Huyền bí bảo vật Chămpa: Kỳ 2: Từ Phật viện Đồng Dương đến Thánh địa Mỹ Sơn
“Thánh địa” tôn giáo của vương quốc Chămpa
Thánh địa Mỹ Sơn là một trong những trung tâm đền tháp chính của Ấn Độ giáo ở khu vực Đông Nam Á và là di sản duy nhất của thể loại này tại Việt Nam. Đây là một tổ hợp gồm 68 kiến trúc đền tháp phân bố thành 8 cụm, mỗi cụm có một đền tháp chính và các đền tháp phụ trợ phân bố ở trung tâm một thung lũng, đường kính khoảng 2km, với trục chính là suối Khe Thẻ. Dù đã được khai quật hàng trăm năm qua, thế nhưng đến nay, nơi này vẫn còn chứa đựng nhiều điều huyền bí đang nằm ẩn mình dưới lòng đất.
Theo các nhà nghiên cứu, Mỹ Sơn được người Chăm bắt đầu xây dựng vào thế kỷ IV và liên tục được bổ sung thêm các ngọn tháp lớn nhỏ trong nhiều thế kỷ sau đó; chỉ kết thúc khi vùng đất phía bắc sông Thu Bồn sát nhập vào lãnh thổ nước Đại Việt (năm 1306) và bị lãng quên cho đến khi được người Pháp phát hiện lại vào năm 1885.
Nằm trong hệ thống kiến trúc tháp Chăm, các kiến trúc ở Mỹ Sơn được xây dựng với mục đích thờ tự các vị thần Ấn Độ giáo, chủ yếu là thờ thần Siva thể hiện qua bộ ngẫu tượng Linga - Yoni, các tượng thờ, những bức phù điêu thể hiện chủ đề thần Siva giữ vai trò chủ đạo. Vai trò khu di tích đảm nhận là trung tâm tôn giáo của vương triều, được đích thân các nhà vua tổ chức xây dựng. Chính vì vậy mà Mỹ Sơn được các nhà nghiên cứu gọi là “Thánh địa” tôn giáo của vương quốc Chămpa.
Về nghiên cứu khảo cổ học, sau khi di tích được người Pháp phát hiện năm 1885, các chuyên gia của Pháp đã đến nghiên cứu các công trình kiến trúc và tổ chức khai quật khảo cổ tại đây. Trong chiến tranh chống Mỹ, quần thể di tích đã bị bom đạn phá hoại nặng lề. Sau khi thống nhất đất nước, di tích đã liên tục được Nhà nước quan tâm tu bổ, tôn tạo. Đến năm 1979, khu di tích Mỹ Sơn được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia; đến năm 1999 được công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới.
Trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi Khu di tích Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, việc nghiên cứu, trùng tu tôn tạo di tích, với sự hỗ trợ của các chuyên gia UNESCO, các nhà khảo cổ và trùng tu Italia, Ấn Độ…, được tiến hành có hệ thống, khoa học và bài bản hơn. Nhiều đợt nghiên cứu, tu bổ, tôn tạo đã được thực hiện với sự hợp tác của các cơ quan nghiên cứu trong nước và quốc tế giúp cho các khu tháp G, A, K, H, L… đã bị sụp đổ dần có lại được phần nào diện mạo, giúp du khách có thể tham quan chiêm ngưỡng.
Bí ẩn dưới lòng đất
Trên thực tế, đến nay Khu di tích Mỹ Sơn vẫn là một khu phế tích kiến trúc khảo cổ học. Bên cạnh những kiến trúc hiện còn, ở Mỹ Sơn còn tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc bị sụp đổ hoàn toàn. Do vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định những công trình được biết “còn xa mới có thể đại diện cho toàn thể các công trình đã từng hiện diện ở đó”.
“Đài thờ Mỹ Sơn A10 hay Ekamukhalinga chỉ là những kiệt tác nghệ thuật ít ỏi mà chúng ta phát hiện được ở Mỹ Sơn. Ở đây chắc chắn sẽ còn nhiều hiện vật quý khác, có thể bằng kim loại quý như đồ trang trí, vật trang sức, kể cả mặt nạ bằng vàng của Ekamukhalinga… nhưng chúng vẫn chưa thể tìm thấy, tiếp cận được”, nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng - Hội viên Hội Khảo cổ học Việt Nam (nguyên PGS.TS Viện Khảo cổ học) chia sẻ.
Đài thờ Mỹ Sơn A10 được khai quật từ năm 2020 với việc tiến hành phát lộ và trùng tu đền A10. Theo Phòng Bảo tồn - Bảo tàng của BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp đã phát quang, dọn dẹp, nghiên cứu và khai quật Khu đền tháp Mỹ Sơn trong các năm 1903 - 1904. Đài thờ, hố thiêng của đền A10 đã bị xáo trộn và lật đổ trước khi tiến hành khai quật. Sau đó, vào những năm 1938 đến 1942, các nhà nghiên cứu tiếp tục khai quật và trùng tu đền A10.
Sau 1975, đền A10 tiếp tục được khai quật và phát lộ, nhưng đài thờ A10 vẫn không được phát lộ, lắp ghép theo đúng như hình dạng vốn có của nó. Cho đến năm 2020, BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn đã tiến hành phát lộ, khai quật và trùng tu đền A10. Các thành phần của Đài thờ A10 nằm sâu dưới lớp hố thiêng được đưa lên khỏi mặt đất. Đài thờ Mỹ Sơn A10 được trả lại hình dạng vốn có và vị trí ban đầu của nó.
Đài thờ Mỹ Sơn A10 là hiện vật có hình thức độc đáo. Đây là một hiện vật gốc, độc bản. Là đài thờ hoàn chỉnh có Linga - Yoni liền khối lớn nhất trong điêu khắc Chămpa cho đến nay. Đây là đài thờ có phong cách trang trí tiêu biểu mô phỏng kiến trúc thuộc phong cách Đồng Dương. Và là đài thờ nguyên vẹn hiếm hoi còn nguyên vị trong không gian của đền A10 có niên đại khá sớm: thế kỷ IX - X.
Với hiện vật quý giá trên, ngày 25-12-2021, Đài thờ Mỹ Sơn A10 được Thủ tướng Chính công nhận là bảo vật quốc gia. Ông Nguyễn Công Khiết - Phó Giám đốc BQL Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết, việc phát hiện đài thờ cùng bộ Linga - Yoni liền khối là sự thành công trong hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Ấn Độ. Ngoài Đài thờ Mỹ Sơn A10, thì hiện nay tại Khu đền tháp Mỹ Sơn còn có một bảo vật quốc gia khác đó là Ekhamukhalinga. Ekhamukhalinga được phát hiện năm 2012 tại nhóm tháp E của di tích Mỹ Sơn và được công nhận là quốc bảo vào tháng 1-2015.
Ông Nguyễn Công Khiết kể lại, vào đầu tháng 11-2012, trong lúc khảo sát để chống xói mòn, đề phòng những đợt mưa lớn vào mùa lũ lụt có nguy cơ ảnh hưởng đến di tích, bộ phận Bảo tồn của BQL đã phát hiện được một linga có chạm đầu người tại góc đông-bắc nhóm tháp E. Đây là một Ekhamukhalinga (linga có chạm một đầu thần Siva) được tạc từ nguyên khối sa thạch màu vàng nâu, hạt to, hơi mềm. Sa thạch có nhiều đường vân do bị phong hóa bởi thời gian.
Ekhamukhalinga cao 126,5cm, rộng 41,5cm, dày 41,5cm; gồm ba phần: hình vuông, hình bát giác và hình tròn, có chiều cao gần bằng nhau. Trên phần hình tròn có chạm nổi đầu thần Siva nhô hẳn ra; đầu tượng cao 21,5cm, rộng 13,5cm. Đây là Ekhamukhalinga duy nhất đã phát hiện tại Mỹ Sơn. Mặc dầu linga hơi bị mòn nhưng vẫn còn thấy rõ những chi tiết thể hiện, như: khuôn mặt dịu dàng, đôi mắt mở lớn, bộ râu mép rậm, đôi môi hơi dày, mái tóc búi cao theo kiểu jata-mukuta, hai tai to và cổ có ba ngấn.
“Trong nghệ thuật Ấn Độ, những mukhalinga có chạm một mặt Siva được gọi là Ekhamukhalinga, đã xuất hiện vào thế kỷ thứ 2 Công nguyên. So sánh những đặc điểm tạo hình này với các tác phẩm trong cùng một thời kỳ điêu khắc, chẳng hạn pho tượng Siva đứng của ngôi đền Mỹ Sơn C1, và đặc biệt, với những Siva-kosa bằng kim loại quý đặc thù của nền điêu khắc Chăm; xét về phong cách nghệ thuật tạo hình, chúng tôi suy luận, mukhalinga này có khung niên đại vào khoảng thế kỷ thứ 8”- ông Khiết nhìn nhận.
Việc phát hiện Ekhamukhalinga tại nhóm tháp E của Mỹ Sơn năm 2012 đã góp phần làm sáng tỏ thêm nội dung của các cảnh chạm quanh đài thờ Mỹ Sơn E1 cũng như tăng thêm sự hiểu biết về các nghi thức thờ tự của ngôi đền này trong giai đoạn sớm nhất của kiến trúc đền - tháp Champa tại Mỹ Sơn.
(Còn nữa) Bão Bình