Báo Công An Đà Nẵng

ICC điều tra tội ác chiến tranh ở Afghanistan

Thứ bảy, 07/03/2020 12:04

Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ngày 5-3 ra phán quyết công tố viên có thể mở cuộc điều tra tội ác chiến tranh tại Afghanistan, bao gồm cả việc xem xét các hành động tàn bạo có thể có của quân đội Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng quyết định của ICC là “liều lĩnh”.

Dân làng Afghanistan tìm kiếm thi thể những người thiệt mạng trong một vụ không kích của NATO ở tỉnh Logar hồi năm 2012. Ảnh: AFP

Tấn công ở thủ đô của Afghanistan, quan chức cấp cao thoát chết

Ngày 6-3, một vụ tấn công đã xảy ra tại một buổi lễ ở thủ đô Kabul của Afghanistan, nơi có sự hiện diện của ông Abdullah Abdullah, quan chức điều hành cấp cao chính quyền Afghanistan (chức vụ tương đương Thủ tướng). Rất may ông này đã được an toàn sau vụ việc.

Theo người phát ngôn Fraidoon Kwazoon của ông Abdullah, vụ tấn công xảy ra tại lễ tưởng nhớ Abdul Ali Mazari, một chính trị gia thuộc nhóm sắc tộc Hazara, khiến ít nhất 27 người đã thiệt mạng và 29 người khác bị thương. Vụ tấn công bắt đầu bằng một tiếng nổ, nhiều khả năng do rocket rơi xuống khu vực này. Ông Abdullah và một số chính trị gia khác đã tránh được vụ tấn công và không bị thương.

Đây được coi là vụ bạo lực đầu tiên xảy ra tại thành phố này kể từ khi Mỹ ký thỏa thuận rút quân với lực lượng Taliban hôm 29-2. Taliban ngay lập tức phủ nhận dính líu tới vụ tấn công này. Năm ngoái cũng đã xảy ra vụ tấn công nhằm vào sự kiện này, khiến ít nhất 11 người thiệt mạng. Một nhóm Hồi giáo đã thừa nhận đứng sau vụ tấn công.

B.N

Quyết định của các thẩm phán ICC đã đảo ngược phán quyết của một tòa án cấp dưới khi ngăn chặn cuộc điều tra vì cho rằng tỷ lệ thành công thấp và không phục vụ lợi ích công lý. Phán quyết này đã trao cho công tố viên trưởng của ICC Fatou Bensouda cơ hội điều tra tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người có thể do phiến quân Taliban, các lực lượng Afghanistan hay Quân đội Mỹ tiến hành trong thời gian xảy ra xung đột tại quốc gia Nam Á này.  

Động thái này của ICC được các tổ chức nhân quyền ca ngợi là một “khoảnh khắc quan trọng” đối với các nạn nhân của cuộc chiến tranh 18 năm, kể từ khi Mỹ kéo quân đến đây vào năm 2001. Ông Bensouda cũng ca ngợi phán quyết này, cho biết đây là một ngày quan trọng cho sự nghiệp công lý ở Afghanistan.

Nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ trích quyết định của ICC, cho rằng đó là một động thái “liều lĩnh” và là “một hành động không thể tin được” của một thể chế chính trị đóng vai trò là một cơ quan pháp lý. Phát biểu trong cuộc họp báo ở Washington, ông Pompeo cho rằng, còn liều lĩnh hơn nữa khi phán quyết này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ ký thỏa thuận hòa bình lịch sử về Afghanistan với Taliban, cơ hội tốt nhất để mang lại hòa bình cho quốc gia bị chiến tranh tàn phá này.

Lợi ích của công lý

Các thẩm phán tại ICC - một tòa án độc lập được thành lập vào năm 2002 để xét xử các tội ác tồi tệ nhất thế giới - hồi năm ngoái đã bác bỏ yêu cầu của công tố viên trưởng về việc mở một cuộc điều tra toàn diện về các tội ác đã gây ra ở Afghanistan. Các công tố viên tại ICC đã kháng cáo hành động này, cho rằng các thẩm phán đã phạm luật khi họ bác yêu cầu của ông Bensouda bằng cách lập luận rằng dù yêu cầu này đáp ứng tất cả các tiêu chí và có cơ sở hợp lý, nhưng không phải là lợi ích của công lý.

Các thẩm phán sau đó đã đồng ý việc truy tố. Theo đó, các công tố viên được giao nhiệm vụ sẽ bắt đầu cuộc điều tra về các tội ác được cho là đã gây ra trên lãnh thổ Afghanistan kể từ ngày 1-5-2003. “Các công tố viên sẽ xác định liệu có cơ sở hợp lý để bắt đầu một cuộc điều tra hay không”, thẩm phán của ICC, Piotr Hofmanski, cho biết.

Trên thực tế, các thẩm phán cho biết, các công tố viên thậm chí có thể xem xét sự tàn bạo có thể xảy ra bên ngoài Afghanistan nếu chúng có mối liên hệ rõ ràng với cuộc xung đột vũ trang tại nước này. Các công tố viên của ICC cho biết, cuộc điều tra của họ sẽ bao gồm các tội ác chiến tranh xảy ra tại các cơ sở giam giữ thuộc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), được cho là các “điểm đen” tại các quốc gia thành viên của ICC như Lithuania, Ba Lan và Romania. Ít nhất 24 người đã bị tra tấn tại các nhà tù bí mật này trong giai đoạn 2003-2004, các công tố viên cho biết.

Năm 2006, các công tố viên ICC đã mở một cuộc điều tra sơ bộ về các tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở quốc gia Nam Á này kể từ năm 2003. Năm 2017, ông Bensouda đã yêu cầu các thẩm phán cho phép mở một cuộc điều tra toàn diện, không chỉ đối với Taliban và các nhân viên chính phủ Afghanistan mà cả lực lượng quốc tế, quân đội Mỹ và các thành viên của CIA. Nhưng các thẩm phán cho rằng, điều đó sẽ không phục vụ lợi ích của công lý, và tòa án nên tập trung vào các vụ án có cơ hội thành công cao hơn.

Phản ứng dữ dội

Động thái của ông Bensouda đã gây ra một phản ứng dữ dội từ Washington. Tháng 4-2019, Mỹ đã thu hồi visa của vị công tố viên này nhằm ngăn ông điều tra các nhân viên Mỹ hoặc các đồng minh. Hồi năm 2018, cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton thậm chí còn cảnh báo rằng Mỹ sẽ bắt giữ các thẩm phán của ICC nếu tòa án này theo đuổi cuộc điều tra ở Afghanistan.

Mỹ không phải thành viên tại ICC và bác bỏ quyền tài phán của nước này, cho rằng nó gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền quốc gia. Washington lập luận rằng họ có các quy trình riêng để xử lý các thành viên quân đội có hành vi sai trái. Afghanistan cũng phản đối cuộc điều tra, nói rằng chính họ “có trách nhiệm mang lại công lý cho đất nước và  nhân dân”.

Phán quyết của ICC, diễn ra chỉ vài ngày sau khi Taliban giết chết ít nhất 20 binh sĩ và cảnh sát Afghanistan trong một loạt các cuộc tấn công, làm dấy lên những hoài nghi về sự thành công của tiến trình hòa bình non trẻ tại nước này. Theo các điều khoản của thỏa thuận mà Mỹ và Taliban ký kết gần đây, các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng, tuân theo các đảm bảo an ninh của Taliban và cam kết của lực lượng nổi dậy trong việc đàm phán với Kabul.

Một lực lượng do Mỹ dẫn đầu đã kéo đến Afghanistan vào năm 2001 sau vụ tấn công khủng bố 11-9 ở Mỹ. Chiến sự đã tiếp diễn kể từ đó. Theo dữ liệu của LHQ, năm ngoái, hơn 3.400 dân thường đã thiệt mạng và gần 7.000 người bị thương.

AN BÌNH