Báo Công An Đà Nẵng

Hy vọng nhiều, thất vọng nhiều

Thứ ba, 19/12/2017 09:19

2  năm sau khi các đối thủ chính trị Libya ký kết một thỏa thuận, vốn do LHQ bảo trợ, tại Morocco, quốc gia Bắc Phi này vẫn không thể ra khỏi vũng lầy khủng hoảng và xung đột.

Hiệp định do LHQ làm trung gian được ký kết tại Morocco ngày 17-12-2015 đã giúp thành lập Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong 1 năm, và chỉ được gia hạn thêm 1 lần. Hồi tháng 9, LHQ phát động nỗ lực để các bên đạt được một thỏa thuận mới nhằm tạo sự ổn định cho Libya, vốn rơi vào tình trạng hỗn loạn kể từ khi chế độ của nhà độc tài Muammer Gaddafi sụp đổ năm 2011. Tuy nhiên, nỗ lực bất thành.

Thật ra, đã có rất nhiều kỳ vọng về một tương lai ổn định cho Libya qua thỏa thuận này. Tuy nhiên, Libya vẫn bị chia rẽ giữa một bên là GNA - có trụ sở tại Tripoli và do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo với một bên là chính quyền đối lập do tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn đóng tại miền đông đất nước. Trong ngày 17-12, tướng Haftar khẳng định, nhiệm kỳ của chính phủ được LHQ hậu thuẫn đã chấm dứt sau khi thỏa thuận chính trị 2015 hết hiệu lực. Nhưng rõ ràng, đây chỉ là cái cớ hoàn hảo. Trên thực tế, tướng Haftar chưa bao giờ thừa nhận thẩm quyền của GNA.

Nhưng dù sao, chính thỏa thuận này cũng giúp các bên kiềm chế hơn. Vì vậy, việc thỏa thuận chính trị Libya hết hiệu lực đánh dấu bước ngoặt lịch sử và nguy hiểm. Bởi lẽ, tất cả các cơ quan được hình thành sau thỏa thuận này sẽ tự động mất đi tính hợp pháp - điều này bị phản đối kể từ ngày đầu tiên các cơ quan trên đi vào hoạt động.

Câu hỏi được đặt ra, nếu các bên đều cho rằng, ngày 17-12 đánh dấu kết thúc thỏa thuận, tương lai của Libya là gì? Nhiều người nghĩ đến kịch bản, tướng Haftar có khả năng sử dụng sức mạnh của quân đội để giành quyền điều hành đất nước, trong trường hợp hai bên không thể đi đến một thỏa thuận chính trị mới. Tại miền đông, người dân tổ chức các cuộc mít-tinh cùng với chiến dịch quy mô lớn thu thập 2 triệu chữ ký để “đưa” tướng Haftar lên nắm quyền điều hành đất nước trong bối cảnh chia rẽ chính trị vẫn nghiêm trọng hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, nhiều người phản đối, cho rằng, thỏa thuận 2015 vẫn là “khuôn khổ khả thi duy nhất” để chuẩn bị cho cuộc bầu cử được tổ chức vào năm 2018.

THANH VĂN