hùng