Báo Công An Đà Nẵng

Huyền thoại đặc công nước Quảng Đà

Thứ ba, 22/12/2015 09:55

* Kỳ 1: Giải mã "biệt đội người nhái"

(Cadn.com.vn) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, hoàn toàn bí mật mà ngay cả trong quân đội cũng không nhiều người biết đến-đó là lực lượng đặc công nước (còn gọi là người nhái - P.V). Tại chiến trường Quảng Đà, từ những năm 1966 đến ngày giải phóng, với cách đánh xuất quỷ nhập thần, dũng cảm, mưu trí, linh hoạt, những trận đánh vang dội của đặc công nước đã trở thành huyền thoại, đóng góp và làm phong phú thêm kho tàng lịch sử "nghệ thuật quân sự" Việt Nam anh hùng. Nhân kỷ niệm 71 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã tìm gặp các chiến sĩ đặc công nước năm xưa, được nghe họ kể những chiến công kiêu hùng...

"Thủ lĩnh" Đội 170 Đặc công nước Quảng Đà, ông Phạm Xuân Sanh.

Đặc công nước - họ là ai?

Căn nhà nhỏ, bình dị của "Đại tá 3 sao" Phạm Xuân Sanh (Đội trưởng Đội 3 đặc công nước Quảng Đà từ năm 1970 đến 1975) nằm trên đường Trưng Nữ Vương (Đà Nẵng) trong nhiều năm nay trở thành địa chỉ quen thuộc của đồng đội ông mỗi dịp gặp mặt. Năm nay đã bước sang tuổi 75 nhưng trông ông vẫn còn tráng kiện, hào sảng lắm. Cái tố chất của người lính, lại là lính đặc công nước trong ông như chưa hề mai một: nhanh nhẹn, hoạt bát, trí nhớ thâm sâu, đặc biệt là thể chất được tôi rèn qua những tháng năm lặn lội sông nước vẫn còn hiển hiện trên từng cử chỉ…

Tôi hỏi ông, đặc công nước cần có những tố chất gì? Ông khái quát bằng một câu cực kỳ đơn giản nhưng lại hội đủ hết câu trả lời: Là những người mà lúc họ ở dưới nước có thể bằng hoặc nhanh nhẹn hơn trên cạn! "Đó là về thể chất. Còn  khi đã bước vào cuộc chiến, cái đầu và con tim của họ phải hết sức tỉnh táo, quyết đoán, xử lý tình huống nhạy bén và nhất là phải biết… hy sinh", ông Sanh nói. Ví như ông, sinh ra và lớn lên tại vùng sông nước Quảng Bình, ông đã tự trang bị cho mình kỹ năng bơi lội tuyệt đỉnh, có thể nổi trên mặt sông, mặt biển cả ngày. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Thể dục thể thao và trường Đại học Hàng hải, năm 1964, ông được tuyển chọn vào Trung đoàn 170 Hải quân và huấn luyện tại Tiên Yên (Quảng Ninh). Tiếp đó, ông về nhận nhiệm vụ tại Đội 3, Đoàn 126 đặc công nước Hải quân để chuẩn bị vào Nam chiến đấu.

Hay như trường hợp của Đại úy Nguyễn Xuân Thành (1948), quê ở Tiên Lãng (Hải Phòng). Khi đang còn học cấp 3, được cử sang du học tại Đức. Do tình hình thay đổi, yêu cầu nhiệm vụ mới đặt ra, ông được cử sang học tại Trường Kỹ thuật quân sự Quảng Châu (Trung Quốc) trong thời gian 7 năm. Năm 1966 ông về nước và công tác tại Đội xe vận tải xây dựng các công trình quốc phòng ở Hải Phòng. Đến năm 1969, khi có thông tin Đoàn 126 về tuyển quân bổ sung cho đơn vị đặc công nước, ông làm đơn tình nguyện tham gia và trúng tuyển. Ông Trần Sông Thao (1953), người con của vùng biển Cẩm Thành, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cũng là một ví dụ điển hình. Vốn nổi tiếng về bơi lội, được ví như "con rái cá" của quê hương núi Hồng sông La, mới 19 tuổi ông đã được tuyển chọn và huấn luyện đặc công nước tại Cát Hải (Hải Phòng)…"Là đơn vị đặc biệt tinh nhuệ nên việc tuyển chọn và huấn luyện đặc công nước cực kỳ kỹ lưỡng, từ lý lịch gia đình, khả năng bơi lội giỏi, sức chịu đựng cao, có kiến thức chuyên sâu về các loại vũ khí, chất nổ, kỹ năng cận chiến… thì tinh thần quả cảm, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, thậm chí khi ngã xuống cũng phải hoàn thành nhiệm vụ", ông Phạm Xuân Sanh nhấn mạnh. "Cũng vì thế mà tất cả lính đặc công nước đều phải tuyển mộ từ các địa phương ven biển (từ Quảng Ninh đến Quảng Bình), là "hạt giống đỏ" trong các đơn vị Hải quân lúc bấy giờ", ông Sanh cho biết thêm.

Đội 170 Đặc công nước Quảng Đà tại hậu cứ Hòn Tàu năm 1970.

"Thao trường đổ mồ hôi"…

Những năm 1965-1966, từ chiếc nôi Quảng Yên với Lục Đầu giang và dòng sông Bạch Đằng - nơi ghi dấu những trận thủy chiến oai hùng của cha ông thuở trước, giờ đây, những người lính đặc công nước như ông Sanh, ông Thành… và lớp con cháu lại lấy đó làm thao trường tập luyện, chờ ngày đối mặt chiến đấu với kẻ thù. Sau khi ổn định về biên chế, tổ chức và nơi ăn chốn ở, các đội bước vào huấn luyện. Từ những bài tập cơ bản về bơi, lặn từ thấp lên cao. Tập các kiểu bơi, ban đầu bơi vài cây số, dần nâng cao bằng cách bơi qua lại Phà Rừng hàng chục vòng (tương đương với 10km). Rồi bơi đường dài trên biển về đêm với cự ly từ 15 đến 30km đến mục tiêu giả định. Tập lặn tại chỗ, lặn đến mục tiêu, tập ngậm ống thở đi chìm dưới nước hàng giờ liền, bảo đảm đúng hướng, đúng vị trí đặt khí tài theo kế hoạch trận đánh, tập nhận dạng các loại tàu, tập đo cự ly giãn cách đến mục tiêu, tập thiết kế sử dụng các loại khối nổ, tập võ thuật đánh bắt tù binh bằng các đòn cực hiểm, tập phá dỡ các vật cản, chướng ngại vật, rào thép gai dưới nước… "Phần nhiều thời gian tập về ban đêm, từ 19 giờ đến 3 hoặc 4 giờ sáng hôm sau. Vừa tập nhuần nhuyễn về kỹ chiến thuật, vừa tập rèn luyện sức chịu đựng ngâm mình dưới nước cả đêm để chống chọi với cái lạnh. Đây là thử thách gay go nhất của những người lính đặc công nước thuở ban đầu ấy", Đại tá Phạm Xuân Sanh nhớ lại. Ngoài ra ông còn tiết lộ, lính đặc công nước cũng phải huấn luyện hành quân đường dài, mang vác nặng, vượt qua địa hình dốc đèo khe suối… với vất vả, gian khổ không kém.

"Trong thời gian này, Bộ Tư lệnh Hải quân xác định, tại miền Nam có 4 cảng biển quan trọng nhất, cần đưa vào mỗi nơi một đội đặc công nước làm nòng cốt để phát triển dần lên. Cuối năm 1966, lực lượng đặc công nước thuộc Đoàn 126 được chia làm 4 đội và lần lượt có mặt trên các chiến trường miền Nam và lập nên nhiều chiến công đã đi vào huyền thoại như: Đặc công nước Cửa Việt (Quảng Trị), Đặc công rừng Sác (Nam Bộ), Đặc công nước Quảng Đà (chiến trường Khu V) và đặc công nước ở Khánh Hòa", ông Phạm Xuân Sanh cho biết. Cuối năm 1966, sau thời gian huấn luyện khắc nghiệt, những người lính đặc công nước tạm gác lại những mối tình đẹp, mái trường thân yêu và nơi chôn nhau cắt rốn, họ lên đường đánh Mỹ mà lòng thanh thản không một chút ưu tư! Họ là những Dã Tượng, Yết Kiêu thời hiện đại của dân tộc.

Doãn Hùng
(còn nữa)