Hy vọng hướng Tây
(Cadn.com.vn) - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 29-4 rời thủ đô Tokyo, bắt đầu chuyến công du đến 6 quốc gia Châu Âu nhằm tăng cường quan hệ với các quốc gia "lục địa già" cũng như các thể chế quốc tế.
Chuyến công du kéo dài 9 ngày sẽ đưa Thủ tướng của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đến Đức, Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp và Bỉ. Trong chặng dừng chân đầu tiên tại Đức, ông Abe có kế hoạch hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel vào hôm nay (30-4).
Chuyến công du này được Bắc Kinh đặc biệt quan tâm khi diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Nhật Bản đón tiếp Tổng thống Mỹ Barack Obama, một chuyến đi cũng được cho là nhằm kiềm chế Trung Quốc. Và đặc biệt là chuyến thăm này diễn ra trong bối cảnh ông Abe đang mở rộng vai trò của Nhật Bản trong việc thúc đẩy và duy trì hòa bình-ổn định toàn cầu với việc hướng Tây.
Chuyến đi của ông chủ Nhà Trắng đã kết thúc và thậm chí Tổng thống Mỹ tuyên bố Washington không tìm cách ngăn chặn ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Châu Á-Thái Bình Dương, nhưng dư âm của nó vẫn khiến Bắc Kinh nổi giận. Nhưng rõ ràng, dù hy vọng rất nhiều, dù Trung Quốc lo lắng nhiều, nhưng Tokyo và Washington vẫn không tìm thấy điểm chung về một thỏa thuận thương mại tự do Thái Bình Dương mở rộng được gọi là Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại thời điểm người hàng xóm Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh quân sự, nhà lãnh đạo nhiều tham vọng của Nhật Bản hy vọng, chuyến đi này sẽ mang về cho Tokyo nhiều lợi nhuận, nhất là việc đạt được tiến bộ về đàm phán thương mại và an ninh.
Một năm trước đây, Liên minh Châu Âu (EU) và Nhật Bản mở bàn đàm phán thương mại song phương nhằm thúc đẩy kinh doanh giữa lục địa già và nền kinh tế thứ 3 thế giới, một thương trường sẽ chiếm khoảng 40% thương mại toàn cầu.
Hiện, giới chức hai bên cho biết, các cuộc đàm phán đang ngày càng tích cực và một thỏa thuận có thể đạt được trong chuyến thăm của ông Abe. Việc nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí của Tokyo càng giúp mở ra cơ hội thương mại với Châu Âu.
Hành trình chuyến đi của ông Abe gồm một Hội nghị Thượng đỉnh Nhật-EU và các cuộc họp với Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen và Angel Gurria, người đứng đầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - nơi Nhật Bản gia nhập cách đây 50 năm.
Đầu tháng này, việc Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, giới thiệu quy định mới bao gồm việc buôn bán vũ khí trong động thái mà những người ủng hộ cho là sẽ thúc đẩy vai trò toàn cầu của Tokyo. Nhưng khó khăn hiện nay của Nhật Bản là tình cảnh đang bị khóa trong tranh chấp lãnh thổ gay gắt với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán và cả những quan ngại về một vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Thanh Văn