Báo Công An Đà Nẵng

Huyền thoại Ama Ben

Thứ ba, 29/04/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Từ đói nghèo, Ama Ben đã trở thành người Ê Đê giàu có vào loại nhất nhì ở Tây Nguyên với gần 100ha cao su, hàng chục héc-ta cà-phê... ước tính giá trị vài chục tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho gần 100 công nhân có thu nhập bình quân 2,5-2,7 triệu đồng/người/tháng... Với người dân ở cao nguyên đất đỏ buôn Krưm, xã Cư Bao, H. Krông Buk, Đắc Lắc, ông là niềm tự hào, là huyền thoại...

Mình phải làm giàu

Theo anh Nguyễn Minh Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Cư Bao, chúng tôi tới thăm nhà Ama Ben, một căn biệt thự đẹp, sang trọng và lộng lẫy. Tính tuổi, Ama Ben đã trải qua 68 mùa rẫy nhưng trông ông còn khỏe mạnh, rắn chắc như cây gỗ trong rừng. Trò chuyện, ông bảo, cơ ngơi này có được không phải một sớm một chiều mà đó là cả quá trình phấn đấu, sự đánh đổi của mồ hôi và nước mắt...

Ama Ben có tên thật là Y Hon Niê, từ cái tuổi “bẻ gãy sừng trâu” đã cùng lũ làng sống trong cơ cực và đói nghèo. Thời Pháp thuộc, ông và lũ trai tráng trong làng bị bắt làm phu trong các đồn điền cao su của chủ Tây ở tận chốn rừng sâu nước độc; chính nơi đây ông đã chứng kiến không biết bao nhiêu đồng bào của mình chết trong đói rét và bệnh tật... Thời Mỹ - ngụy, lũ làng ông sống trong hoang mang và lo sợ trước những cuộc càn quét, mọi người phải vào rừng sâu trốn chạy, đào củ mài, củ sắn cầm hơi. Khi đất nước được giải phóng, trở về buôn làng bên chân núi Cư Bao, Ama Ben luôn trăn trở: “Giải phóng rồi, hòa bình rồi, nhưng vẫn còn đói nghèo, tại sao mình không làm giàu được?”. Từ đó, ông nung nấu ý chí quyết tâm làm giàu. Làm giàu trên đất đỏ Tây Nguyên không khó, nhưng phải có vốn, có khoa học kỹ thuật, trong khi gia đình Ama Ben với đàn con nheo nhóc sống trong cảnh bữa đói, bữa no.

Ama Ben.

Thế rồi cơ hội cũng đến với Ama Ben và lũ làng khi năm 1989, Cty Cao su Đắc Lắc có chủ trương đầu tư 70% vốn cho nông dân trồng cao su, thu hồi vốn bằng sản phẩm trong 10 năm. Ama Ben rất mừng vì ý chí quyết tâm làm giàu của mình đã có cơ hội để thực hiện và ông đã mạnh dạn nhận trồng 51ha. Khi đó, lũ làng trong buôn bảo cái thằng Ama Ben tham quá, nó nhận nhiều như thế sẽ không làm nổi đâu. Chưa dừng lại ở đó, năm sau, ông nhận trồng thêm 34ha nữa. Ama Ben tâm sự: “Mình không làm thì thôi, làm thì phải trồng cho hết đồi trọc, bỏ đất hoang là không được”. Nói thì vậy, nhưng làm lại khó khăn vô cùng, bởi lúc đó cái ăn còn chưa có thì lấy sức đâu mà làm. Nhận đất rồi, không làm thì chết, Ama Ben vận động tất cả các thành viên trong gia đình tham gia. Làm ngày không xuể, những đêm trăng sáng, vợ chồng ông cùng các con lại tiếp tục hì hục đào hố, cuốc cỏ với quyết tâm chinh phục những dải đất hoang dưới chân đồi Cư Bao...

Tỷ phú vì cộng đồng

Thấm thoắt, năm 1996, Ama Ben rất vui mừng khi vườn cao su đã cho thu hoạch lứa mủ đầu tiên. Vậy nhưng, niềm vui không được bao lâu vì trong giai đoạn 1996 - 2000, ngành công nghiệp cao su gặp khủng hoảng tồi tệ nhất, giá mủ khô chỉ còn vài ba triệu đồng/tấn. Thế là gần 100ha cao su lại trở thành gánh nặng cho gia đình Ama Ben. Làm thế nào để duy trì và nuôi vườn cao su? Ông cho biết: “May mắn là gia đình mình có 6ha cà-phê, trong khi cà-phê lúc này giá rất cao. Tiền thu hoạch từ cà-phê, mình dành toàn bộ để mua phân bón nuôi cao su. Còn tiền bán mủ thì không đủ trả công lao động, mỗi ngày mình lại phải bù lỗ. Nghịch lý ở chỗ càng cạo được nhiều mủ thì càng lỗ to”. Suốt 3 năm khủng hoảng, đã có hàng trăm hộ chặt cao su để trồng cà-phê, hoặc quay lại cái thời “phát đốt chọc trỉa” kiếm lúa gạo, khoai sắn cầm hơi. Ama Ben cố gắng khuyên bà con giữ lại vườn cây nhưng chẳng ai chịu nghe ông. Ông ngậm ngùi tiếc rẻ: “Nếu người dân giữ lại mỗi hộ vài héc-ta thì bây giờ buôn này có cả trăm hộ giàu rồi”.

Công nhân cao su của Ama Ben.

Trầm ngâm một lúc, Ama Ben kể tiếp: Để có được như ngày hôm nay, mình đã thức trắng bao nhiêu đêm bên gốc cao su, đốt hết bao nhiêu tẩu thuốc lá để bắt cái đầu mình suy nghĩ. Nếu chặt cao su để trồng cà-phê, rồi sau này cà-phê mất giá, cao su lại lên giá thì sao? Chặt cao su rồi thì lấy gì trả nợ cho Nhà nước? Trồng được cây cao su là phải đau cái tay, đau cái chân, đau cái đầu, chặt bỏ thì quá đau cái bụng. Không tìm được lao động ở địa phương, Ama Ben lặn lội ra tận huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) thuê 15 người khỏe mạnh về ở trong nhà để cạo mủ cao su. Kiên trì bám trụ, đến năm 2001, giá mủ cao su bắt đầu nhích dần lên và mủ cao su đã trở thành “vàng trắng” của xứ sở Tây Nguyên, lúc này gia đình Ama Ben mới thoát khỏi cơn khốn khó và trở thành người Ê Đê giàu nhất Tây Nguyên.

Ama Ben đã là tỷ phú, riêng năm 2007 thu nhập là 5 tỷ đồng, ông đã xây cho mỗi người con một biệt thự, mua được xe tải trị giá gần tỷ đồng, xe hơi trị giá 30.000USD... Như đúc kết kinh nghiệm, Ama Ben bộc bạch: “Nhà nông muốn làm giàu thì phải kiên trì, không nên trồng - chặt theo phong trào, thời giá. Mình có công với rừng, rừng chẳng bao giờ phụ mình”.

Trang trại của gia đình Ama Ben hiện có 57 công nhân, tất cả đều được ký hợp đồng lao động, được đóng bảo hiểm, thu nhập bình quân 2,5-2,7 triệu đồng/người/tháng. Ông luôn quan tâm chăm sóc đến đời sống người lao động, khi công nhân nghèo chưa có nhà ở, Ama Ben sẵn sàng hỗ trợ hàng chục triệu đồng để xây nhà kiên cố. Ngoài ra, năm nào ông cũng tổ chức cho công nhân đi tham quan và du lịch ở các miền trong cả nước. Ama Ben tâm niệm rằng, phải giúp bà con những cái gì thiết thực, chứ không phải là việc đem tiền cho họ. Ông hỗ trợ 14 tấn phân, 30 con heo giống, 45 triệu đồng... không tính lãi cho các hộ nghèo làm ăn, phát triển kinh tế...

Mặc dù đã trở thành tỷ phú trên cao nguyên đất đỏ, nhưng Ama Ben vẫn chưa bằng lòng với chính mình, ông lại bỏ tiền ra sang Thái Lan, Malaysia để học hỏi kinh nghiệm để tiếp tục mở rộng và phát triển rừng cây cao su của mình...

Hồng Linh