Báo Công An Đà Nẵng

Hy vọng lẫn hoài nghi

Thứ bảy, 22/06/2019 11:50

Việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tuần này nhắc lại cam kết đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên được cho là sẽ giữ Bình Nhưỡng đi theo lộ trình thương lượng và làm dấy lên hy vọng đạt được tiến triển trong tiến trình phi hạt nhân hóa, song cũng không tránh khỏi những hoài nghi về các ý đồ địa chính trị của Bắc Kinh.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng ngày 20-6, ông Tập Cận Bình đã tái khẳng định sự ủng hộ của Bắc Kinh về "giải pháp chính trị" cho vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng đồng thời cam kết đóng vai trò "tích cực và xây dựng" trong tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo này.

Cam kết trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại gia tăng rằng cuộc tranh cãi hạt nhân kéo dài giữa Washington và Bình Nhưỡng có khả năng gây nguy hiểm cho hoạt động ngoại giao thượng đỉnh hiếm hoi để đạt được cơ chế hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. "Cộng đồng quốc tế hy vọng rằng các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Mỹ sẽ tiến lên phía trước và mang lại kết quả", Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập cho biết. Ông Tập cho biết thêm, Trung Quốc sẵn sàng tăng cường phối hợp và hợp tác với Triều Tiên, cũng như các bên liên quan khác và đóng vai trò tích cực và mang tính xây dựng trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo và sự ổn định lâu dài trong khu vực. Đáp lại, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết, đất nước của ông sẵn sàng "kiên nhẫn" và hy vọng rằng các bên liên quan sẽ hợp tác với Bình Nhưỡng để tìm ra giải pháp "đáp ứng mối quan tâm chính đáng của nhau và thúc đẩy kết quả từ quá trình đối thoại".

Giới phân tích nhận định, việc ông Tập Cận Bình nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc đối với phi hạt nhân hóa Triều Tiên càng làm gia tăng lo ngại rằng Bắc Kinh có thể đưa những phức tạp địa chính trị mới vào cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa vốn bị đình trệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, điều này cũng có thể là tia hy vọng cho toàn bộ tiến trình thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên do lời kêu gọi của Bắc Kinh về ổn định khu vực có khả năng giúp ngăn Bình Nhưỡng thay đổi theo hướng chiến thuật khiêu khích.

Giáo sư về ngoại giao Trung Quốc Kim Heung-kyu tại Đại học Ajou phân tích: "Trọng tâm trong cam kết của Trung Quốc đóng vai trò xây dựng đối với hòa bình trên bán đảo này là một lời cảnh báo cho những hành động khiêu khích quân sự của Triều Tiên. Đây là thông điệp rằng miền Bắc không nên gây thêm rắc rối". Sự thất vọng ngày càng tăng của Triều Tiên sau các cuộc đàm phán bế tắc Mỹ được thể hiện rõ bằng động thái Bình Nhưỡng hồi tháng trước đã phóng một loạt tên lửa, bao gồm cả tên lửa tầm ngắn, làm dấy lên lo ngại về việc miền Bắc quay trở lại chính sách đối đầu. Những lá thư cá nhân của ông Kim gửi cho Trump hồi đầu tháng này đúng dịp kỷ niệm hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của họ ở Singapore đã giúp giảm bớt căng thẳng và khơi dậy hy vọng cho việc nối lại đàm phán giữa hai bên.

Các chuyên gia phân tích còn cho rằng, cam kết của ông Tập Cận Bình đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên đã tái khẳng định tầm ảnh hưởng đáng kể của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng giữa lúc sự kình địch Trung-Mỹ về thương mại, công nghệ, an ninh hàng hải và các mặt trận địa chính trị khác ngày càng leo thang. "Ông Tập muốn xác nhận lại vị thế của Trung Quốc với tư cách là một bên liên quan địa chính trị quan trọng trên bán đảo", Nam Chang-hee, giáo sư chính trị quốc tế tại Đại học Inha nhận định.

Nhiều nhà quan sát cho rằng, ông Tập muốn thể hiện sức mạnh của Trung Quốc ở miền Bắc, qua đó tăng cường sức mạnh trước cuộc hội đàm với ông Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản vào tuần tới. Còn đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên, hội nghị thượng đỉnh với ông Tập là cơ hội quan trọng để xác nhận lại sự chú ý của Bắc Kinh đối với các mối quan ngại về an ninh của Bình Nhưỡng và nhấn mạnh rằng Bình Nhưỡng có đồng minh hùng mạnh ủng hộ nếu các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington trở nên tồi tệ.

T.NGỌC