Huyền bí tượng Phật ngàn năm (Kỳ 1: Đào gạch Chăm phát hiện tượng cổ)
Hơn 40 năm trước, người dân thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, H. Thăng Bình, Quảng Nam) đào được pho tượng cổ quý hiếm trong khuôn viên Phật viện Đồng Dương. Dù thời gian đã gần nửa thế kỷ, nhưng việc đào được pho tượng phật trên gắn liền với những câu chuyện ly kỳ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt mới đây, Bảo tàng Điêu khắc Chăm ở Đà Nẵng tiếp tục có công văn đề nghị chính quyền xã Bình Định Bắc bàn giao 2 hiện vật cầm tay trên pho tượng cổ năm xưa để cho bức tượng Phật (đang trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng) được hoàn thiện. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân, đến nay câu chuyện trên vẫn chưa được thực hiện.
Tượng phật Bồ tát Tara đào được ở Đồng Dương đang được trưng bày ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Nói về pho tượng đặc biệt trên, ông Trà Thanh Tùng - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Bắc kể lại: Vào trung tuần tháng 8-1978, sau một đêm mưa như trút, những vách gạch cổ quanh ngôi Tháp Sáng (thuộc Phật viện Đồng Dương) cũng bị rửa trôi lộ thiên.
Lúc này, dân trong làng thấy có nhiều gạch lộ ra nên đến đưa về để gia cố lại nhà, trong đó có ông Huỳnh Tấn Kết. Đang hì hụi khuân gạch cạnh hố sâu, bất giác ông Kết thấy một vật lớn hình thù giống cái quách trồi lên lấp ló dưới lòng hố. Nhìn kỹ, ông Kết phát hiện vật thể có nhiều chạm khắc nổi hình thù tinh xảo. Tò mò, ông Kết cố sức kéo vật thể lên khỏi miệng hố rồi cạy nắp, thật bất ngờ ông gặp được hàng quý hiếm. Trong quách, một pho tượng Phật dù bị bùn đất bám dày nhưng vẫn lóa xanh, cao chừng hơn 1m nặng gần 100kg, trên tay tượng còn cầm hai hiện vật. Càng cạo và lau sạch lớp bùn đất, ông Kết càng kinh ngạc hơn khi toàn thân tượng ánh lên như một khối vàng, dưới chân tượng còn được khắc ký tự Chăm cổ... “Pho tượng sau đó được các nhà nghiên cứu đánh giá là hình dáng Bồ tát Laksmindra Lokesvara hay còn gọi là Bồ tát Tara”, ông Tùng cho hay.
Thông tin ông Kết đào được bảo vật quý hiếm nhanh chóng lan truyền khắp nơi, người dân trong và ngoài huyện đổ về đông nghịt để mong được chiêm ngưỡng vật báu. Riêng các bô lão và người tộc Trà (hậu duệ của người Chăm) ở làng Đồng Dương vừa trông thấy bức tượng đã vội quỳ lạy chiêm bái. Ai nấy đều khẳng định, bức tượng Phật đích thị là báu vật thiêng của người Chăm. Họ cho rằng, tượng được làm hoàn toàn bằng vàng hoặc đồng đen, có giá trị rất lớn. Cùng lúc này, chính quyền địa phương có mặt và báo cáo lên huyện để có hướng giải quyết.
Tuy nhiên thời đó, phương tiện đi lại, thông tin liên lạc chậm trễ, để báo cáo đến cấp huyện mất cả ngày. Trong lúc chờ đợi xử lý, người dân nhất quyết đưa cổ vật trên đi bán lấy tiền, còn xã chờ cấp trên trả lời. Hai bên giằng co khốc liệt suốt ngày đêm. “Chủ tịch xã ra lệnh khiêng cổ vật về xã để trông coi nhưng người dân không cho đi, bắt phải để lại. Bà con cho rằng đấy là tài sản quý giá không được ai đụng đến. Cuối cùng thống nhất giữ nguyên hiện trường, chính quyền xã cùng người dân trông coi. Dân quân xã được giao nhiệm vụ cắt cử lực lượng, súng ống chỉnh tề để túc trực bảo vệ tượng nghiêm ngặt”, ông Tùng nhớ lại.
Ông Tùng kể tiếp, sau khoảng 2 ngày, Bí thư, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) cũng có mặt tại địa phương. Sau khi xem thấy giá trị của cổ vật, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cơ quan chức năng đưa lên xe chở về Bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Sự quyết liệt của những người đứng đầu tỉnh, cùng nhiều lực lượng hỗ trợ nên người dân mới chấp nhận cho đưa cổ vật đi. “Tuy nhiên trước đó, người dân đã lén lút đập lấy một búp sen và quả lựu cầm trên tay pho tượng. Hai vật này được người dân cất giấu, vì cho rằng đây là vàng. Sau khoảng 1 tuần, khi biết hai vật này làm bằng đồng, giá trị không cao nên người dân trả lại. Phía Bảo tàng Chăm ở Đà Nẵng lúc này ở xa, phương tiện đi lại khó khăn nên xã tịch thu và cất giữ hai hiện vật trên cho đến bây giờ”, ông Tùng nói.
Điều đáng nói sau đó, bức tượng trên được đưa ra Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày, nhưng người dân địa phương nghi ngờ chính quyền đã đưa vào TPHCM bán. Để minh chứng bảo vật vẫn còn, xã Bình Định Bắc thuê xe ô-tô chở người dân Đồng Dương ra Đà Nẵng tận mắt chứng kiến. Tại đây, chứng kiến bức tượng được trưng bày trang nghiêm trong bảo tàng, lúc này người dân mới an lòng ra về...
B.B - T.H