Báo Công An Đà Nẵng

Indonesia nở rộ nạn buôn người “nội địa”

Thứ tư, 03/07/2013 11:49

(Cadn.com.vn) - Giới chức Indonesia đang phải đau đầu giải quyết nạn buôn người bùng nổ bên trong đất nước vạn đảo này. Khi nói đến buôn người, người ta nghĩ đến cái gì đó diễn ra qua biên giới liên quan đến các nhóm tội phạm quốc tế bắt các nạn nhân và sau đó chuyển họ đến các nước khác và ép buộc họ làm nô lệ. Trong thực tế, điều này chỉ đúng một nửa. Nạn buôn người còn diễn ra trong nước, nơi các nạn nhân bị người thân trong gia đình, bạn bè, hàng xóm và cả đồng nghiệp lừa, sau đó bán sang một khu vực khác của đất nước. Tại Indonesia, loại hình này đang diễn ra phổ biến, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh con người.

Bi kịch cuộc đời

Nhìn bề ngoài, Ira, 15 tuổi, trông giống như mọi cô gái bình thường khác. Nhưng cô gái này đã bị bán hai lần - lần đầu tiên do người hàng xóm và lần thứ hai - kinh hoàng hơn- bởi người chồng của cô.

Người hàng xóm trên giới thiệu mình là nhà môi giới cho một trung tâm tuyển dụng. Ông này giới thiệu cho Ira công việc trông trẻ ở Jakarta với mức lương 50 USD/ tháng. Vì cần tiền, cha mẹ cô cho con gái đi làm để giúp đỡ gia đình. Nhưng khi đến Jakarta, Ira bị lừa. Cô muốn trở về nhà, nhưng không được. Cô chỉ được phép rời khỏi sau khi hoàn trả lệ phí sử dụng lao động cho các nhà môi giới. Ira buộc phải ở lại Jakarta cho đến khi cô trả hết nợ. Điều này đã dẫn cô đến bi kịch thứ hai.

 

 

Indonesia cần một biện pháp mạnh hơn để đẩy lùi nạn buôn người.
Ảnh: The Diplomat 

Trong khi cố gắng kiếm tiền trả nợ, cô gặp và kết hôn với một người đàn ông trong khu phố địa phương. Nhưng rồi chính người chồng này bắt đầu đưa cô đến quán bar, câu lạc bộ đêm và buộc cô bán thân để kiếm tiền. May thay, trong một lần bán dâm, một khách hàng hỏi tuổi của cô và báo cho các nhà chức trách. Ira được chuyển đến một nơi trú ẩn của chính phủ dành cho trẻ em là nạn nhân của nạn buôn người.

Tình trạng báo động

Câu chuyện đáng buồn của Ira chỉ là một phần trong bức tranh lớn hơn về tình trạng nam giới, phụ nữ và trẻ em bị bán trong và giữa các đảo chính của Indonesia như Sumatra, Java, Kalimantan, Sulawesi, Maluku và Papua. Họ bị buộc phải bán dâm, bị buộc lao động trong các ngành khai khoáng, nông nghiệp, ngư nghiệp...

Theo báo cáo Tình trạng Buôn người năm 2012 của Bộ Ngoại giao Mỹ, buôn người nội địa là “vấn đề lớn” ở Indonesia. “Đối với nạn buôn người qua biên giới, phải có sự trợ giúp của một số cơ quan chính phủ thì điều này mới xảy ra. Nhưng đối với buôn người nội địa, họ không gặp phải sự chú ý của bất cứ quan chức nào, vì vậy đây là tình trạng đáng báo động”, người đứng đầu Tổ chức Di cư quốc tế Indonesia (IOM) Denis Nihill nói.

Một thực tế là nạn nhân thường bị lừa bởi những người mà họ biết. Gia đình, bạn bè và hàng xóm, vô tình hay cố ý, biến họ thành nạn nhân. Một báo cáo về tình trạng buôn người năm 2011 của IOM cho biết, 31% số nạn nhân buôn người nội địa ở Indonesia là do bị bạn bè lừa. Những người làm nghề môi giới này có thể được trả lên đến 500 USD nếu tuyển được một người. Theo cách truyền thống, những người này sẽ giả vờ tuyển dụng lao động, sau đó bán họ sang các đảo khác của Indonesia.

Cha mẹ cũng tham gia vào đường dây này, đa số là gửi con cái đến làm việc trong ngành công nghiệp tình dục để trả nợ.

Cần một biện pháp mạnh hơn

Các nhà chức trách Indonesia đang đấu tranh để ngăn chặn tình trạng này, truy tố bọn tội phạm, cũng như giúp đỡ những  nạn nhân của vấn đề này.

Trong giai đoạn 2005-2012, IOM Indonesia hỗ trợ 4.873 nạn nhân. Năm 2007, chính phủ thông qua Luật buôn người, trong đó quy định hình phạt tối đa 15 năm tù cho những kẻ phạm tội. Trong năm 2009, chính phủ phê chuẩn Nghị định thư của Liên hợp quốc về buôn người. Ngay sau đó, Indonesia thành lập một lực lượng đặc nhiệm chống buôn người, quy tụ một loạt các bộ và cơ quan chính phủ nhằm đối phó với tình trạng này. Tuy nhiên, việc triển khai các lực lượng đặc nhiệm quốc gia ở cấp địa phương không đủ mạnh mẽ và kết quả không được như mong đợi.

Johan, Phó trợ lý Bộ Bảo vệ Phụ nữ và Trẻ em Indonesia cho biết tội loại phạm này như “tảng băng trôi” và những số liệu thống kê chỉ là một phần nhỏ so với thực tế.

An Bình (Theo The Diplomat)