Báo Công An Đà Nẵng

Indonesia chạy đua cứu người mắc kẹt sau động đất

Thứ ba, 31/07/2018 09:48

Trong ngày 30-7, các du khách bị mắc kẹt đã bắt đầu tìm đường xuống núi lửa Rinjani nhưng không thể đến được các điểm cứu hộ trước khi màn đêm buông xuống.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo thăm những người bị ảnh hưởng bởi động đất tại nơi trú ẩn ở Lombok hôm 30-7.   Ảnh: AFP

Lực lượng cứu hộ ngày 30-7 nỗ lực tiếp cận hơn 500 du khách bị mắc kẹt  trên núi lửa Rinjani sau trận động đất 6,4 độ Richter gây ra lở đất ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Lombok của Indonesia hôm 29-7.

Động đất tấn công đảo Lombok hôm 29-7 khiến ít nhất 14 người chết và hơn 160 người bị thương. Động đất cũng gây ra vụ lở đất lớn trên núi Rinjani khiến Cổng vào Công viên Quốc gia núi Rinjani - vốn là điểm đến ưa thích của nhiều du khách - bị phá hủy. Các dư chấn động đất sau đó khiến các tuyến đường đi bộ lên và xuống núi này bị phong tỏa hoàn toàn.

Hơn 500 người bị mắc kẹt

Theo AP, lực lượng cứu hộ di tản hơn 800 du khách ở khu vực núi này. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 560 người khác bị mắc kẹt trên núi Rinjani, gồm các công dân đến từ Mỹ, Pháp, Hà Lan, Thái Lan và Đức, cũng như nhiều quốc gia khác.

Đại sứ quán Thái Lan tại Jakarta hôm 30-7 cho biết, 239 công dân của họ bị mắc kẹt trong khu vực xung quanh núi này. Du khách Thái Lan Thanapon Worawutchainan, người đã lên đỉnh núi khi trận động đất xảy ra, đăng một đoạn băng trên facebook cho thấy cảnh nhiều người bị ngã xuống dốc núi do động đất. Ông cho biết, mặt đất rung chuyển dữ dội và mọi người nằm xuống cho đến khi những chấn động dừng lại. “Nó trông giống như ngọn núi trước mặt tôi sắp sụp đổ”, một du khách người Thái Lan có tên Funknathee Prapasawat, nói trên facebook và cho biết thêm, “một số người bị thương do đá đè”.    

Chính quyền Indonesia đã phải huy động máy bay trực thăng để tìm kiếm những người bị mắc kẹt. Tuy nhiên, việc cứu hộ gặp khó khăn do hàng loạt dư chấn sau đó. Các quan chức tìm kiếm và cứu nạn cho biết, trong ngày 30-7, các du khách đã bắt đầu tìm đường xuống núi Rinjani nhưng không thể đến được các điểm cứu hộ trước khi màn đêm buông xuống. Du khách bắt đầu xuống núi sau khi các hướng dẫn viên phát hiện ra một con đường không bị ảnh hưởng do lở đất. Các máy bay trực thăng và các đội tìm kiếm được triển khai để tìm kiếm khắp các sườn núi và thả các nguồn cung cấp thực phẩm cho những người bị mắc kẹt.

Tuy nhiên, việc tìm kiếm cứu hộ sẽ bị tạm dừng trước khi trời tối. “Với số thực phẩm cung cấp, những người bị mắc kẹt có thể dùng tạm trong 2 ngày tới”, Agus Hendra Sanjaya, người phát ngôn của cơ quan tìm kiếm và cứu nạn của Mataram, nói với AFP. Việc di tản tiếp theo nhiều khả năng sẽ kéo dài đến hôm nay (31-7).

Hàng ngàn người vẫn trú ẩn

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết, tâm chấn động đất là 50km về phía đông bắc thành phố Mataram, Lombok ở miền bắc. Cơ quan khí tượng Indonesia đã ghi nhận hơn 130 dư chấn sau đó.

Tại ngôi làng Medas bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại phía bắc Mataram, hầu hết các ngôi nhà đã bị phá hủy. Khu vực này hiện không có người ở, chỉ có một vài người trở lại để tìm kiếm tài sản trong đống đổ nát. Hiện, hơn 5.000 người đang ở tạm trú ở các khu di tản và cần nước sạch. Rinjawani Pebolaisia, một người sơ tán tại một nơi trú ẩn ở Đông Lombok, nói rằng, họ thiếu các nguồn thực phẩm và nước sạch cơ bản. “Chúng tôi hy vọng hàng viện trợ sẽ đến sớm - chỉ có mì ăn liền ở đây”, Pebolaisia, 30 tuổi, nói với AFP và cho biết, “chúng tôi cũng cần sữa cho trẻ em, tã, cũng không có chăn... Nhiều người đang ngủ bên ngoài”.

Tổng thống Joko Widodo đã đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng trong ngày 30-7 và cam kết hỗ trợ tài chính cho những người đã mất nhà cửa. “Chúng ta phải biết, đất nước chúng ta ở trong “Vành đai lửa”, vì vậy mọi người cần phải chuẩn bị để đối mặt với bất kỳ thảm họa nào”, ông Widodo nói. Thực tế, Indonesia là một trong những quốc gia dễ bị thiên tai nhất trên trái đất, nằm giữa cái gọi là “Vành đai lửa” của Thái Bình Dương, nơi xảy ra hầu hết các vụ phun trào núi lửa và động đất của thế giới.

Năm 2004, một trận sóng thần kinh hoàng xảy ra sau động đất 9,3 độ Richter ngoài khơi bờ biển Sumatra ở miền tây Indonesia đã giết chết 220.000 người ở các nước xung quanh Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người ở Indonesia.

KHẢ ANH