Huyền thoại đủng đỉnh
Như cây đủng đỉnh trên già dưới non...
1.Năm 2002 tôi về công tác tại một trường miền núi của tỉnh Phú Yên, chân ướt chân ráo đi dạy, được phân công làm chủ nhiệm, còn được khuyến mãi cho cái thông báo đến 26-3, trường sẽ tổ chức Hội trại. Trời, đúng là "họa vô đơn chí". Một cô nàng hậu đậu thì làm sao lo ăn cho gần 40 cái “tàu há mồm”, rồi thêm làm trại làm trùng, nghĩ đến thôi đã phát hoảng. Chuyện tôi sợ nhất là làm cổng trại và lều trại. Đem chuyện này “tâm sự” với lớp chủ nhiệm, các em đề xuất chuyện dùng cây đủng đỉnh làm cổng trại, sẽ rất hoang dã mà lãng mạn. Rồi lều trại cũng dùng lá đủng đỉnh, sẽ tha hồ mát. Đó là lần đầu tiên tôi được nghe cái tên “đủng đỉnh”, dù thú thật, tôi sống ở gần núi Chai bên sông Bàn Thạch, mới lớp 5 đã lẽo đẽo theo mẹ vào núi kiếm củi, hầu như thứ cây gì trong rừng mẹ biết tên đều truyền giáo cho, nhưng tôi chưa hề nghe chút gì về cây đủng đỉnh. Nghe học trò vẽ ý tưởng tuyệt vời như vậy, tôi đâm háo hức.
Sáng sớm hôm sau, cô trò cơm đùm túm leo lên cộ bò vào rừng chặt đủng đỉnh. A, giờ thì thấy cây đủng đỉnh rồi, nó loài cọ, thuộc họ cau, nhìn giông giống cây đác, gân lá xếp hình nan quạt, phiến lá dài, mỗi chùm hoa là buồng, khi mang trái thì đặc sệt, trổ dài xuống, màu đỏ xanh chen nhau đẹp mắt. Dáng cây đủng đỉnh lơ thơ, nhởn nhơ như tên gọi của nó. Học trò tự hào kể rằng, ở nơi đây, người ta dùng cây đủng đỉnh để trang trí cổng chào, lá đủng đỉnh dùng làm chổi quét sân vườn, có nhà còn treo buồng đủng đỉnh trước cửa chuồng gia súc gia cầm với ý niệm trừ đi điềm xui rủi, cũng có một hai nhà treo đủng đỉnh trước hiên với ý trừ tà ma đột nhập. Đồng bào dân tộc thiểu số thì họ dùng đủng đỉnh để làm rượu, trái đủng đỉnh còn dùng làm thuốc chữa bệnh đau nhức, viêm cầu thận rất hiệu nghiệm. Có một chi tiết mắc cười là tụi nhỏ quái quỷ lắm, biết trái đủng đỉnh ngứa nên hái về quẳng cho mấy chú gà ăn, ăn xong thì ngứa cổ nên cắm đầu cả ngày mà gáy...
Tổng kết đợt hội trại năm ấy, lớp tôi gì cũng nhất, tất cả là đều nhờ cây đủng đỉnh.
Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh kể chuyện về đoàn Tàu Không số với các đoàn viên, |
2. Cũng từ ngày đó, trong từ điển của tôi, cây đủng đỉnh không còn là “danh mục” được tra cứu nữa. Nhưng mới hôm qua, có cơ hội được nghe Anh hùng LLVTND Hồ Đắc Thạnh kể chuyện về những con tàu không số ở Vũng Rô, tôi kinh ngạc, xúc động khi trong câu chuyện của ông có nhắc về cây đủng đỉnh. Ông Hồ Đắc Thạnh tái hiện lại khung cảnh gay cấn, máu lửa của chiến trường xưa bằng trái tim của người lính có trách nhiệm với dân tộc. Ông kể, những chuyến tàu với trọng tải lớn đã cập bến Vũng Rô an toàn, nhưng vì khối lượng hàng quá lớn, bóc gỡ gần hết hàng thì trời cũng vừa tảng sáng, phải rời bến nhưng neo bị hỏng nên phải cho tàu neo lại trong ngày và ngụy trang kĩ bằng lá cây. Tàu và biển liền nhau một khối, nhìn từ trên cao sẽ như một mõm đá nhô ra chứ không phải tàu. Và họ đã dùng lá cây đủng đỉnh để ngụy trang. Nghe đến loài cây này, tự dưng tôi “sáng mắt”, thích thú nghe từng câu từng chữ mà ông kể: Phía trên bến Vũng Rô là quốc lộ, xe quân sự địch qua lại rất nhiều. Đỉnh Đèo Cả có đồn địch đóng. Phía biển có đồn Mũi Điện. Tình thế rất nguy hiểm. Thuyền trưởng cho tàu ép sát vào vách núi, lợi dụng vách đá và tán cây để che giấu tàu. Các thủy thủ và du kích nhanh chóng chặt các cành cây để phủ lên ca-bin và boong tàu để ngụy trang. Và một câu chuyện xúc động nữa là những người lính biển đã đón Xuân Ất Tỵ 1965 tại quê nhà, được tổ chức bằng bữa tiệc đơn sơ trên nắp khoang hàng, dưới vòm lá đủng đỉnh...
Cây đủng đỉnh đã góp công vào chiến thắng Vũng Rô, những con tàu không số đã đi vào lịch sử như một huyền thoại. Và với tôi, cây đủng đỉnh cũng là một huyền thoại vậy.
Nguyễn Thị Bích Nhàn