Báo Công An Đà Nẵng

Huyền thoại về những Pơtao không ngai (2)

Thứ năm, 25/09/2014 07:55

* Bài 2: Đắm chìm miền cổ tích Hỏa vương

(Cadn.com.vn) - Tìm đến những câu chuyện của Pơtao Apui – Vua Lửa (Hỏa vương) chúng tôi như chếnh choáng say bởi những câu chuyện ma mị xoay quanh mỗi đời vua. Đặc biệt là người được diện kiến thanh gươm thần có thể hiệu triệu mưa, gió từ trước đến nay chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đến tận bây giờ, những người Jrai dù có làm đến chức vụ, học vị nào đi chăng nữa cũng chỉ dám đứng từ xa kính cẩn không dám tới gần gươm thần.

OAI DANH VUA LỬA

Kể từ khi đời vua thứ 6 Siu Nhong được dân làng chọn, tiếng tăm Vua Lửa mới của người Jrai đã lan sang tận các tộc khác “người Lào nghe tin Siu Nhong làm Pơtao đã tặng ông một con voi đực rất lớn, chỉ riêng chiếc ngà voi cũng phải 2 người mới khiêng nổi; vua của người Khmer tặng ông một chiếc bành voi bằng đồng...”. Cũng từ đây, ảnh hưởng của Vua Lửa lan tận xuống các vùng, miền khác, Vua Lửa cùng đoàn tùy tùng bắt đầu từ nơi con sông Apa (sông Ba) chảy qua thị xã Ayun Pa ngày nay rồi hướng về cửa sông mà đi. Đến Buôn Chờ (nay thuộc H. Krông Pa, Gia Lai), Siu Nhong trồng một cây tre và dặn: “Nếu tôi chết đi, ai thay thế thì đến đây làm lễ cầu mưa” và người Jrai cho rằng đến giờ cây tre vẫn còn ở nơi đây.

Siu Ăt là vị vua đã trở thành niềm tự hào của người dân Jrai khi ông là vị thủ lĩnh Jrai chống thực dân Pháp xâm lược từ những ngày đầu tiên. Ngay từ những ngày đầu Siu Ăt kế nhiệm làm Vua Lửa đời thứ 11, cũng là lúc thực dân Pháp muốn thiết lập mối quan hệ với các thủ lĩnh và những người có uy tín, đặc biệt là Pơtao Apui là người mà thực dân Pháp đặc biệt chú ý. Thế nhưng, Siu Ăt kiên quyết bất hợp tác. Ông đã chỉ huy dân làng giết viên quan cai trị Prosper Odendhal vào năm 1904 khi y tìm cách xem và “mượn” thanh gươm thần truyền đời của các Pơtao Apui. Bởi thực dân Pháp biết rằng: có thanh gươm thần thì người Jrai mới nghe theo lời bọn chúng. Cũng từ đó, thanh gươm thần cùng những vật cúng tế được những người uy tín cất giấu trong hang núi tránh sự dòm ngó của thực dân Pháp.

Siu Tũ là đời Vua Lửa thay thế Siu Ăt khi vị vua này qua đời. Thực dân Pháp vẫn tiếp tục lùng bắt, kiếm tìm để lấy được thanh gươm thần của Vua Lửa. Thế nhưng, nối tiếp truyền thống của đời Vua Lửa thứ 11, Siu Tũ cùng buôn làng hết lòng trung thành bảo vệ thanh gươm. Điên cuồng, giặc Pháp bắt nhốt Vua Lửa Siu Tũ tại Kon Tum. Tại đây, những câu chuyện huyền bí về Siu Tũ vẫn được dân làng truyền tụng đến bây giờ.

Sau khi có sự đồng ý của con gái Vua Lửa chúng tôi mới được đến gần căn chòi để gươm thần.

Biết Siu Tũ và vị Vua Lửa, cai ngục Pháp đã bắt Siu Tũ dùng phép làm cho cây đa cổ thụ nằm vắt ngang con sông Đăk Bla (Kon Tum) đứng thẳng lên. Nhìn cây đa dài 20-30m, đường kính to hơn một người ôm làm nhiều người không tin Siu Tũ làm được. Thế nhưng, mặc cho súng ống bọn Pháp chĩa vào mình, Siu Tũ bước ra bến sông đọc thần chú, cầu xin và bỗng chốc cây đa dần đứng thẳng lên làm cho cai ngục khiếp sợ, bọn chúng chỉ dám đứng từ xa nhìn Siu Tũ không nói nên lời.

Tên Công sứ Pháp chứng kiến sự việc vẫn không tin và đưa ra thử thách yêu cầu Siu Tũ dùng gùi để đựng nước, nếu nước không chảy ra ngoài sẽ gọi Siu Tũ là “ama” (cha). Siu Tũ ung dung lấy gùi múc nước, dù nhiều lỗ ở trên gùi nhưng không có bất cứ một giọt nước nào chảy ra ngoài. Bọn Pháp khiếp sợ trước “quyền phép” của Siu Tũ nên thả ông về, riêng về tên Công sứ Pháp thua cuộc uất ức treo cổ tự tử. Khi Siu Tũ ra tù, oai danh của Vua Lửa càng vang xa, người dân các nơi kéo về cầu xin, tạ ơn kính nể Siu Tũ như một vị thần linh.

HUYỀN BÍ GƯƠM THẦN VÀ NÚI CHƯ TAO YANG

Nhắc đến Vua Lửa là nhắc đến thanh gươm thần, qua lời kể của dân làng và nghiên cứu của Tiến sĩ  Nguyễn Thị Kim Vân thì thanh gươm thần đã trở thành vật linh thiêng của các Pơtao Apui. Ngày xưa, 2 anh em là Tdĩa và Tdiêng nhặt được một khối sắt dưới chân núi Hàm Rồng rồi rèn gươm. Thế nhưng, khi rèn xong lưỡi gươm cứ tỏa ra ánh lửa để đâu cũng cháy thành lửa “bỏ vào nồi bảy không tắt; bỏ vào nồi bung không nguội; bỏ xuống ao, ao cạn; bỏ xuống sông, sông cũng cạn”.

Cho đến khi người giúp việc là Pang đang ngồi cạnh đấy vót mây bị đứt tay, máu từ tay Pang nhỏ vào lưỡi gươm làm lưỡi gươm bớt nóng. Pang chứng kiến cảnh ấy liền nói với anh em Tdĩa, Tdiêng “hãy chặt đầu tôi, lấy máu thấm vào thanh gươm cho nó nguội”. Khi vừa đưa lưỡi gươm vào gần cổ Pang thì đầu Pang đứt lìa, máu nhuốm đẫm thanh gươm làm thanh gươm nguội dần đi. Từ đó, “thần gươm” ẩn trong chiếc gươm đã “truyền” cho các người được thanh gươm “chọn” nhiều quyền năng đặc biệt, “kết nối với Yang (thần linh)”, chuyển hạn thành mưa… Cũng từ đó, người ta cũng dần gọi những người được chọn kế tục gìn giữ thanh gươm là Pơtao Apui (Vua Lửa).

Đường xuống hang cất giấu gươm thần.

Bên cạnh đó, thanh gươm thần còn gắn với nó những câu chuyện truyền thuyết khác tô đậm thêm quyền năng của nó khiến những người dân Jrai đến giờ vẫn kính cẩn. Ngay cả việc đến gần thanh gươm dân làng vẫn ngại bởi sợ làm ô uế thanh gươm và bị thần linh trách phạt, chỉ có người uy tín và có quan hệ mật thiết với Vua Lửa mới được đến gần thanh gươm.

Núi Chư Tao Yang nơi một thời là nơi cất giấu thanh gươm thần của Vua Lửa đến giờ vẫn mang một màu sắc huyền bí. Trong tiếng Jrai Chư Tao Yang nghĩa là “ngọn núi nơi để đồ của thần linh”. Dù đã giữ chức vị Phó Chủ tịch UBND xã Ayun Hạ (H. Phú Thiện, Gia Lai) nhưng anh Rmah Thuyn vẫn “kiêng” thanh gươm thần: “Mình ở làng Plei Ơi và từ nhỏ mình đã nghe người già nói rằng trên núi Chư Tao Yang cất giấu thanh gươm của Pơtao Apui. Người trong làng không bao giờ dám lên núi vì sợ Yang quở trách, ai xem thanh gươm mà không được phép sẽ bị điên, dân làng sẽ gặp điều gở”. Và đến bây giờ, anh Thuyn cũng ái ngại khi chúng tôi nhờ dẫn đi xem thanh gươm thần bởi theo lời anh Thuyn chỉ có già làng và những người có uy tín hoặc Vua Lửa, phụ tá Vua Lửa mới được phép nhìn thấy thanh gươm này.

Ngọn núi trải qua bao đời Vua Lửa vẫn sừng sững với những tảng đá lớn và xếp chồng lên nhau tạo nên cảnh tượng kỳ vĩ. Nơi đây, cùng với gươm thần, ngọn núi Chư Tao Yang trở thành một biểu tượng tâm linh đối với cư dân Plei Ơi và cộng đồng người Jrai bản địa.

Minh Tân
(còn nữa)