Báo Công An Đà Nẵng

Hút FDI để tạo lực phát triển

Thứ ba, 15/10/2013 17:05

(Cadn.com.vn) - Đánh giá hoạt động thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn Đà Nẵng 5 năm qua, UBND TP Đà Nẵng cho rằng, mặc dù đạt được những kết quả khả quan, song việc thu hút và quản lý FDI vẫn chưa đạt được một số mục tiêu như tỷ lệ DA sử dụng công nghệ cao còn thấp; tỷ lệ làm việc đối với lao động có kỹ năng chưa cao; chưa có chiến lược, kế hoạch thu hút FDI rõ ràng... Để phát huy hết lợi thế là vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực, Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để thu hút FDI đến năm 2030.

Tác động tích cực

Theo báo cáo tổng kết của UBND TP Đà Nẵng, 5 năm trở lại đây, các DN FDI trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng, giải quyết việc làm, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu (KNXK), tạo động lực cạnh tranh phải đổi mới công nghệ, thiết bị đối với các DN trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ thương mại. Chỉ tính trong lĩnh vực XK, DN FDI tham gia XK mặc dù tăng không nhanh về số lượng nhưng quy mô kim ngạch tăng khá và chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu các khu vực kinh tế. Nếu năm 2001, Đà Nẵng có 17/100 DN tham gia XK thì đến năm 2013 đã có hơn 40/150 DN XK. Năm 2001, khu vực FDI đạt KNXK gần 76,3 triệu USD, chiếm khoảng 28,6% KNXK của thành phố. Năm 2005 mức đóng góp này là 27% và đạt kim ngạch trên 94,7 triệu USD. Năm 2010 tỷ trọng này đạt 53,9%, kim ngạch 364,2 triệu USD và đến năm 2012 đạt 474 triệu USD, chiếm tỷ trọng 52,96%.

Cùng với XK, lĩnh vực phân phối bán lẻ cũng thể hiện rõ nét những đóng góp lớn của các DN FDI trong lĩnh vực này. Hiện hoạt động của các DN FDI trong lĩnh vực thương mại bán lẻ trên thị trường Đà Nẵng ngày càng phát triển với nhiều siêu thị hiện đại như Metro Cash & Carry, Big C, Lotte Mart... đi vào hoạt động đã làm cơ cấu bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thay đổi theo hướng văn minh hơn. Việc xuất hiện của các DN FDI bán buôn, bán lẻ cũng tạo sức ép buộc các chợ truyền thống phải đầu tư chính trang, nâng cấp, thay đổi diện mạo và cung cách phục vụ. Thời gian tới, số lượng các điểm phân phối nhỏ lẻ, cửa hàng mặt phố sẽ giảm dần và được thay thế bằng các hình thức phân phối mới như cửa hàng tự chọn, siêu thị, trung tâm thương mại...

Thu hút FDI đã tác động tích cực đến sự phát triển KT-XH Đà Nẵng, đặc biệt là tăng kim ngạch xuất khẩu.
Trong ảnh: Bốc xếp container tại Cảng Tiên Sa. Ảnh: N.M

Một trong những tác động tích cực nhất của dòng vốn FDI là thúc đẩy hoạt động du lịch tiếp tục phát triển ổn định theo hướng tăng quy mô và chất lượng dịch vụ. Tổng lượt khách tham quan, du lịch 9 tháng đạt 2,5 triệu lượt khách, đạt 91% kế hoạch năm, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012, tổng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch 9 tháng đạt 6.084,2 tỷ đồng, đạt 93,6% kế hoạch năm, tăng 32,3%. Đến nay, Đà Nẵng có 61 DA đầu tư về du lịch, tổng vốn 5,2 tỷ USD, trong đó có 49 DA đầu tư trong nước, vốn đầu tư 3,8 tỷ USD.

Cũng trong 9 tháng qua, Đà Nẵng đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 26 DA FDI, tổng vốn đầu tư cấp mới 33,7 triệu USD; cấp giấy phép cho 13 DA mở rộng với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 140,7 triệu USD. Các DA tăng vốn tập trung ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp nhằm mở rộng sản xuất, đầu tư như DA Coca-Cola tăng 76 triệu USD; TCIE tăng 20 triệu USD; Điện tử Việt Hoa tăng 37 triệu USD. Đến nay, thành phố có 268 DA FDI với tổng vốn đầu tư 3,2 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,65 tỷ USD...

Các DN FDI đã đóng vai trò tích cực trong việc tăng trưởng và đổi mới cơ cấu kinh tế thành phố, giải quyết việc làm, hỗ trợ cho quá trình cải cách DN trong nước... góp phần đưa giá trị tổng sản phẩm xã hội (GDP) của Đà Nẵng 9 tháng của năm 2013 tăng 7,2% so với cùng kỳ 2012. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt 25.655,5 tỷ đồng (70,1% kế hoạch năm) và tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2012.

Những ưu tiên

Để phát huy hết lợi thế là vùng kinh tế trọng điểm trong khu vực, Đà Nẵng đã xây dựng Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ để thu hút FDI đến năm 2030. Chương trình xác định danh mục những sản phẩm chủ yếu cần ưu tiên hỗ trợ phát triển, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi trên cơ sở đổi mới cách thức hoạch định chính sách, nghĩa là khả năng cạnh tranh quốc tế dựa trên các tiêu chí chi phí điện, nước, điện thoại, mặt bằng, chỗ ở, vận chuyển; thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thông quan, thiết kế. Đồng thời, phân loại và chọn lọc DA để thực hiện công tác xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; khai thác hết lợi thế của tuyến Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), chọn địa điểm thích hợp xây dựng Trung tâm phân phối và lưu thông hàng hóa...

Đà Nẵng cũng chủ trương tiếp tục đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, bảo vệ môi trường. Đồng thời, rà soát, giải quyết các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận vốn, mặt bằng để cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn trong nước và ngoài nước.

N.T