Báo Công An Đà Nẵng

Idlib - nơi đánh dấu kết thúc cuộc chiến Syria?

Thứ năm, 06/09/2018 10:12

Nga cho rằng, tình hình ở Idlib rất đáng báo động vì nơi đây là “ổ khủng bố”. Mỹ chia sẻ quan ngại với Nga, nhưng cảnh báo về nguy cơ “thảm họa nhân đạo” nếu chính phủ Syria mở cuộc tấn công để giải phóng tỉnh này.

Idlib hoang tàn do chiến tranh.   Ảnh: AFP

Tỉnh Idlib ở phía tây bắc Syria là khu vực chính cuối cùng còn nằm dưới quyền kiểm soát của các phiến quân nổi dậy. Trong suốt chiều dài cuộc chiến hơn 7 năm qua, nó trở thành ngôi nhà của số lượng lớn những người di tản ở trong nước. Theo BBC, khoảng 3 triệu người hiện đang tập trung ở khu vực nông thôn này. Một loạt các thỏa thuận đã cho phép các phiến quân nổi dậy từ các khu vực khác di chuyển đến đây trong bối cảnh chính phủ Syria đã giành lại quyền kiểm soát ở hầu hết các vùng đất rộng lớn còn lại của đất nước.

Bây giờ, sự chú ý của Tổng thống Bashar al-Assad đang hướng về phía Idlib. Lực lượng của ông Assad và các đồng minh đang ồ ạt đến đây. Ngoài ra, còn có một lực lượng hải quân đáng kể của Nga được triển khai ngoài khơi bờ biển Syria. Nhiều tàu chiến của Moscow mang theo loại tên lửa tấn công đất có thể tăng thêm sức mạnh cho hỏa lực của lực lượng chính phủ Syria. Đối với chính phủ Syria, một cuộc tấn công ở Idlib sẽ đánh dấu đỉnh điểm của những nỗ lực của Tổng thống Assad nhằm giành lại quyền kiểm soát đất nước và phá vỡ những quốc gia phản đối việc ông nắm quyền. Nhưng các cơ quan viện trợ và LHQ lo sợ một thảm họa nhân đạo lớn có thể sẽ bùng nổ sau các cuộc tấn công ở Idlib.

Phải diệt “ổ khủng bố”

Nga cho rằng, tình hình ở Idlib rất đáng báo động vì nơi đây là “ổ khủng bố”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết vẫn còn hàng chục nghìn phần tử cực đoan, do nhóm khủng bố Mặt trận Al-Nusra cầm đầu, đang hoạt động tại tỉnh Idlib.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 5-9, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cũng nhấn mạnh, Moscow đang giữ liên lạc ở nhiều cấp độ liên quan đến vấn đề này. Phát biểu với báo giới, ông Peskov nói: “Tình hình tại Idlib đang ngày càng đáng lo ngại. Dĩ nhiên, Nga đang liên lạc với các đối tác cùng quan tâm ở nhiều cấp độ về vấn đề này”. Washington chia sẻ quan ngại với Moscow về khủng bố ở Idlib và sẵn sàng làm việc để giải quyết vấn đề này. Phát biểu với phóng viên, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định: “Đó là tuyên bố chính xác. Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với họ (Nga)”. Nhưng Washington vẫn cảnh báo về nguy cơ “thảm họa nhân đạo” nếu chính phủ Syria mở cuộc tấn công để giải phóng tỉnh này. Mỹ hy vọng giải quyết căng thẳng tại Idlib bằng phương pháp ngoại giao.

Vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ

Dù Idlib diễn biến như thế nào cũng không ảnh hưởng nhiều đến tương lai nắm quyền của Tổng thống Assad. Nhưng vấn đề là đây không chỉ là trận chiến giữa lực lượng chính phủ Syria và các phiến quân. Nhiều nước khác gồm Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cũng liên quan, trong đó liên quan mật thiết nhất là Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có đường biên giới kéo dài với Syria.

Thất vọng bởi chính sách của Mỹ ở Syria và cảnh báo về làn sóng những người tị nạn đã chảy qua biên giới của mình, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển hướng về Nga, Iran và chính phủ Syria để thiết lập sự ảnh hưởng nhất định. Cuộc họp thượng đỉnh của Iran, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tại thủ đô Tehran vào ngày 7-9 tới là minh chứng rõ nét cho chính sách này của Ankara. Tại cuộc gặp này, các bên sẽ tập trung thảo luận về cuộc khủng hoảng kéo dài tại Syria và khôi phục hòa bình tại Nhà nước Arab này. Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là những nước bảo đảm cho thỏa thuận ngừng bắn tại Syria cũng như làm trung gian cho tiến trình hòa bình giải quyết cuộc khủng hoảng Syria kể từ năm 2016.

Nhưng giới chuyên gia lo ngại, việc Thổ Nhĩ Kỳ nhúng tay vào Idlib sẽ làm phức tạp vấn đề. Ankara mô tả một cuộc tấn công lớn vào Idlib như là một “giới hạn đỏ” không nên vượt qua. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan ngày 5-9 cho rằng, một cuộc tấn công nhằm vào Idlib sẽ là một cuộc thảm sát. Rõ ràng, không ai biết được những gì Thổ Nhĩ Kỳ có thể làm nếu chính phủ Syria mở một cuộc tấn công ở Idlib.

Theo các nguồn tin, chính phủ Syria được cho là có thể sẽ chờ tới ngày 10-9 trước khi tiến hành một cuộc tấn công, điều này khiến cho cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 7-9 tại Tehran trở nên “quan trọng”.

KHẢ ANH