Iran trước cáo buộc “vô tình” bắn hạ máy bay Ukraine
Iran chính thức mời Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) tham gia cuộc điều tra về vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine (UIA), khiến tất cả 176 người trên máy bay đều thiệt mạng. Lời mời được đưa ra sau khi có một số cáo buộc Iran đã vô tình bắn hạ máy bay này chứ không phải do lỗi kỹ thuật như những báo cáo đưa ra trước đó.
Các chuyên gia thu thập những mảnh vỡ sau vụ tai nạn để phục vụ cho cuộc điều tra. Ảnh: AFP |
“Rất có thể bị bắn nhầm”
Chiếc máy bay Boeing 737 của UIA bị rơi sau khi cất cánh khỏi sân bay quốc tế vào ngày 8-1 vừa qua, làm toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên máy bay thiệt mạng. Truyền thông Iran trước đó đưa tin vụ rơi máy bay do lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, Hãng hàng không quốc tế Ukraine cho biết, đây là loại máy bay mới, vừa được đưa đi bảo dưỡng theo lịch trình, trong khi phi công lái máy bay là người có kinh nghiệm.
Nhiều nước như Canada, Mỹ, Anh đều cho biết có thông tin tình báo về khả năng Iran “vô tình” bắn hạ máy bay Ukraine. Phát biểu với báo giới tại thủ đô Ottawa ngày 9-1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, các nguồn tin tình báo của nước này và liên minh cho thấy, tên lửa đất đối không của Iran đã bắn hạ chiếc máy bay Boeing 737 mang số hiệu PS-752 của UIA. Thủ tướng Trudeau nhận định, hành động của Iran rất có thể là “không chủ định” và thông tin này đã “củng cố thêm sự cần thiết phải tiến hành điều tra kỹ lưỡng về vụ việc”. Trong tổng số 176 người có mặt trong chuyến bay xấu số trên, có ít nhất 63 người là công dân Canada. Trước đó, Ngoại trưởng Canada Francois-Philippe Champagne đêm 8-1 đã thực hiện một cuộc điện đàm hiếm hoi với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif để nhấn mạnh đề nghị của Ottawa về việc điều tra vụ rơi máy bay. Đồng quan điểm với Thủ tướng Trudeau, Thủ tướng Anh Boris Johnson cùng ngày cũng cho hay, có hàng loạt bằng chứng cho thấy máy bay của UIA có thể đã bị một quả tên lửa đất đối không, được phóng lên một cách không cố ý, bắn hạ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9-1 cho biết, ông có “những hoài nghi” về vụ rơi máy bay hôm 8-1, trong bối cảnh truyền thông Mỹ đưa tin, Iran đã bắn hạ chiếc máy bay này do nhầm lẫn. Ông Trump nói: “Tôi có những hoài nghi. Chiếc máy bay đang bay qua một khu vực tương đối phức tạp và ai đó có thể đã mắc sai lầm... điều gì đó khủng khiếp đã xảy ra”. Trong khi đó, các hãng truyền thông Mỹ như Newsweek, CBS và CNN đều dẫn phát biểu từ các quan chức không rõ danh tính của nước này cho rằng, Iran đã bắn nhầm chiếc máy bay của Ukraine. Theo các quan chức Mỹ, dựa trên phân tích vệ tinh, radar và dữ liệu điện tử, họ ngày càng tin rằng các hệ thống phòng không của Iran đã bắn hạ chiếc máy bay xấu số do nhầm lẫn. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã từ chối bình luận về thông tin trên.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ngày 10-1 cũng không loại trừ khả năng một tên lửa bắn hạ máy bay chở khách của nước này trên bầu trời Iran, song điều này vẫn chưa được khẳng định. Tổng thống Zelenskiy cho biết, ông đã thảo luận với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về cuộc điều tra vụ rơi máy bay này. Trong khi đó, trên twitter, Ngoại trưởng Ukraina Vadym Prystaiko cho biết Mỹ ngày 10-1 đã chuyển cho Tổng thống nước này Volodymyr Zelenskiy dữ liệu quan trọng về vụ tai nạn máy bay.
Cùng ngày, Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng nhận định: “Australia cũng nhận được các thông tin tình báo tương tự như lãnh đạo Canada và Mỹ đã đề cập về vụ rơi máy bay tại Iran. Tất cả các thông tin cho rằng đây không phải là một hành động chủ ý. Đây là một thảm kịch và Australia sẽ hỗ trợ hết sức có thể. Điều hết sức quan trọng là cần một cuộc điều tra đầy đủ và minh bạch, bao gồm các nỗ lực phục hồi thông tin trong hộp đen để phục vụ cho cuộc điều tra”.
Iran tiếp tục bác bỏ
Trước những cáo buộc này, Iran khẳng định máy bay của Ukraine bị rơi không có bất cứ mối liên quan nào đến hành động tấn công bằng tên lửa của Tehran nhằm vào căn cứ Mỹ ở Iraq. Kênh truyền hình Press TV dẫn phát biểu của Bộ trưởng Đường sá và Phát triển Đô thị Iran Mohammad Eslami nhấn mạnh: “Có những tin đồn rằng một vụ tấn công khủng bố, vụ nổ hoặc bắn vào máy bay có thể đã gây ra sự cố, nhưng chúng đều không đúng. Trục trặc kỹ thuật là nguyên nhân của vụ việc”. Người phát ngôn Chính phủ Iran, Ali Rabiei cùng ngày cũng đã phủ nhận thông tin về việc tên lửa nước này bắn hạ chiếc máy bay của UIA. Kênh truyền hình quốc gia Iran dẫn tuyên bố của người phát ngôn trên khẳng định: “Tất cả những báo cáo này đều là một cuộc chiến tranh tâm lý chống lại Iran... tất cả các quốc gia có công dân trên máy bay có thể cử các đại diện và chúng tôi hối thúc Boeing cử đại diện của hãng tham gia quá trình điều tra hộp đen”.
Người đứng đầu Cơ quan Hàng không Dân dụng Iran Ali Abedzadeh cho biết hộp đen sẽ cho thấy nguyên nhân thực sự của vụ tai nạn máy bay Ukraine. Theo ông Abedzadeh, có thể mất tới hai tháng để trích xuất dữ liệu từ hộp đen. Ông Abedzadeh cho biết, bất kỳ ý kiến nào về việc máy bay của Ukraine rơi do bị trúng tên lửa đều là không hợp lệ trước khi phân tích các hộp đen của máy bay. Ông Abedzadeh tiếp tục nhắc lại lập trường của Iran về việc máy bay không bị trúng tên lửa, nói thêm rằng Tehran đã mời tất cả các đối tác quốc tế tham gia vào cuộc điều tra cho thấy sự sẵn sàng của nước này đối với một cuộc điều tra minh bạch và sự tự tin của Tehran đối với tính chuyên nghiệp của các hoạt động điều tra.
Mời nhiều nước cùng điều tra
Iran đã yêu cầu Canada chia sẻ thông tin về chiếc máy bay bị rơi sau khi Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định, Ottawa có thông tin tình báo cho thấy chiếc máy bay này đã bị trúng tên lửa của Iran. Hãng thông tấn quốc gia IRNA dẫn phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhấn mạnh: “Chúng tôi đang kêu gọi Thủ tướng Canada và tất cả các chính phủ khác có thông tin về vụ rơi máy bay hãy chuyển giao cho ủy ban điều tra của Iran.
Ông Farhad Parvaresh, đại diện của Iran tại Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) thuộc LHQ cho biết, Iran đã chính thức mời Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NTSB) tham gia cuộc điều tra về vụ rơi máy bay và Ủy ban này đã đồng ý chỉ định một điều tra viên. Bên cạnh đó, Iran cũng đã thông báo với các quốc gia khác, trong đó có Ukraine và Canada. Các quan chức Iran khẳng định sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà điều tra hoạt động tại Iran.
Cùng ngày, Ủy ban An toàn Giao thông Canada thông báo đã nhận được lời mời của Iran tới hiện trường vụ máy bay rơi. Ủy ban này cho biết: “Chúng tôi đã chấp nhận lời mời và đang sắp xếp để tới hiện trường. Ủy ban An toàn Giao thông sẽ phối hợp với các nhóm và tổ chức khác hiện đã có mặt ở hiện trường”. Cục Điều tra Tai nạn máy bay Iran hiện đang phụ trách điều tra theo quy tắc hàng không quốc tế. Một phái đoàn Ukraine được cho là đang phối hợp với giới chức Iran tại hiện trường vụ rơi máy bay.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian ngày 10-1, cho biết nước này sẵn sàng phối hợp trong cuộc điều tra vụ máy bay rơi. Phát biểu trên Đài Phát thanh RTL, người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp nêu rõ: “Quan trọng là càng làm sáng tỏ càng tốt cũng như càng nhanh càng tốt”. Đại diện Iran tại ICAO cho biết Pháp có thể tham gia với tư cách là một trong những nước chế tạo các động cơ.
Ukraine ngày 9-1 cũng đã mời Thụy Điển tham gia cuộc điều tra về thảm kịch này, vốn cướp đi sinh mạng của một số công dân Thụy Điển. Thủ tướng Lofven đã chuyển tới nhà lãnh đạo Ukraine những lời chia buồn từ người dân Thụy Điển và cho biết, Stockholm sẵn sàng hỗ trợ bằng tất cả những biện pháp có thể để đảm bảo một cuộc điều tra minh bạch.
AN BÌNH
Hãng hàng không Lufthansa hủy chuyến bay tới Iran Người phát ngôn của hãng hàng không Lufthansa (Đức) cho biết, một máy bay của hãng này đã phải đổi hướng trở về khi đang trên đường tới thủ đô Tehran của Iran. Theo người phát ngôn trên, chuyến bay mang số hiệu LH 600 đang trên đường về Frankfurt/Main sau khi có sự thay đổi về đánh giá tình hình an ninh trên không phận xung quanh sân bay Tehran. Ban lãnh đạo Lufthasa cho rằng, quyết định thay đổi hướng bay chỉ là một biện pháp phòng ngừa nhằm đảm bảo sự an toàn cho chuyến bay. Trước đó một ngày, Lufthansa đã thông báo sẽ nối lại các chuyến bay tới thủ đô Tehran của Iran từ ngày 9-1 bất chấp những căng thẳng đang gia tăng tại khu vực Trung Đông. Cơ sở để đưa ra quyết định này là do đường bay tới Tehran nằm ở vùng được đánh giá là an toàn. Tuy nhiên, Lufthansa vẫn tránh bay qua không phận Iran và Iraq. Hiện nay, nhiều hãng hàng không trên thế giới đã tránh bay qua không phận Iran và Iraq, trong đó có Air France (Pháp) và KLM (Hà Lan). Một số hãng hàng không khác cũng tránh bay qua khu vực nguy hiểm như Air Canada, Singapore Airlines, Qantas, Korean Air, Thai Airways... Trong khi đó, theo dữ liệu từ trang Flightradar24, các hãng hàng không Nga như Aeroflot hay Pobeda vẫn tiếp tục khai thác các chuyến bay qua không phận Iran. |