Báo Công An Đà Nẵng

Huy động mọi lực lượng khắc phục hậu quả bão số 2

Thứ ba, 18/07/2017 10:25

(Cadn.com.vn) - Khoảng 1 giờ ngày 17-7, bão số 2 đã đổ bộ vào đất liền Nghệ An - Hà Tĩnh. Hoàn lưu bão số 2 đã gây gió mạnh cấp 7-8 ở các tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh, các đảo ven biển gió giật cấp 11-12, đất liền ven biển gió giật cấp 9-10, riêng Hoành Sơn (Hà Tĩnh) gió giật cấp 11.

Sóng đánh chìm tàu tại cảng Hòn La.

Chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương ngay sau khi bão vào đất liền, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng đánh giá, bão số 2 không phải cơn bão lớn, nhưng lại có diễn biến rất nhanh, do đó đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu UBND các tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão số 2; kịp thời hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên hỗ trợ gia đình có người bị thiệt mạng, hỗ trợ lương thực, thực phẩm (trong trường hợp cần thiết), không để người dân bị thiếu đói; huy động lực lượng hỗ trợ, giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh sau bão, lũ.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn tính mạng; chỉ đạo các ngành giao thông vận tải, công thương, thông tin và truyền thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn... tập trung khắc phục các sự cố, nhất là bảo đảm giao thông, thông tin liên lạc, điện. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện có 82 hồ chứa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến TT-Huế bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, là trọng điểm về an toàn đập, các địa phương đã triển khai phương án và sẵn sàng vật tư, phương tiện để bảo đảm an toàn.

Theo số liệu tổng hợp từ BCH PCTT&TKCN tỉnh Nghệ An có 1 người tử vong do bị sập xà mái tôn đè vào người là Nguyễn Thị Mai (1969, trú P.Quỳnh Thiện, TX Hoàng Mai), có 2.872 nhà, quán bị tốc mái. Ngoài ra, hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu... của người dân bị ngập úng. Tại Hà Tĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số ngành đi kiểm tra tại H.Nghi Xuân và H. Lộc Hà. Tại chợ Cồn (xã Xuân Yên, H. Nghi Xuân), Chủ tịch UBND tỉnh giao chính quyền các cấp, các lực lượng vũ trang, ban quản lý chợ hỗ trợ các hộ tiểu thương sớm khôi phục hoạt động kinh doanh. Đến kiểm tra thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp ở xã Xuân Hải, Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý chính quyền phải chỉ đạo bà con khẩn trương tiêu úng, khôi phục cây trồng hư hỏng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh kiểm tra thiệt hại
tại chợ Cầu- xã Xuân Yên, H. Nghi Xuân.

Cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cùng lãnh đạo một số sở, ngành đi kiểm tra tình hình thiệt hại, khắc phục sau bão số 2 tại một số công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn. Qua thị sát tình hình tích nước, xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô phối hợp với H. Hương Khê khẩn trương hoàn thành sơ đồ ngập lụt vùng hạ du; thông báo kịp thời tình hình xả lũ cho các địa phương vùng hạ du chủ động phương án di dời, ứng phó sự cố. Kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ ở hệ thống công trình Thủy lợi Ngàn Trươi- Cẩm Trang (H.Vũ Quang); kiểm tra tiến độ xây dựng và công tác khắc phục lụt bão tại công trường xây dựng cầu Trung Lưu (xã Sơn Tây, H.Hương Sơn); kiểm tra hệ thống cống thủy lợi Đức Xá (H.Đức Thọ)...

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn yêu cầu các địa phương, đơn vị không chủ quan, tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; kiên quyết sơ tán dân ở những vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, các lán trại thi công ven sườn núi, vùng ven sông, ven suối; kiểm tra, bố trí lực lượng thường trực điều tiết tiêu thoát lũ tại các cống tiêu, tránh ngập úng diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn; chủ động phương án đảm bảo an toàn hạ du và công trình trong trường hợp các hồ chứa xả lũ.

Tại Quảng Bình, nhiều tàu cá của ngư dân cảng biển Hòn La (H.Quảng Trạch) bị sóng đánh dạt vào bờ gây hư hỏng hoàn toàn. Ngư dân đang cố gắng nhặt nhạnh, thu gom những ngư cụ trên tàu còn sử dụng được mang về nhà. "Khoảng 1 giờ sáng, trời mưa to và gió rất lớn, chúng tôi chạy ra kiểm tra tàu nhưng đến nơi thì đã thấy tàu của mình bị sóng đánh hư hỏng hết. Sắp tới chúng tôi không biết kiếm sống kiểu gì nữa"- ngư dân Đặng Văn Hoài (56 tuổi) có tàu bị hư hỏng than thở. Tại cảng Hòn La, công tác trục vớt tàu chìm vẫn đang được chính quyền địa phương, các ban ngành liên quan và người dân địa phương triển khai một cách rất khẩn trương.

Sóng đánh vỡ tàu tại Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình.

Sau chuyến thị sát nắm tình hình thiệt hại do bão số 2 gây ra, ông Lê Minh Ngân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức cuộc họp nhanh, đồng thời chỉ đạo chính quyền địa phương H. Quảng Trạch và các ban ngành liên quan tập trung cứu chữa cho những ngư dân bị thương; huy động lực lượng trục vớt tàu chìm, khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 2 gây ra. Dù chưa có thống kê thiệt hại, nhưng đánh giá của BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình, thiệt hại về tài sản lần này rất lớn. BCH PCTT&TKCN tỉnh Quảng Bình cũng rất lo ngại vì nguy cơ xảy ra sự cố tràn dầu trên biển là rất lớn. Hiện các phương án và đơn vị xử lý sự cố tràn dầu đã chuẩn bị sẵn sàng để có thể khắc phục sự cố khi cần thiết. Theo báo cáo nhanh, do ảnh hưởng hoàn lưu của bão số 2, đã có 24 tàu cá của ngư dân xã Quảng Đông (trong đó có 1 tàu bị chìm và 23 tàu bị sóng đánh hư hỏng hoàn toàn); 19 tàu cá của ngư dân ngoại tỉnh; 8 tàu hàng bị mắc cạn;  1 tàu lai dắt của Hải quân và 1 tàu chở dầu. Ngoài ra, 8 xà lan cũng đang bị mắc cạn. Đặc biệt, có 9 thuyền viên và bà con ngư dân bị thương, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình và Trạm Y tế xã Quảng Đông.

NHÓM P.V THỜI SỰ