Báo Công An Đà Nẵng

Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia công tác đảm bảo TTATGT

Thứ sáu, 07/07/2023 06:25
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại hội nghị.
Phó thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu tại hội nghị.

Dự và đồng chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.

Tại điểm cầu TP Đà Nẵng có các đồng chí: Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH đơn vị thành phố Đà Nẵng; Lương Nguyễn Minh Triết, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố…

Các đại biểu tham dự tại đầu cầu Đà Nẵng.

Chỉ thị số 23 rất kịp thời

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ: Công tác bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ANTT, bảo đảm an ninh con người, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với bảo đảm TTATGT. Năm 2003, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 22 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT; năm 2012, ban hành Chỉ thị 18 và năm 2023 ban hành Chỉ thị số 23 để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này.

Hơn 10 năm qua, các cấp, các ngành đã quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, giải pháp đề ra trong Chỉ thị số 18, huy động hiệu quả sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia công tác đảm bảo TTATGT, góp phần tạo chuyển biến tích cực về tình hình TTATGT qua từng năm, qua đó ý thức chấp hành pháp luật giao thông có chuyển biến rõ nét; số người chết, bị thương và thiệt hại do TNGT gây ra giảm mạnh (năm 2022 giảm khoảng 3.000 người chết so với năm 2012. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, giảm 548 người chết vì TNGT).

Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn nhiều diễn biến phức tạp, thiệt hại do TNGT gây ra vẫn rất nghiêm trọng, để lại hệ lụy rất nặng nề cho xã hội, nhân dân lo lắng, bất an khi tham gia giao thông. Vì vậy, việc ban hành Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn, qua đó góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực hơn nữa trong bảo đảm TTATGT, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn tới.

Quán triệt Chỉ thị số 23 tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang nhấn mạnh: TTATGT vẫn diễn biến phức tạp; văn hóa giao thông chưa được hình thành rõ nét; việc bảo đảm TTATGT có lúc, có nơi bị buông lỏng; một số vi phạm chưa được khắc phục triệt để; TNGT giảm chưa bền vững; việc giải quyết ùn tắc giao thông tại một số thành phố, đô thị lớn vẫn còn nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và cả nước. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả hơn công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt 04 mục tiêu, yêu cầu và 06 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã được nêu rất cụ thể tại Chỉ thị số 23.

Nghiêm cấm can thiệp

Kết luận Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW. Đồng chí yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm: Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đảm bảo TTATGT; hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền, phố biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân về bảo đảm TTATGT; tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT…

Nhấn mạnh tầm quan trọng phải xây dựng văn hóa giao thông hiện nay, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai nêu thực trạng ý thức chấp hành pháp luật trong giao thông của một bộ phận người dân vẫn còn là vấn đề lâu dài; TNGT giảm chưa bền vững; vi phạm giao thông tại các đô thị lớn vẫn là thách thức… Thực tế này đòi hỏi cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, toàn dân, vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa trong công tác bảo đảm TTATGT, nhằm giảm thiểu TNGT, bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho mỗi người dân khi tham gia giao thông.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần bảo đảm TTATGT, trong đó chú trọng nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tham gia giao thông; xây dựng và quy hoạch mạng lưới giao thông. Lưu ý, các cán bộ đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước Nhân dân khi tham giao thông; nghiêm cấm việc can thiệp, tác động khi xử lý các vi phạm về giao thông. Đồng thời, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 23 phù hợp với tình hình thực tiễn; nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giao thông. Tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch kết nối đồng bộ hệ thống giao thông trong tổng thể quy hoạch phát triển KT-XH. Cùng với đó, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm TTATGT; kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng, nhiệm vụ bảo đảm TTATGT theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực…

Công Hạnh

Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh nhấn mạnh: Qua hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 18, công tác đảm bảo TTATGT, văn hóa giao thông cơ bản được hình thành, duy trì, củng cố, nâng cao; TNGT giảm cả 3 tiêu chí, không để xảy ra tình trạng đua xe trái phép; không xảy ra các vụ việc, vụ án hình sự liên quan đến mâu thuẫn do va quẹt giao thông. Chủ tịch Thành phố khẳng định, thời gian tới Đà Nẵng sẽ cụ thể hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 23 thành Chương trình hành động, Kế hoạch cụ thể với nguyên tắc: Lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là nguồn lực của mọi hoạt động đảm bảo TTATGT; bám sát chương trình xây dựng pháp luật về giao thông của Quốc hội, chủ động rà soát, kiện toàn Ban ATGT các cấp đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, trong đó kết cấu, hạ tầng giao thông giao cho ngành Giao thông vận tải chủ trì, tham mưu, đề xuất; văn hóa giao thông, ATGT giao cho ngành Công an chủ trì tham mưu, thực hiện, gắn với phương châm thực hiện đồng bộ, xuyên suốt, thường xuyên; “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc CATP triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an để xây dựng văn hóa giao thông, duy trì an toàn giao thông, nhất là việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, điều hòa, hướng dẫn giao thông, TTKS xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT, không có ngoại lệ, không có vùng cấm.