Iran đối mặt với "tình huống chiến tranh" sau lệnh trừng phạt của Mỹ
Iran "nghênh đón" việc tái áp đặt các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng các cuộc tập trận phòng không và sự thừa nhận của Tổng thống Hassan Rouhani rằng, Tehran đang phải đối mặt với một "tình huống chiến tranh", trước cách tiếp cận của Mỹ đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ không chỉ làm tổn hại đến nguồn thu từ dầu của Iran, mà còn khiến thị trường dầu mỏ thế giới gặp rủi ro. Ảnh: AFP |
Tiếp tục bán dầu
Ngày 5-11, các biện pháp trừng phạt nhằm vào khu vực tài chính và dầu mỏ của Mỹ đối với Iran bắt đầu có hiệu lực. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi đây là những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất từ trước đến nay đối với quốc gia Hồi giáo này.
Iran tuyên bố sẽ tiếp tục bán dầu và phá vỡ các lệnh trừng phạt mà Mỹ tái áp đặt nhằm vào ngành năng lượng của nước này. Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ngày 5-11, Tổng thống Iran Hassan Rohani khẳng định, Mỹ muốn cắt giảm doanh số bán dầu của Iran bằng không. Tuy nhiên, Iran sẽ vẫn tiếp tục bán dầu. "Hôm nay, Iran có thể bán dầu của mình và sẽ tiếp tục bán", ông Rouhani khẳng định tại một hội thảo kinh tế trong nước được truyền hình trực tiếp.
Trong khi đó, Iran ngày 5-11 khởi động cuộc tập trận phòng không. Kênh truyền hình quốc gia của nước này phát hình ảnh các hệ thống phòng không và khẩu đội pháo phòng không của Iran trong cuộc diễn tập kéo dài 2 ngày tại khu vực rộng lớn ở miền Bắc nước này. Tướng quân đội Iran Habibillah Sayyari cho biết, cả quân đội quốc gia và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đều tham gia, đặc biệt toàn bộ đạn dược được sử dụng trong cuộc tập trận đều do nước này sản xuất.
Mỹ cho biết sẽ tạm thời cho phép 8 nước tiếp tục nhập khẩu dầu Iran khi Washington tái áp đặt lệnh trừng phạt nhằm buộc Tehran phải kiềm chế các hoạt động hạt nhân, tên lửa và các hoạt động trong khu vực. Việc khôi phục các lệnh trừng phạt là một phần của nỗ lực lớn hơn của Tổng thống Donald Trump nhằm buộc Iran phải kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa cũng như hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm tại Yemen, Syria, Lebanon và các khu vực khác của Trung Đông.
Tổng thống Rouhani nói: "Hôm nay kẻ thù Mỹ đang nhắm vào nền kinh tế của chúng ta... mục tiêu chính của biện pháp trừng phạt là người dân chúng ta". Ông Rouhani cam kết với các quan chức chính phủ rằng Iran sẽ vượt qua các biện pháp trừng phạt. "Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh. Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh kinh tế. Chúng ta đang đối mặt với kẻ thù bắt nạt. Chúng ta phải chiến thắng", ông Rouhani nói.
Ông Philip Giraldi, cựu sĩ quan Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhận định, quyết định của Tổng thống Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt Tehran là sai lầm và gây ra nhiều hậu quả. Ông Giraldi nêu rõ: "Chắc chắn việc trừng phạt Iran là hoàn toàn sai lầm" bởi Tehran vẫn tuân thủ thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa nước này và nhóm P5+1 bất chấp những tuyên bố của ông Trump. Vì vậy, đó là động thái thực sự xấu của Mỹ. Động thái này đã lấy đi một thỏa thuận vốn là một thỏa thuận tốt và không có gì để thay thế thỏa thuận đó... với điều gì đó rất tồi tệ và có thể dễ dàng dẫn tới chiến tranh".
Thị trường dầu gặp rủi ro
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các nhà nhập khẩu dầu của Iran đe dọa đến sự cân bằng bấp bênh của thị trường dầu thô và có khả năng khiến giá dầu tăng cao.
Riccardo Fabiani, nhà phân tích của Energy Aspects cho biết: "Trong những tuần tới, tất cả mọi con mắt sẽ đổ dồn vào việc xuất khẩu dầu của Iran". Động thái của Mỹ chắc chắn tác động đến nguồn thu từ dầu mỏ của Tehran, nhưng cũng đánh vào trụ cột lớn của thị trường dầu mỏ toàn cầu - bởi Iran là nhà sản xuất dầu lớn thứ ba của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - qua đó gây ra những hậu quả lớn đối với nguồn cung của thế giới. Iran xuất khẩu tương đương 2,5 triệu thùng/ngày hồi tháng 4, trước khi Mỹ tuyên bố sẽ tái áp đặt lệnh trừng phạt. Các nước sản xuất dầu lớn khác dự kiến sẽ tăng sản lượng để bù đắp cho sự suy giảm sản lượng của Iran. Nhưng khi làm như vậy, các nước này đứng trước nguy cơ mất khả năng phản ứng với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trong tương lai.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu lớn nhất thế giới, tuyên bố rằng có thể đáp ứng sự thiếu hụt nguuồn cung từ Iran, nhưng một số người mua trên thị trường đang tự hỏi liệu vương quốc có cạn kiệt nguồn năng lượng của mình hay không. "Saudi Arabia có thể sản xuất 12 triệu thùng/ngày, nhưng chỉ khi nó được đầu tư", ông Joel Hancock, nhà phân tích của Natixis, cho biết, lưu ý rằng nước này hiện đang sản xuất dưới 11 triệu thùng/ngày. Ông cho hay, Riyadh hiện chỉ có thể sản xuất thêm 300.000 thùng/ngày, và công suất này chỉ có thể kéo dài trong vòng chưa tới 30 ngày.
Samir Madani, một nhà phân tích của Tanker Trackers, chuyên theo dõi các tàu chở dầu qua vệ tinh, cho biết: "Câu thần chú hiện nay là Saudi Arabia nhưng sản lượng của nước này vẫn giữ ở mức 10 hoặc 10,2 triệu thùng/ngày".
AN BÌNH