Huyền thoại về những Pơtao không ngai (4)
* Bài 4: Làng vua vắng bóng vua
(Cadn.com.vn) - Plei Tao - theo tiếng Jrai nghĩa là "làng của Vua" nơi in dấu một thời nắm thần quyền của vị Vua Nước - Pơtao Ia mà trong Đại Nam chính biên liệt truyện gọi là vùng đất "Thủy Xá". Nhưng cơn lốc của sự biến đổi của thời gian, của văn hóa khiến vị vua đang nhậm chức từ bỏ "ngai vương" để sống một cuộc sống bình thường như bao người đàn ông Jrai khác.
Làng Vua
Phía Đông Nam của ngọn núi lửa Hàm Rồng đã nguội lạnh sau triệu năm là một vùng bình nguyên rộng lớn trù phú, trải qua bao đời nay vùng đất đó đã định hình những nét văn hóa đặc sắc. Cùng với Vua Lửa, Vua Gió thì Vua Nước cũng mang những nét văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc của người Jrai bản địa bao đời nay. Làng Plei Tao (xã Ia Phang, H Chư Pưh) nơi vẫn còn những câu chuyện, những di vật của các đời Pơtao Ia truyền lại. Trong tâm trí của vị già làng Siu Lol còn nhớ: "Làng mình là nơi Vua Nước ở nên nhận được nhiều sự tôn trọng của các làng khác. Vua sống chung với dân làng, dùng gươm thần để xin Yang cầu cho làng bình an. Ngày nhỏ, mình đã được ông bà dặn những điều kiêng cữ như không được đến gần nơi Pơtao đang cúng, không bước chân lên nhà của Pơtao, không được đụng vào đồ cúng...".
Rơ Chăm Chuch - vị Vua Nước đời thứ 9 một thời oanh danh đã từ bỏ ngai vương (ảnh tư liệu). |
Cũng như 2 vị Vua Lửa và Vua Gió, thì Vua Nước cũng phải đi làm rẫy, cũng uống rượu nhưng chỉ với người già trong làng, không có quân lính, của cải mà chỉ có những phụ tá khi làm lễ. Trong Đại Nam chính biên nhị tập đã gọi vùng đất này là Thủy Xá, kể về sự qua lại và ban ơn của các vua triều Nguyễn với những Pơtao của vùng đất này. Nói về Thủy Xá có đoạn: "Đất ấy đông giáp nước Hỏa Xá, tây giáp huyện Sơn Bốc, nam giáp man Đen Đen, bắc giáp man Lai. Chỗ ở ba mặt có núi ngăn trở, một mặt là cánh đồng rộng, trong có nhà dân ước 100 nóc. Quốc trưởng có 7 gian nhà lợp tranh, ở phía đông chỗ dân cư, chẳng đặt thành quách gì, trong nhà đóng giả thờ thần".
Và từ đó, Vua Lửa ở Hỏa Xá, Vua Nước ở Thủy Xá được coi là đại diện của các dân tộc ở vùng đất cao nguyên này trong quan hệ với nhà Nguyễn. Cùng với đó là những nhà dân tộc học người Pháp lẫn sứ giả triều Nguyễn đều ngạc nhiên với những ông Vua không ngai, chỉ tồn tại ở mặt thần quyền... như một ông thầy cúng trong làng. Pơtao Ia hay nhiều người gọi là Vua Nước đã được nhắc đến như thế, với địa vị có lẽ như một thầy cúng không hơn. Thế nhưng, để giải thích vì sao gọi đây là làng Plei Tao (làng Vua) thì không ai có câu trả lời, ngay cả "hậu duệ" là con rể của đời Vua Nước thứ 7 là thầy giáo Kpăh Măng - người đang giữ những kỷ vật của Vua Nước cũng không giải thích được.
Những kỷ vật còn lại của Vua Nước. |
Từ bỏ "ngai vương"
Qua các tài liệu cũng như ghi chép của "hậu duệ" Vua Nước là thầy giáo Kpăh Măng thì Pơtao Ia ở làng Plei Tao được truyền qua 9 đời và cách đây hơn 500 năm. Đến vị vua đời thứ 9 thì người này đã từ bỏ "ngai vương" vì không muốn... làm vua. Lý giải về điều này, thầy giáo Kpăh Măng cho hay: "Làm vua cực lắm, nhà phải ở một khu riêng, uống rượu phải uống với người già hoặc một mình, tối kỵ uống với người trẻ. Trừ khi đi làm rẫy vua chỉ ra khỏi nhà khi đi cúng. Vua không được ăn các loại thịt chó, mèo, rắn, trăn, bò... Thế nên, người dân làng cho rằng vị Vua Nước đời thứ 9 là Rơ Chăm Chuch vì làm trái lời ông bà nên bị điên, không làm nữa, Chuch đã bỏ đi khỏi làng và ở làng khác với vợ hai rồi. Chuch nó không điên đâu, mình nghĩ nó không muốn làm vua thôi!".
Năm 1965, lúc Chuch còn trẻ đã được dân làng chọn làm ngôi vị Pơtao Ia đời thứ 9 nhưng có vẻ Chuch không ưng cái bụng. Khi ngày làm lễ "xưng ngôi" thì bất ngờ Chuch bị... điên và việc kế nghiệp của các đời Vua Nước trước phải dừng lại. Được một thời gian thì Chuch "hết bệnh" và bỏ đi. Dân làng lại đi tìm Chuch về để đưa Chuch lên ngôi Vua và lần này Chuch không có cớ gì để từ chối nữa. Đồng thời, dân làng cũng bắt vợ luôn cho vị vua mới của mình. Có với vợ đầu 11 đứa con nhưng chỉ nuôi được 5 đứa, cuộc sống của Chuch cũng nghèo khổ như bao mái nhà Jrai khác lúc đó. Rồi bỗng một hôm "bệnh điên" của Chuch tái phát nên vợ cũng bỏ luôn. Thấy Chuch cứ "bị điên" miết nên dân làng cho rằng Yang đã không còn chọn Chuch làm vua nên từ đó họ không còn coi Chuch là vị Pơtao Ia của người Jrai nữa. Đời Vua Nước thứ 9 cũng kết thúc... kỳ cục như vậy!
Thầy giáo Kpăh Măng - con rể của Vua Nước đời thứ 7 đang giữ thanh gươm thần. |
"Một thời gian sau thì Chuch hết bệnh, giờ nó lấy vợ ở làng khác rồi. Làng Plei Tao không còn Pơtao Ia nữa đâu!", thầy Măng cho biết. Trong trí nhớ của thầy Măng thì những ngày làm Vua Nước Chuch rất oai phong bởi đi cúng đâu cũng cưỡi voi, có phụ tá đi theo để hầu cúng. Nhưng tục cúng là thức ăn không được mang về nhà và người ta cũng không trả công cho vua, trong khi đó việc cúng chiếm hết thời gian làm rẫy của Chuch nên nhà Chuch nghèo lắm! Từ khi từ bỏ "ngai vương", Chuch lại trở về làm rẫy, uống rượu say ngất ngưởng với bất cứ ai. Khi chúng tôi muốn tìm đến gặp Chuch thì thầy Măng ngăn: "Tới không gặp được nó đâu, nó suốt ngày say rượu ngủ ở trong rẫy. Hỏi chuyện Vua nó không bao giờ nói đâu, nó không muốn làm vua nữa mà!".
Những kỷ vật của các Vua Nước đời trước truyền lại cho Chuch giờ được giao cho thầy Măng gìn giữ. Thế nhưng, kỷ vật cũng không còn gì nhiều ngoài một lưỡi gươm cũ, một chiếc bình gốm và cái dây có lục lạc đeo ở cổ voi. Thanh gươm thần đó được thầy Măng cất ở một địa điểm bí mật tại vùng núi Ia Sol và cứ một năm 1-2 lần, thầy lại lên núi xem thanh gươm. "Mấy anh muốn xem thanh gươm phải mua một con heo, một con gà, rượu đem về cúng, cúng xong mới được lên xem thanh gươm. Nhưng đường đi xa lắm, nửa ngày đi bộ mới tới đó", thầy Măng nói. Nghe cúng cả con heo... chúng tôi lại ngần ngừ. Theo truyền thuyết, thanh gươm này đã có lần được đưa về làng nhưng nó cứ cựa quậy, rung lên mỗi khi đêm xuống. Căn nhà cũng rung theo, chỉ khi đem gươm lên núi mới yên. Nhưng người kế tục thanh gươm đó không còn một ai, có lẽ giờ nó cũng nằm hoang lạnh, rỉ sét ở một góc núi nào đó!
Vậy là Pơtao Ia đời thứ 9 kết thúc không có hậu như vậy! Và ở Plei Tao cũng đã không còn ai kế vị kể từ gần hai mươi năm trở lại đây. Rơ Chăm - dòng họ được chọn làm Pơtao Ia có lẽ chỉ được nhắc đến trong những lời kể huyền bí trong sử sách và lời của một số người già trong làng Vua.
Minh Tân(còn nữa)