Hướng về cội nguồn, khắc sâu đạo hiếu hạnh
Theo Thượng tọa Thích Pháp Châu- Phó Trưởng Ban Trị sự GHPGVN TP Đà Nẵng kiêm Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN quận Ngũ Hành Sơn, Trưởng Ban tổ chức (BTC) Lễ hội, với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, ngày lễ Vu lan của Đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy hình thành lễ hội Vu lan Báo hiếu, trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu; đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sĩ, cửu huyền thất tổ của người Việt Nam.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho biết, bắt nguồn từ sự tích về Đại hiếu Mục Kiền Liên bồ tát nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương để cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, ngày nay, Lễ Vu Lan báo hiếu không chỉ là nghi lễ gói gọn nơi chốn thiền môn mà đã trở thành ngày hội chung của tất cả những tâm hồn hướng về nguồn cội thiêng liêng cao quý, mà gần gũi nhất là hình ảnh của cha, của mẹ...
Cũng theo ông Tạ Từ Bình, tiếp nối thành công của những mùa lễ hội trước, Lễ hội Vu lan báo hiếu Ngũ Hành Sơn năm nay diễn ra tại Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn với 2 phần Lễ và Hội hòa quyện với nhau. “Những giá trị văn hóa lịch sử địa phương được chuyển tải đến với người dân và du khách thông qua các nghi lễ tâm linh và hoạt động phong phú, hấp dẫn là sự kết tinh những giá trị của văn hóa Phật giáo, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và miền di sản Ngũ Hành Sơn, tạo nên một Lễ hội vừa trang nghiêm, trầm mặc nhưng cũng tràn đầy sức sống, tươi vui”- ông Bình cho biết thêm.
Trong ba ngày từ 12 đến 14-8 (nhằm ngày 9, 10, 11-7 năm Giáp Thìn), tại Lễ hội diễn ra nhiều nghi lễ, hoạt động phong phú, như: Lễ Hưng tác-Thượng Đại Tràng Phan; Lễ Thỉnh anh linh Anh hùng Liệt sĩ; Thuyết pháp công ơn cha mẹ; dâng hương cầu nguyện; khai mạc không gian trà đạo và quán chay; tham quan thư pháp và triển lãm ảnh, tượng đá nghệ thuật; cài hoa hồng cho nhân dân và du khách dự lễ hội; khai mạc Hội trại Vu lan báo hiếu; viết thư pháp tặng nhân dân, du khách; thả bong bóng nguyện cầu hòa bình… tạo một không khí sôi động, hấp dẫn, tô đậm bản sắc văn hóa, văn minh về du lịch của TP Đà Nẵng. Các hoạt động Lễ hội còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để du khách, các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa…
Dù không biết bao lần được thực hiện nghi thức “Bông hồng cài áo”- nghi thức vô cùng ý nghĩa mà chỉ đến lễ Vu Lan mới có, nhưng khi được BTC cài lên ngực áo một bông hồng, Phật tử Nguyễn Hoàng Linh (quận Ngũ Hành Sơn) trào dâng một tình cảm rưng rưng khó tả. Chị xúc động chia sẻ: “Tôi biết ơn cha mẹ vô ngần, tự dặn lòng sống hết lòng với bổn phận của đạo làm con, sống tốt đời đẹp đạo để báo hiếu cha mẹ”.
Nhân dịp này, BTC tri ân hiếu đạo mừng thọ 20 cụ cao niên ở địa phương; trao học bổng cho 10 em học sinh con hộ nghèo vươn lên trong học tập…
Đại lễ Vu lan báo hiếu không chỉ là dịp để nhắc nhở con cháu về đạo hiếu làm con, biết ơn đấng sinh thành mà mỗi người cũng cần thực hành đức tri ân, báo ân, đề cao đức hiếu sinh, tình yêu với quê hương với đất nước, tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu thương đồng bào, những nền tảng nuôi dưỡng ta trở thành con người có giá trị, có phẩm cách, đạo đức và trí tuệ, sống trọn vẹn với đạo hiếu hạnh, đạo làm người. “Tháng Bảy mùa thu lá rụng vàng/Ấy mùa nhân loại đón Vu Lan/Bâng khuâng chạnh nhớ ơn sanh dưỡng/Thổn thức tâm con ngấn lệ tràn”. Những vần thơ khiến trái tim bao người thổn thức mỗi mùa Vu lan báo hiếu.
Thanh Hoa