Báo Công An Đà Nẵng

Huy động hàng trăm người cứu nạn tàu vận tải VTP 26

Thứ ba, 18/07/2017 10:21

(Cadn.com.vn) - Vào khoảng 2 giờ sáng 17- 7, tàu vận tải VTP 26 tải trọng 5.100 tấn, chở 4.700 tấn than cùng 12 thuyền viên và 1 du khách do ông Phạm Văn Hải (1985, quê ở Ninh Bình) làm thuyền trưởng, ông Nguyễn Văn Xuân (1982, quê ở H. Thanh Hóa) làm thuyền phó trên đường từ Quảng Ninh đi Cửa Lò gặp bão số 2 nên phải neo đậu tại khu vực Hòn Ngư, TX Cửa Lò. Sau khi phát tín hiệu cầu cứu thì tàu đã mất tích tại vị trí cách đảo Ngư 800m về hướng bắc. Nhận được thông tin cấp cứu, tỉnh Nghệ An đã lập Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn ngay tại Cảng vụ Cửa Lò (P.Nghi Thủy, TX Cửa Lò).

BÍ Thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh tham gia chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn.

Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh đã trực tiếp có mặt tại hiện trường, chỉ huy công tác tìm kiếm, cứu nạn. Đồng thời, Nghệ An đã huy động hơn 600 người tham gia cứu hộ, gồm: lực lượng biên phòng, Cảnh sát biển, Dân quân, nhân viên y tế, trong đó có 50 người được bố trí tại đảo Mắt. Đội tàu tìm kiếm gồm SAR 411, CSB 3005, ca nô, xuồng CQ 606; 3 tàu biên phòng 301, 61301, 061201 cùng 4 tàu hàng: Thanh Thành Đạt 35, Lam Hồng 99, Trường An, Sơn Long và 1 tàu cá của ngư dân NA 90786 tích cực tìm kiếm quanh khu vực biển Cửa Lò, Cửa Hội, Nghi Thiết. Nhiều tàu cá của ngư dân, xuồng cao tốc cũng được huy động.

Tính đến chiều cùng ngày, lực lượng cứu hộ và ngư dân tỉnh Nghệ An đã cứu sống 7 nạn nhân (trong đó 2 người đang trôi dạt trên biển; 2 người tự bơi vào khu vực an toàn, 3 người được cứu) và phát hiện 2 thi thể (chưa xác định được danh tính). Các nạn nhân được cứu sống gồm Phạm Văn Hải (1985, quê  Ninh Bình)- thuyền trưởng; Ngô Cao Cường (1991, quê Nghệ An)- thủy thủ AB; Đặng Duy Khiêm (1994, quê Thái Bình- thợ máy 0S;  Nguyễn Văn Sáng (1980, quê Thanh Hóa)- máy trưởng; Vũ Văn Đạt (1993, quê Nam Định)- thủy thủ AB.; 6. Lý Văn Giang (1993, quê Hải Phòng- thợ máy AB.) Nguyễn Anh Tuấn (1992)- hành khách (quê Hải Phòng).

Thuyền viên Nguyễn Anh Tuấn đang được chăm sóc y tế.

Thuyền viên Nguyễn Văn Sáng được đưa vào đất liền cấp cứu.

Nhớ lại giây phút rơi xuống biển, thuyền trưởng Phạm Văn Hải cho biết: Lúc đó sóng giật rất mạnh nên một số thuyền viên bị say sóng. Thấy tình hình không ổn, tôi liền phát tín hiệu cầu cứu. Một lúc sau thấy tàu bị lắc mạnh, nghiêng về một phía, tôi chỉ kịp ấn nút báo động để anh em chủ động rời tàu. Thời điểm tàu lật, tôi cũng không nắm được bao nhiêu người đã rời tàu. Theo anh Hải, bản thân anh không bị thương nên cùng thợ máy Lý Văn Giang bơi được vào bờ kè đảo Ngư và sau đó được lực lượng bộ đội đảo Ngư cứu lên bờ.

Anh Vũ Đình Thường (1981, trú TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), chủ tàu Lam Hồng 99 kể lại: Khi tàu của anh di chuyển đến vị trí gần đảo Hòn Ngư, từ đằng xa thấy một vật nổi trên mặt nước, anh Thường lấy ống nhòm ra nhìn thì thấy một người đang chới với giữa dòng nước, cách vị trí tàu chìm không xa nên yêu cầu các thuyền viên chuyển hướng, chạy thẳng về phía có người đang nổi trên mặt nước. Khi tàu đến nơi các thuyền viên ném phao xuống nhưng người này không trèo lên được nên anh Thường và các thuyền viên nhảy xuống đưa thuyền viên gặp nạn lên tàu tắm nước nóng, thay quần áo khô và dùng chăn ủ ấm. Sau đó tàu anh Thường tiếp tục phát hiện và cứu thêm được một thuyền viên của tàu chở than đang nổi trên biển. Hai thuyền viên này được xác định là anh Phạm Văn Hải và anh Lý Văn Giang, hiện sức khỏe đã hồi phục.

Anh Nguyễn Văn Sáng được tàu Thanh Thành Đạt 35 tìm thấy và đưa vào bờ trưa 17-7 kể lại: "Tôi không nhớ được là tàu gặp nạn khi mấy giờ. Khoảng 12 giờ đêm 16-7, khi hết ca trực thì tôi đi ngủ, lúc đang ngủ thì nghe anh em hô hoán, tôi mặc áo phao vào rồi chạy lên ca-bin, lúc đó tàu nghiêng hẳn rồi sóng đánh thẳng vào ca-bin và lật luôn. Có mấy người bị văng ra từ cửa ca-bin, một lúc sau thì tôi bám được một người thợ máy tên Tiến nhưng  sóng to đánh vào tách hai anh em ra. Khi anh Tiến rời khỏi tôi cũng có mặc áo phao". Do trong lúc va đập tại ca-bin nên anh Sáng bị thương khá nặng trên đầu.

P.V